image banner
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2023

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong tháng 10 tiếp tục có bước phục hồi tích cực, năng suất và giá bán vụ lúa hè thu tăng mang lại nhiều phấn khởi cho người nông dân; hoạt động sản xuất công nghiệp duy trì ổn định và phát triển, công tác thu hút đầu tư tiếp tục đạt nhiều hiệu quả, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, nhiều công trình, dự án trọng điểm, liên vùng, có tác động lan toả đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện; công tác chăm lo đời sống và sức khỏe của người dân được quan tâm. Bên cạnh đó, nền kinh tế của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi xung đột Nga - Ucraina kéo dài, chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia để kiềm chế lạm phát, bất ổn về an ninh năng lượng và lương thực đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của doanh nghiệp. Kết quả hoạt động của các ngành, lĩnh vực cụ thể như sau:

I. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tháng phát triển ổn định. Toàn tỉnh tập trung chăm sóc vụ lúa thu đông; tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển từ mô hình nuôi cá tra thương phẩm của 6 doanh nghiệp trên vùng đất Đồng Tháp Mười.

1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt

Cây lúa

- Lúa hè thu 2023: Diện tích gieo sạ đạt 217.757 ha, tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm 15/10/2023, đã thu hoạch xong, diện tích ước đạt 217.757 ha (tăng 0,36% so cùng kỳ); năng suất ước đạt 54,18 tạ/ha (tăng 9,53%), năng suất tăng do diện tích vụ hè thu tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười sạ sớm hơn cùng kỳ các năm trước khoảng 20 ngày nên gặp thời tiết tương đối thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển (trùng với thời tiết vụ đông xuân); sản lượng thu hoạch ước đạt 1.179.851 tấn, (tăng 9,93%).

- Lúa thu đông 2023: Diện tích gieo sạ ước đạt 72.050,8 ha, tăng 11,61% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích tập trung chủ yếu ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh (Kiến Tường, Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ) và các huyện phía nam của tỉnh. Diện tích gieo sạ tăng do năm nay nước lũ ở thượng nguồn về thấp và giá lúa duy trì ở mức cao nên người dân tranh thủ xuống giống. Diện tích thu hoạch ước đạt 41.094 ha (tăng 4,41%), năng suất đạt 52,73 tạ/ha (tăng 0,78%), sản lượng 216.684 tấn (tăng 5,23%).

Tình hình sâu bệnh: Trên lúa thu đông 2023 có các đối tượng gây hại như bệnh đạo ôn lá (2.491 ha), chuột (762 ha), ốc bươu vàng (185 ha), cháy bìa lá (35 ha), rầy nâu (21 ha), … xuất hiện trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ - chín ở hầu hết các huyện, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An.

Một số cây hàng năm khác vụ hè thu 2023: Cây bắp diện tích gieo trồng 64,7 ha (giảm 15,09% so với cùng kỳ), diện tích giảm do giá bán thấp, người dân trồng không hiệu quả; năng suất ước đạt 55,21 tạ/ha (giảm 0,8%); sản lượng đạt 357,2 tấn (giảm 15,77%). Cây đậu phộng diện tích gieo trồng 20,8 ha (giảm 25,45%), diện tích giảm do giá bán không ổn định, nhân công không có và chi phí cao, sản xuất không có lãi nên người nông dân chuyển sang trồng cỏ; năng suất ước đạt 30 tạ/ha (tăng 7,31%); sản lượng đạt 62,4 tấn (giảm 20%). Rau các loại diện tích trồng 6.542,05 ha (tăng 15,79%); năng suất ước đạt 174,76 tạ/ha (giảm 4,09%); sản lượng đạt 114.315,78 tấn (tăng 11,04%), sản lượng tăng là so diện tích gieo trồng tăng. Sắn (mỳ) diện tích gieo trồng đạt 333,8 ha (giảm 4,17%), diện tích giảm chủ yếu ở huyện Thủ Thừa do quy hoạch khu công nghiệp và trồng khóm; năng suất ước đạt 116,93 tạ/ha (tăng 44,63%); sản lượng đạt 3.903,11 tấn (tăng 38,6%).

Một số cây lâu năm chủ yếu

- Cây thanh long: Diện tích hiện có 8.875,1 ha, tăng 7,24% so cùng kỳ, trồng chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tân Trụ,... Diện tích cây thanh long tăng do người dân ở huyện Châu Thành đã phục hồi lại những diện tích đất trồng phá bỏ trước đó và đầu tư chăm sóc lại những diện tích trồng hiện có. Sản lượng thu hoạch ước đạt 206.451,66 tấn, giảm 5,74% so với cùng kỳ.

