image banner
Tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2023

Tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, nhất là diễn biến xung đột Nga – U-krai-na leo thang sang giai đoạn mới, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng lương thực dự trữ của các quốc gia; chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt; tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng thấp trong năm nay.

Trong nước, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương nỗ lực cố gắng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra; cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn về pháp lý, vốn đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm đã được triển khai thực hiện đồng hành với sự ủng hộ của Nhân dân cả nước và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, tạo động lực khôi phục, phát triển kinh tế nhanh, bền vững cho từng lĩnh vực và từng địa phương.

Tại Long An, dưới sự điều hành, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Tỉnh ủy, sự quan tâm sâu sắc, giám sát thường xuyên của Hội đồng nhân dân tỉnh, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Ủy ban nhân dân tỉnh và sự nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Hoạt động sản xuất công nghiệp và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2023 từng bước trở lại ổn định và đạt được nhiều kết quả khả quan, thể hiện rõ nhất là Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng đầu năm 2023 của tỉnh tăng 6,43% với cùng kỳ. Ngành thương mại - dịch vụ tiếp tục phục hồi và phát triển, hàng hóa cung ứng phong phú, dồi dào với giá cả ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm tăng khá so với cùng kỳ. Đặc biệt là ngành du lịch, trong 9 tháng đầu năm 2023 tỉnh đã có những kế hoạch và giải pháp kích cầu du lịch trở lại và thu hút được khoảng 712.700 lượt người đến Long An. Các mục tiêu an sinh xã hội được duy trì thường xuyên, đời sống của nhân dân được nâng lên. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong quý III và 9 tháng đầu năm 2023 như sau:

I. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước 9 tháng đầu năm 2023 tăng 4,93%[1], đạt được mức tăng trưởng trên cho thấy chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, sự điều hành, chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, các cấp, các ngành, sự nổ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả trong điều kiện kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm; lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na phức tạp hơn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng. Phần lớn các doanh nghiệp trong nước cũng như trong tỉnh có lúc phải giảm giờ làm, sản xuất cầm chừng do thiếu đơn hàng, tiêu dùng nội tỉnh tăng chậm lại khi người lao động có xu hướng tiết kiệm hơn trong chi tiêu. Dù tăng trưởng trong 9 tháng chưa đạt được kỳ vọng nhưng đây là mức tăng trưởng tích cực, cao hơn mức tăng trung bình của cả nước 0,69 điểm phần trăm, đứng thứ 5/8 tỉnh/thành vùng Kinh tế trọng điểm phía nam[2] và đứng thứ 9/13 tỉnh/thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long[3] (tính riêng quý III tăng 7,78% đứng đầu vùng Kinh tế trọng điểm phía nam và đứng thứ 4 vùng Đồng bằng Sông Cửu Long).

Trong mức tăng trưởng 4,93%, khu vực I (nông, lâm, thủy sản) tăng 3,59%, đóng góp 0,65 điểm phần trăm; khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng 6,42%, đóng góp 3,12 điểm phần trăm; khu vực III (thương mại, dịch vụ) tăng 3,99%, đóng góp 1,06 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,57%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng đầu năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 17,16% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 50,27%; khu vực dịch vụ chiếm 26,26%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,31% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là: 16,59%; 51,09%; 25,86%; 6,46%).

II. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý III và 9 tháng đầu năm 2023 phát triển khá tốt. Sản xuất lúa, nếp diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển, năng suất và giá bán đều tăng so với cùng kỳ. Dịch bệnh trong chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ nên chăn nuôi phát triển ổn định. Hoạt động nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt kết quả khả quan do mô hình nuôi tôm, nuôi cá tra đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả.

1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt

Cây lúa

- Lúa mùa 2022-2023: Diện tích gieo cấy đạt 1.321 ha, giảm 17,18% so với cùng kỳ. Diện tích đất canh tác vụ mùa của tỉnh hiện nay chỉ còn 2 huyện Cần Đước và Cần Giuộc, đây là vùng ven hạ lưu sông Vàm Cỏ thường xuyên ngập mặn, nguồn nước phục vụ sản xuất bị thiếu hụt; nhiều diện tích đất đã quy hoạch khu công nghiệp. Đã thu hoạch xong, diện tích thu hoạch đạt 1.321 ha, giảm 17,15% so với cùng kỳ. Năng suất đạt 40,83 tạ/ha, giảm 1,45% so cùng kỳ, năng suất giảm do tình hình thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng của hạn mặn. Sản lượng đạt 5.393 tấn, giảm 18,36% so cùng kỳ.