- Cây chanh: Diện tích hiện có 11.920 ha, tăng 6,16% so cùng kỳ. Diện tích tăng do trồng cây chanh mang lại hiệu quả kinh tế ổn định nên người dân đã chuyển đổi diện tích một số cây trồng không hiệu quả và cải tạo vườn tạp để phát triển. Trồng chủ yếu ở huyện Bến Lức, Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa và Thạnh Hóa. Sản lượng ước đạt 157.582,83 tấn, tăng 10,32% so cùng kỳ.

Tình hình tiêu thụ

Giá một số nông sản bình quân tháng 10 năm 2023 so với tháng 9/2023 dao động như sau: Lúa vụ hè thu loại thường 7.791 đồng/kg (tăng 12 đồng/kg); lúa đặc sản/chất lượng cao vụ hè thu 7.731 đồng/kg (giảm 63 đồng/kg); nếp 7.859 đồng/kg (tăng 81 đồng/kg); bắp (ngô) hạt khô 8.000 đồng/kg (bằng so với cùng kỳ); thanh long ruột trắng 10.000 đồng/kg (bằng với tháng 9/2023); thanh long ruột đỏ 15.874 đồng/kg (giảm 2.789 đồng/kg); chanh không hạt 9.587 đồng/kg (tăng 4.191 đồng/kg),...

b. Chăn nuôi           

Hoạt động chăn nuôi trong tháng 10/2023 tương đối ổn định, công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin trên gia súc, cúm gia cầm được tập trung thực hiện tốt. Ước trong tháng, sản lượng thịt trâu xuất chuồng đạt 33 tấn (tăng 17,02% so với cùng kỳ); thịt bò 850 tấn (tăng 23,42%); thịt lợn 1.898 tấn (tăng 17,74%); thịt gia cầm 3.496 tấn (giảm 10,01%); trứng gia cầm 48.943 nghìn quả (tăng 12,58%), trong đó: thịt gà 2.712 tấn (giảm 13,94%), trứng gà 33.412 nghìn quả (giảm 4,61%). Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, sản lượng thịt trâu xuất chuồng đạt 338,99 tấn (tăng 22,11% so với cùng kỳ); thịt bò 6.770 tấn (giảm 11,20%); thịt lợn 20.349,39 tấn (tăng 2,75%); thịt gia cầm 38.625,28 tấn (tăng 11,67%); trứng gia cầm 549.396 nghìn quả (tăng 37,84%), trong đó: thịt gà 29.527,48 tấn (tăng 4,12%), trứng gà 467.055,93 nghìn quả (tăng 43,06%).

Tình hình dịch bệnh: Trong tháng, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi, ở xã Mỹ Lệ (Cần Đước) và xã Long Hiệp (Bến Lức) với tổng tiêu huỷ là 22 con. Bệnh Cúm gia cầm xảy ra tại 05 hộ tại 02 xã Phước Vân (04 hộ) tiêu hủy 3.015 con và Long Định (01 hộ) tiêu hủy 384 con thuộc huyện Cần Đước. Các bệnh dịch khác không xảy ra.

 Từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 16 hộ thuộc 14 xã thuộc 07 huyện/thành phố: Tân Hưng, thành phố Tân An, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Cần Đước, Châu Thành, Bến Lức với tổng tiêu hủy là 464 con, tổng trọng lượng 27.151 kg. Bệnh Cúm gia cầm xảy ra tại 05 hộ thuộc 02 xã thuộc 01 huyện/thành phố: Cần Đước với tổng tiêu hủy là 3.399 con. Các bệnh còn lại như: lở mồm long móng, heo tai xanh và bệnh dại trên động vật chưa ghi nhận trường hợp bệnh.

Công tác phòng chống dịch bệnh: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tiêm 124.414 liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng; 3.068.638 liều bệnh cúm gia cầm; 93.176 liều bệnh viêm da nổi cục. Phần lớn các hộ chăn nuôi biết áp dụng tốt kỹ thuật hiện đại về chăn nuôi, thực hiện tốt việc tiêm ngừa cho đàn gia súc, gia cầm, vệ sinh chuồng trại thường xuyên.

Tình hình tiêu thụ

Giá sản phẩm chăn nuôi bình quân tháng 10 năm 2023 so với 9/2023 dao động như sau: Giá thịt trâu hơi 63.646 đồng/kg (bằng với tháng trước); thịt bò hơi 78.535 đồng/kg (giảm 322 đồng/kg); thịt heo hơi 56.087 đồng/kg (giảm 2.343 đồng/kg); gà ta thịt hơi 87.385 đồng/kg (giảm 1.796 đồng/kg); vịt thịt hơi 49.611 đồng/kg (tăng 432 đồng/kg); trứng gà ta 28.830 đồng/10 quả (giảm 1.030 đồng/10 quả); trứng gà công nghiệp 21.624 đồng/10 quả (giảm 719 đồng/10 quả); trứng vịt 26.969 đồng/10 quả (tăng 403 đồng/10 quả);....

2. Lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng mới tập trung: Ước tháng 10/2023, trên địa bàn tỉnh có 31,2 ha diện tích rừng trồng mới (tăng 0,65% so cùng kỳ). Lũy kế từ đầu năm đến nay có 540,8 ha diện tích rừng trồng mới (giảm 0,48%).

Tình hình khai thác: Ước tháng 10/2023, sản lượng gỗ khai thác được 11.800 m³, tăng 0,08% so với cùng kỳ, chủ yếu là gỗ bạch đàn, tràm bông vàng, khai thác ở các huyện Đức Huệ, Thạnh Hóa, Tân Hưng và Tân Thạnh; khai thác cây phân tán chủ yếu ở các huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa và Bến Lức. Củi khai thác được 14.890 ster, giảm 1,13% so cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, sản lượng gỗ khai thác được 123.835,4 m³ (tăng 0,48% so với cùng kỳ); củi khai thác 143.024,8 ster (tăng 2,04%).

Tình hình cháy rừng: Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng, Lũy kế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 1 ha rừng tràm 2 năm tuổi.

3. Thủy sản

- Thủy sản nuôi trồng: Ước tháng 10/2023, diện tích thả nuôi đạt 663,2 ha, giảm 15,02% so cùng kỳ; năng suất ước đạt 16,95 tấn/ha (tăng 44,62%); sản lượng ước đạt 8.573,6 tấn (tăng 9,41%). Lũy kế đến nay, diện tích thả nuôi đạt 7.765 ha (giảm 0,70%); năng suất 12,09 tấn/ha (tăng 19,7%); sản lượng ước đạt 75.097,76 tấn (tăng 15,52%). Trong đó:

+ Tôm nuôi nước lợ: Trong tháng 10/2023, diện tích thả nuôi được 406,2 ha, giảm 27,59% so với cùng kỳ, thu hoạch ước đạt 280,6 ha (giảm 38,46%), năng suất ước đạt 5,02 tấn/ha (giảm 3,60%), sản lượng ước đạt 1.409,4 tấn (giảm 40,68%). Trong đó: diện tích thả nuôi tôm sú đạt 30,2 ha (giảm 26,34%), thu hoạch 28,8 ha (giảm 12,73%), năng suất 3,09 tấn/ha (giảm 26,02%), sản lượng 89,10 tấn (giảm 35,43%); diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 376 ha (giảm 27,69%); thu hoạch 251,8 ha (giảm 40,47%), năng suất 5,24 tấn/ha (giảm 0,89%), sản lượng 1.320,3 tấn (giảm 41,01%).

Lũy kế từ đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi được 5.458,2 ha (giảm 4,80% so cùng kỳ), diện tích thu hoạch ước đạt 4.196,10 ha (giảm 5,19%), năng suất ước đạt 4,20 tấn/ha (tăng 5,44%), sản lượng 17.639,9 tấn (giảm 0,03%). Trong đó: diện tích thả nuôi tôm sú được 425,4 ha (giảm 3,70%), thu hoạch 346,4 ha (giảm 1,80%), năng suất 2,77 tấn/ha (giảm 3,66%), sản lượng 959,8 tấn (giảm 5,39%); diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng được 5.032,8 ha (giảm 4,89%), thu hoạch 3.849,7 ha (giảm 5,49%), năng suất 4,33 tấn/ha (tăng 6,12%), sản lượng 16.680,10 tấn (tăng 0,29%).

+ Cá tra nuôi công nghiệp: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 doanh nghiệp tư nhân đầu tư nuôi cá tra thương phẩm với 9 vùng nuôi ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường. Ước trong tháng các doanh nghiệp thả nuôi 48,5 ha (tăng 6,59% so với cùng kỳ), diện tích thu hoạch 34 ha (tăng 13,33%), năng suất ước đạt 167,21 tấn/ha (tăng 16,25%), sản lượng ước đạt 5.685 tấn (tăng 31,75%). Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, diện tích nuôi 301,80 ha (giảm 11,88%), diện tích thu hoạch 260 ha (tăng 10,05%), năng suất ước đạt 171,11 tấn/ha (tăng 15,66%), sản lượng ước đạt 44.489,46 tấn (tăng 27,28%).