- Lúa đông xuân 2022-2023: Diện tích gieo cấy đạt 225.170,80 ha, giảm 0,33% so cùng kỳ. Đã thu hoạch xong, diện tích thu hoạch đạt 225.170,80 ha, giảm 0,33% so cùng kỳ; năng suất thu hoạch đạt 67,80 tạ/ha (tăng 5,17%); sản lượng đạt 1.526.558 tấn (tăng 4,80%).

- Lúa hè thu 2023: Diện tích gieo sạ đạt 217.757,01 ha, tăng 0,37% so với cùng kỳ. Đến thời điểm 15/9/2023, diện tích thu hoạch vụ hè thu ước đạt 210.000 ha, giảm 3,22%. Các huyện vùng Đồng Tháp Mười thường xuống giống sớm và kết thúc thu hoạch vụ vào giữa tháng 9; riêng các huyện phía nam của tỉnh thu hoạch chậm hơn do nắng hạn người nông dân xuống giống trễ. Năng suất thu hoạch ước đạt 55,53 tạ/ha, tăng 11,65% so cùng kỳ, năng suất tăng do diện tích vụ hè thu sạ sớm hơn các năm trước khoảng 20 ngày nên gặp thời tiết tương đối thuận lợi (trùng với thời tiết vụ đông xuân). Sản lượng thu hoạch ước đạt 1.166.068 tấn, tăng 8,64% so cùng kỳ.

- Lúa thu đông 2023: Tính đến thời điểm hiện tại đã gieo sạ 51.994 ha, giảm 8,57% so với cùng kỳ năm 2022, tập trung chủ yếu ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh (Tân Thạnh, Tân Hưng, Đức Huệ) và các huyện phía nam. Diện tích lúa thu đông của các huyện vùng Đồng Tháp Mười thường không ổn định, phụ thuộc vào tình hình ngập lũ và thời tiết. Đến thời điểm 15/9/2023, diện tích thu hoạch đạt 35.811 ha, tăng 46,17% so cùng kỳ. Năng suất thu hoạch ước đạt 54,61 tạ/ha, tăng 3,03% so cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 195.551 tấn, tăng 50,60% so cùng kỳ.

Tình hình sâu bệnh: Trên lúa hè thu và thu đông có các loại sâu bệnh và sinh vật gây hại như: bệnh đạo ôn lá (615 ha), chuột (906 ha), bệnh vàng lá chín sớm (51 ha), bệnh lem lép hạt (342 ha), ốc bươu vàng (251 ha),... gây hại chủ yếu trên các trà lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh - lúa trổ chín ở các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Hòa và Tân Trụ.

Diện tích một số cây hàng năm khác: Cây mía trồng được 65,50 ha (tăng 146,89% so cùng kỳ), sản lượng đạt 1.101,6 tấn (tăng 16,56%); cây bắp trồng được 310,40 ha (tăng 2,39%), sản lượng đạt 990,60 tấn (giảm 20,20%); cây đậu phộng trồng được 144,40 ha (giảm 15,7%), sản lượng đạt 370,80 tấn (giảm 15,50%); cây mỳ (sắn) trồng được 645,71 ha (giảm 7,75%), sản lượng đạt 5.475,6 tấn (tăng 56,37%); rau các loại trồng được 13.371,42 ha (tăng 15,91%), sản lượng đạt 192.055,50 tấn (tăng 4,49%).

Một số cây lâu năm chủ yếu

- Cây thanh long: Diện tích ước tính 8.930,59 ha, tăng 7,19% so cùng thời điểm năm trước. Diện tích trồng chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức và thành phố Tân An. Diện tích cây thanh long có xu hướng tăng do huyện Châu Thành đang phục hồi lại những diện tích đất trồng đã phá bỏ trước đó và đầu tư chăm sóc lại những diện tích trồng hiện có, các huyện còn lại ít phát triển thêm. Sản lượng thu hoạch ước đạt 186.207 tấn, giảm 1,4% so với cùng kỳ, sản lượng giảm là do diện tích trồng mới chưa cho thu hoạch.