- Tình hình tiêu thụ: Giá thủy sản bình quân tháng 10/2023 so với tháng 9/2023 dao động như sau:

+ Tôm sú: Loại 30 con/kg có giá 187.201 đồng/kg (giảm 5.816 đồng/kg); loại 40 con/kg, giá 155.154 đồng/kg (giảm 4.637 đồng/kg); loại từ 40 con/kg trở lên, giá 130.663 đồng/kg (giảm 5.267 đồng/kg).

+ Tôm thẻ chân trắng: Loại cỡ 110 con/kg có giá 77.000 đồng/kg (giảm 3.000 đồng/kg); loại cỡ 80 con/kg, giá 89.403 đồng/kg (giảm 5.171 đồng/kg); loại cỡ 60 con/kg, giá 107.410 đồng/kg (giảm 5.004 đồng/kg); loại cỡ 40 con/kg, giá 125.937 đồng/kg (giảm 2.768 đồng/kg).

+ Thủy sản khác: Cá tra loại size từ 0,7 đến dưới 1 kg/con có giá 20.087 đồng/kg (giảm 195 đồng/kg); loại size từ 1 kg/con trở lên 19.245 đồng/kg (giảm 350 đồng/kg); cá diêu hồng dưới 1kg/con 48.823 đồng/kg (bằng với tháng trước); cá mè 25.542 đồng/kg (giảm 258 đồng/kg);…

- Thủy sản khai thác: Trong tháng 10/2023, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 545,30 tấn, giảm 10,47% so cùng kỳ. Trong đó: khai thác thủy sản biển 248,50 tấn (giảm 21,11%), bao gồm: tôm ước đạt 65 tấn (giảm 16,37%), cá ước đạt 117,50 tấn (giảm 17,17%), thủy sản khác ước đạt 66,0 tấn (giảm 30,82%); khai thác thủy sản nội địa 296,80 tấn (tăng 0,92%), bao gồm: tôm ước đạt 3,10 tấn (tăng 3,33%), cá ước đạt 262,50 tấn (tăng 0,96%), thủy sản khác ước đạt 31,20 tấn (tăng 0,32%).

Trong 10 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 5.300,31 tấn, giảm 6,53% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản biển ước đạt 2.452,65 tấn (giảm 17,12%), bao gồm: tôm ước đạt 674,53 tấn (giảm 14,31%), cá ước đạt 1.124,62 tấn (giảm 22,33%), thủy sản khác ước đạt 653,50 tấn (giảm 9,77%); sản lượng khai thác thủy sản nội địa ước đạt 2.847,66 tấn (tăng 5,03%), bao gồm: tôm ước đạt 12,82 tấn (giảm 5,27%), cá ước đạt 2.508,75 tấn (tăng 2,09%), thủy sản khác ước đạt 326,09 tấn (tăng 35,76%).

II. Sản xuất công nghiệp

Trong tháng 10 năm 2023, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản phục hồi và có bước phát triển hơn so với tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2023 tăng 2,86% so tháng 9/2023 và tăng 12,42% so cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,95% so tháng trước và tăng 12,71% so cùng kỳ; ngành công nghiệp điện tăng 1,97% so tháng trước và tăng 7,89% so cùng kỳ; ngành công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải tăng 0,55% so tháng trước và tăng 11,20% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng đầu năm 2023 tăng 6,68% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,88%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,53%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,21%.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 10 tháng đầu năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất kim loại (tăng 38,92%); sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (tăng 38,76%); thoát nước và xử lý nước thải (tăng 33,04%); chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), từ rơm, rạ và vật liệu tết bện (tăng 18,87%); sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (tăng 11,67%);... 

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 10/2023 có mức tăng cao so cùng kỳ như: áo sơ mi cho người lớn dệt kim hoặc đan móc (tăng 233,33%); giường bằng gỗ các loại (tăng 104,08%); ván ép từ gỗ và các vật liệu tương tự (tăng 102,56%); dầu và mỡ bôi trơn (tăng 87,56%); sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm (tăng 55,75%); bia đóng lon (tăng 42,38%); cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại (tăng 38,18%); thuốc lá có đầu lọc (tăng 23,19%); bao bì đóng gói khác bằng plastic (tăng 21,76%);...

Lũy kế đến cuối tháng 10 năm 2023 có 35/58 nhóm sản phẩm có tốc độ tăng so cùng kỳ, gồm: 9/35 nhóm sản phẩm tăng trên 20%, trong đó: các loại cấu kiện nổi khác 39,33 tỷ đồng (tăng 105,85%); sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm 37,97 nghìn tấn (tăng 65,93%); phân khoáng hoặc phân hóa học chứa 3 nguyên tố: nitơ, photpho và kali (NPK) 288,62 nghìn tấn (tăng 54,58%); giường bằng gỗ các loại 7.471 chiếc (tăng 50,31%); ống khác không nối, mặt cắt hình tròn bằng sắt, thép không hợp kim 708,64 nghìn tấn (tăng 47,25%); dịch vụ vận hành hệ thống thoát nước 15,98 tỷ đồng (tăng 33,04%); dịch vụ sản xuất sản phẩm bằng kim loại chưa được phân vào đâu 438,55 tỷ đồng (tăng 27,81%);... Có 7/35 nhóm sản phẩm tăng từ 10-20%, trong đó: cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại 92,71 nghìn tấn (tăng 19,42%); ván ép từ gỗ và các vật liệu tương tự 211,25 nghìn m3 (tăng 18,87%); cấu kiện làm sẵn cho xây dựng hoặc kỹ thuật dân dụng, bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo 400,32 nghìn tấn (tăng 16,70%); bộ phận của thiết bị phân phối và điều khiển điện 1.197 tấn (tăng 15,10%);... Có 19/35 nhóm sản phẩm tăng dưới 10%, trong đó: bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc 213,30 triệu cái (tăng 9,68%); nước uống được 64,90 triệu m3 (tăng 9,45%); thuốc lá có đầu lọc 94,70 triệu bao (tăng 8,79%); cáp đồng trục và dây dẫn điện đồng trục khác 2.895 tấn (tăng 8,43%); sơn và vẹc ni, tan trong môi trường không chứa nước 32,86 nghìn tấn (tăng 6,41%); hạt điều khô 54,58 nghìn tấn (tăng 3,53%); bia đóng lon 13.781,74 nghìn lít (tăng 2,07%); thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) 149,33 triệu chiếc (tăng 1,52%);...

Có 23/58 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm so cùng kỳ, gồm: 6/23 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm trên 20%, giảm cao nhất là nhóm sản phẩm áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc 1.015,85 nghìn cái (giảm 43,62%); thiết bị bán dẫn khác 4.171 nghìn chiếc (giảm 39,37%); thân xe có động cơ dùng cho xe vận tải hàng hóa và xe chở từ 10 người trở lên 588 cái (giảm 36,43%); bia đóng chai 979,71 nghìn lít (giảm 32,01%); xi măng Portland đen 530,85 nghìn tấn (giảm 26,60%); áo sơ mi cho người lớn dệt kim hoặc đan móc 15,01 triệu cái (giảm 22,03%). Có 2/23 nhóm sản phẩm giảm từ 10-20%, gồm: dịch vụ lắp đặt cho máy thông dụng khác 9,43 tỷ đồng (giảm 18,04%); sợi từ bông nhân tạo 13,09 nghìn tấn (giảm 10,59%). Có 15/23 nhóm sản phẩm giảm dưới 10%, trong đó: sản phẩm gia dụng và sản phẩm phục vụ vệ sinh khác bằng plastic 112,71 nghìn tấn (giảm 7,74%); thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng viên 491 triệu viên (giảm 7,36%); túi xách 12,92 triệu cái (giảm 6,97%); thức ăn cho gia súc 537,53 nghìn tấn (giảm 6,91%); dây cách điện đơn dạng cuộn bằng đồng 2,96 nghìn tấn (giảm 5,89%); các bộ phận của giày, dép bằng da 136,01 triệu đôi (giảm 4,53%); dầu và mỡ bôi trơn 4,99 nghìn tấn (giảm 3,55%); sắt, thép không hợp kim cán phẳng không gia công quá mức cán nguội, dạng cuộn, có chiều rộng ≥ 600mm, chưa được dát phủ, mạ hoặc tráng 155,56 nghìn tấn (giảm 2,05%); vải dệt thoi từ sợi tơ nhân tạo 118,09 triệu m² (giảm 1,07%);...

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tháng 10/2023 tăng 0,69% so với tháng trước và giảm 8,75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,70% so với tháng trước và giảm 8,91% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,26% so với tháng trước và giảm 1,90% so cùng kỳ; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 1,75% so cùng kỳ. Lũy kế đến cuối tháng 10/2023, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 8,26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,42%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1,02%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 1,88%.

III. Hoạt động doanh nghiệp

Công tác thu hút và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào đầu tư và phát triển tại Long An luôn được tỉnh quan tâm hàng đầu. Trong tháng có 210 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 40% so cùng kỳ), tổng số vốn đăng ký 1.619 tỷ đồng (giảm 11%); có 39 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh (tăng 18%); hoạt động trở lại 26 doanh nghiệp (tăng 100%); giải thể 20 doanh nghiệp (giảm 86%).

Trong 10 tháng đầu năm 2023, có 1.582 doanh nghiệp được thành lập mới (tăng 11% cùng kỳ), tổng số vốn đăng ký 15.478 tỷ đồng (giảm 4%); tạm ngừng hoạt động kinh doanh 617 doanh nghiệp (tăng 38%); hoạt động trở lại 282 doanh nghiệp (tăng 20%); giải thể 210 doanh nghiệp (giảm 5%). 

IV. Đầu tư phát triển

Ước thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 10 năm 2023 đạt 1.143,24 tỷ đồng, bằng 11,88% so với kế hoạch, tăng 1,09% so tháng trước và tăng 39,06% so cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 907,43 tỷ đồng, bằng 11,87% so với kế hoạch, tăng 1,25% so tháng trước và tăng 51,36% so cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 235,81 tỷ đồng, bằng 11,90% so với kế hoạch, tăng 0,47% so tháng trước và tăng 5,93% so cùng kỳ.

Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023 vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý ước đạt 7.302,60 tỷ đồng, bằng 75,88% so với kế hoạch và tăng 37,54% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 5.574,02 tỷ đồng, bằng 72,93% so với kế hoạch, tăng 45,43% so cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 1.728,58 tỷ đồng, bằng 87,26% so với kế hoạch và tăng 17,06% so cùng kỳ.

V. Thương mại, giá cả

1. Nội thương

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tháng 10 năm 2023 đạt 5.926,51 tỷ đồng, tăng 1,29% so tháng trước và tăng 14,26% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.298,73 tỷ đồng, tăng 1,59% so với tháng trước, tăng 16,51% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 528,50 tỷ đồng, tăng 2,14% so với tháng trước và tăng 9,06% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 2.099,28 tỷ đồng, tăng 0,62% so với tháng trước và tăng 12,21% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt 56.537,45 tỷ đồng (tăng 11,72% so cùng kỳ). Trong đó, bán lẻ hàng hóa ước đạt 31.094,54 tỷ đồng (tăng 9,25%); dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 5.146,96 tỷ đồng (tăng 27,26%); dịch vụ khác ước đạt 20.295,96 tỷ đồng (tăng 12,12%).

2. Giá cả

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2023 tăng 0,04% so với tháng trước và tăng 3,15% so với cùng kỳ. Có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó: nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng cao nhất 0,59% (vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,47%, do cát tăng giá, nguồn khai thác khó khăn, cung không đủ cầu; điện sinh hoạt tăng 1,09%, do nhu cầu tiêu dùng tăng; giá gas tăng 4,79% do giá gas thế giới tăng), đóng góp vào mức tăng chung CPI 0,12 điểm phần trăm; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,43% (do giá một số mặt hàng tăng như: đồ trang sức tăng 0,08%; sửa chữa đồng hồ đeo tay và đồ trang sức tăng 7,78%), đóng góp vào mức tăng chung CPI 0,01 điểm phần trăm; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,40%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,31%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép và nhóm giáo dục đều có mức tăng 0,14%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,01%. Có 1/11 nhóm có CPI không đổi so với tháng trước là nhóm thuốc và dịch vụ y tế và 3/11 nhóm có chỉ số giá giảm so với tháng trước là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,06%; nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,16% và nhóm giao thông giảm 1,79% (do ảnh hưởng từ các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu trong nước vào các ngày 2/10/2023; 11/10/2023 và ngày 23/10/2023 làm cho giá nhiên liệu giảm 3,96%, trong đó xăng giảm 4,63%; dầu diezen giảm 0,72% so với tháng trước), góp phần vào mức giảm chung CPI là 0,12 điểm phần trăm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng đầu năm 2023 tăng 3,79% so với cùng kỳ năm trước. Có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, trong đó: nhóm giáo dục tăng 14,15%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 8,62%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 4,59%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,05%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,50%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,50%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,96%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,45%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,55%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,18%. Riêng nhóm giao thông giảm 4,65% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá vàng tháng 10/2023 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 9,37% so với cùng kỳ năm trước, tăng 5,99% so với tháng 12 năm 2022; chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10/2023 tăng 1,20% so với tháng trước, tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,58% so với tháng 12 năm 2022. Bình quân 10 tháng đầu năm 2023 chỉ số giá vàng tăng 4,15% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá đô la Mỹ tăng 2,47%.

VI. Vận tải, du lịch

Vận tải: Tổng doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 10 năm 2023 ước đạt 519,34 tỷ đồng, tăng 2,84% so tháng trước và tăng 23,26% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 83,50 tỷ đồng, tăng 2,87% so tháng trước và tăng 29,48% so cùng kỳ; khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 3,39 triệu lượt người, tăng 2,29% so tháng trước và tăng 27,70% so cùng kỳ. Khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt 79,10 triệu lượt người.km, tăng 2,68% so tháng trước và tăng 28,13% so cùng kỳ. Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 270,87 tỷ đồng, tăng 4,02% so tháng trước và tăng 32,77% so cùng kỳ; khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 1,71 triệu tấn, tăng 2,41% so tháng trước và tăng 28,37% so cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 78,95 triệu tấn.km, tăng 2,74% so với tháng trước và tăng 30,81% so cùng kỳ.

Tổng doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4.869,13 tỷ đồng, tăng 17,95% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách đạt 666,70 tỷ đồng (tăng 26,73%); khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 21,94 triệu lượt người (tăng 25,97%); luân chuyển hành khách ước đạt 551,93 triệu lượt người.km (tăng 25,28%). Doanh thu vận tải hàng hóa đạt 2.592,23 tỷ đồng (tăng 18,16%); khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 18,41 triệu tấn (tăng 12,80%); luân chuyển hàng hóa ước đạt 840,06 triệu tấn.km (tăng 12,65%).

Du lịch: Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu thông tin du lịch, văn hóa, lễ hội, ẩm thực được quan tâm thực hiện. Khách du lịch đến Long An trong tháng 10/2023 ước đạt 110,5 nghìn lượt khách (khách du lịch quốc tế 1.800 lượt khách); doanh thu ước đạt 66 tỷ đồng.

VII. Tài chính, tiền tệ

Tài chính: Lũy kế từ đầu năm đến ngày 26/10/2023, thu ngân sách nhà nước đạt 15.304,15 tỷ đồng, đạt 75,92% dự toán và giảm 13,66% so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa đạt 12.712,41 tỷ đồng, bằng 81,03% dự toán và giảm 11,25% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 2.591,74 tỷ đồng, bằng 57,98% dự toán và giảm 23,79% so cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương là 16.695,99 tỷ đồng, đạt 88,22% dự toán tỉnh giao và tăng 11,84% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 10.129,08 tỷ đồng, đạt 169,05% dự toán và tăng 21,98% so cùng kỳ; chi thường xuyên là 6.506,36 tỷ đồng, đạt 71,74% dự toán và giảm 1,70% so cùng kỳ.

Tiền tệ: Tổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 10/2023 ước đạt 100.359 tỷ đồng, tăng 8,36% so với đầu năm và tăng 7,91% so cùng thời điểm năm trước; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 129.259 tỷ đồng, tăng 9,48% so với đầu năm và tăng 10,60% so cùng thời điểm năm trước, trong đó: nợ xấu 1.909 tỷ đồng, tăng 79,59% so với đầu năm và tăng 124,59% so cùng thời điểm năm trước.

VIII. Một số vấn đề xã hội

1. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Trong tháng 10 năm 2023, công tác an sinh trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được các cấp, ngành quan tâm. Công tác chăm lo đời sống, người có công với cách mạng được duy trì, đảm bảo thực hiện.

Trong tháng, cơ sở Cai nghiện ma túy Long An tiếp nhận mới 55 học viên, tái hòa nhập cộng đồng 21 học viên. Hiện cơ sở Cai nghiện ma túy Long An đang quản lý 669 học viên (6 học viên tự nguyện; 10 học viên lưu trú tạm thời, 653 học viên bắt buộc).

2. Giáo dục

Trong tháng 10 năm 2023, Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện một số hoạt động như: phúc khảo Kỳ thi chọn học sinh giỏi vòng 2 THPT; tổ chức bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi dự thi cấp quốc gia; tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cốt cán mầm non; tổ chức bồi dưỡng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho cán bộ quản lý và giáo viên cấp tiểu học; tổ chức hội nghị trực tuyến bồi dưỡng sử dụng Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 4 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

3. Y tế

Thực hiện truyền thông trên mọi lĩnh vực để mọi người dân nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch đau mắt đỏ, đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, cảm cúm, tay chân miệng và một số dịch bệnh khác. Tăng cường giám sát và xử lý ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ, đạt hiệu quả khống chế không để dịch bùng phát và kéo dài lây lan ra cộng đồng.

Một số bệnh ghi nhận đến cuối tháng 9/2023 như: Bệnh sốt xuất huyết 2.531 ca, giảm 79,89% so với cùng kỳ, tử vong 2 ca (giảm 8 ca); bệnh tay chân miệng 2.832 ca (tăng 153,31%), tử vong 1 ca (tăng 1 ca so cùng kỳ); bệnh quai bị 11 ca (giảm 42,10%); bệnh thủy đậu 124 ca (tăng 65,3%); bệnh tiêu chảy 1.129 ca (giảm 21,1%); bệnh viêm gan siêu vi B 1.638 ca (tăng 2,1%); bệnh cảm cúm 5.394 ca (tăng 16,8%);...

Tổng số ca nhiễm HIV được phát hiện từ đầu năm đến cuối tháng 9 năm 2023 là 337 ca (giảm 1,46% so với cùng kỳ). Số bệnh nhân còn sống đang được quản lý là 3.334 nội tỉnh và 815 ca ngoại tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

4. Lao động, việc làm

Trong tháng 10/2023, tỉnh đã tổ chức thẩm định, cấp 255 giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài; thẩm định nội quy lao động 20 doanh nghiệp; thẩm định, xác nhận 20 doanh nghiệp khai báo các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động với 136 thiết bị. Có 3.648 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, lũy kế 33.475 người; trong đó xét duyệt 3.356 người, lũy kế 29.514 người; chi trợ cấp thất nghiệp 77,4 tỷ đồng, lũy kế 761,2 tỷ đồng; 122 người được hỗ trợ học nghề, lũy kế 659 người; 19.572 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, lũy kế 143.837 người; góp phần giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống và giúp người lao động tìm việc làm mới. Tuyển sinh đào tạo 2.242 lao động, lũy kế 18.665 lao động (589 cao đẳng, 3.379 trung cấp, 4.791 sơ cấp, 9.906 thường xuyên dưới 3 tháng).

5. Văn hóa - thể thao

Văn hóa: Trong tháng 10, toàn tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền các ngày lễ kỷ niệm, sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh như "Ngày Chuyển đổi số quốc gia" 10/10, Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 2023 - 2028, Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam (01/10 - 31/10/2023), "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời" năm 2023 (02/10 - 08/10/2023), "Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy" 04/10… và cải cách hành chính, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống dịch Covid-19, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường… với các hình thức tuyên truyền trực quan (385 tấm băng rôn, pa nô), thông tin lưu động (90 lượt xe tuyên truyền lưu động), thay đổi khẩu hiệu trên pano điện tử, trang trí cờ các loại và đăng bài tuyên truyền lên trang thông tin điện tử trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố.

Hệ thống thư viện từ tỉnh đến huyện tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu sách nhân kỷ niệm các ngày lễ của đất nước; tăng cường công tác bổ sung, xử lý kỹ thuật sách, báo, tạp chí và phục vụ tốt nhu cầu đọc của người dân.

Thể thao: Trong tháng 10, tỉnh đã tổ chức các trận thi đấu như: giải Golf "Nam A Bank Vietnam Masters 2023, giải Quần vợt vô địch trẻ toàn quốc, Giải Quần vợt vô địch quốc gia - Cúp Nam Long năm 2023. Cử 5 vận động viên môn bơi lội, điền kinh và bóng chuyền nữ tham dự thi đấu Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức 20 giải thể thao phong trào với các môn điền kinh, cờ tướng, quần vợt, bóng đá, bóng chuyền, golf, taekwondo, thể dục dưỡng sinh, karate.

6. Tình hình cháy nổ, bảo vệ môi trường

Cháy nổ: Trong tháng 10 năm 2023 (từ 15/9/2023 đến 14/10/2023) trên địa bàn tỉnh không phát sinh cháy, nổ.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 14/10/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ cháy (tăng 1 vụ so với cùng kỳ năm trước), 1 người chết (tăng 1 người) và không có người bị thương, tổng giá trị thiệt hại là 6.010 triệu đồng (tăng 810 triệu đồng).

Bảo vệ môi trường: Tháng 10 năm 2023 (từ 5/9/2023 đến 4/10/2023) trên địa bàn tỉnh phát hiện 02 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường (tăng 02 vụ so cùng kỳ), tổng số tiền xử phạt 1.179,86 triệu đồng.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử phạt 7 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường (tăng 3 vụ so với cùng kỳ), tổng số tiền phạt 1.691,58 triệu đồng (tăng 1.282,88 triệu đồng).

7. Tai nạn giao thông

Trong tháng 10 năm 2023 (từ 15/9/2023 đến 14/10/2023) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông (giảm 1 vụ so tháng trước và tăng 13 vụ so cùng kỳ), làm chết 11 người (giảm 3 người so với tháng trước và tăng 10 người so cùng kỳ), có 9 người bị thương (giảm 1 người so với tháng trước và tăng 6 người so cùng kỳ).

Từ đầu năm đến ngày 14/10/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 149 vụ tai nạn giao thông (tăng 50 vụ so cùng kỳ năm trước), làm chết 103 người (tăng 42 người), bị thương 75 người (tăng 23 người).

Bieu KT_XH 10.2023.xlsx

inphographic thang 10.docx


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1