- Cây chanh: Diện tích ước tính 12.012,22 ha, tăng 4,21% so cùng thời điểm năm trước. Diện tích tăng là do trồng chanh mang lại hiệu quả kinh tế ổn định nên người dân đã chuyển đổi diện tích một số cây trồng không hiệu quả và cải tạo vườn tạp để phát triển. Sản lượng ước đạt 149.576,64 tấn, giảm 0,03% so cùng kỳ.

Ngoài ra còn một số cây lâu năm khác như: Cây xoài diện tích ước có 485,06 ha (tăng 1,04% so cùng thời điểm năm trước), sản lượng ước đạt 3.532,40 tấn (tăng 6,21% so cùng kỳ); cây dứa (thơm) diện tích ước có 1.264,16 ha (tăng 50,29%), sản lượng ước đạt 21.910,22 tấn (tăng 49,17%); cây dừa diện tích ước có 2.040,84 ha (tăng 3,88%), sản lượng ước đạt 24.612,40 tấn (tăng 29,61%); cây mai diện tích ước có 2.515,90 ha (tăng 5,49%), sản lượng ước đạt 411.075 cây (giảm 30,20%); cây chuối diện tích ước có 765,05 ha (giảm 0,01%), sản lượng ước đạt 10.017,91 tấn (tăng 1,66%); cây mít diện tích ước có 2.722,35 ha (tăng 2,31%), sản lượng ước đạt 25.744,73 tấn (tăng 36,95%).

Tình hình tiêu thụ lúa: Giá một số nông sản bình quân 9 tháng đầu năm 2023 dao động so với cùng kỳ năm trước như sau: Lúa vụ đông xuân loại thường 7.144 đồng/kg, tăng 139 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước (tăng 1,98%); lúa đặc sản/chất lượng cao vụ đông xuân 7.526 đồng/kg, tăng 8 đồng/kg (tăng 0,11%); lúa vụ hè thu loại thường 6.710 đồng/kg, tăng 361 đồng/kg (tăng 5,68%); lúa đặc sản/chất lượng cao vụ hè thu 7.195 đồng/kg, tăng 241 đồng/kg (tăng 3,46%); lúa vụ mùa loại thường 6.088 đồng/kg, tăng 88 đồng/kg (tăng 1,47%); lúa đặc sản/chất lượng cao vụ mùa 8.918 đồng/kg, tăng 96 đồng/kg (tăng 1,09%); nếp có giá 7.423 đồng/kg, tăng 1.319 đồng/kg (tăng 21,61%); thanh long ruột đỏ 23.336 đồng/kg, tăng 18.793 đồng/kg (tăng 413,64%); thanh long ruột trắng 12.807 đồng/kg, tăng 6.720 đồng/kg (tăng 110,41%); chanh không hạt 9.365 đồng/kg, tăng 281 đồng/kg (tăng 3,10%);...

b. Chăn nuôi           

Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong 9 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, bệnh dịch được kiểm soát. Tuy nhiên, người chăn nuôi cần theo dõi sát tình hình thị trường, không nên tăng đàn ồ ạt dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung.

Tại thời điểm 01/7/2023, đàn trâu có 5.850 con (giảm 2,90% so cùng thời điểm năm trước); đàn bò có 117.069 con (tăng 1,35%); đàn heo có 101.360 con (giảm 7,25%); đàn gia cầm có 10.114 nghìn con (tăng 37,84%), trong đó: gà là 8.328 nghìn con (tăng 40,72%).

Ước 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 287 tấn (giảm 27,3% so với cùng kỳ); thịt bò 5.350 tấn (tăng 39,3%); thịt lợn 15.351 tấn (giảm 24,3%); thịt gia cầm 31.786 tấn (tăng 7,2%), trứng gia cầm 446.139 nghìn quả (tăng 26%).

Tình hình dịch bệnh: Trong 9 tháng đầu năm 2023, bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra tại 14 hộ trên địa bàn 12 xã thuộc 6 huyện/thành phố với tổng số heo tiêu hủy là 442 con; bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra tại 04 hộ thuộc 03 xã, ở 2 huyện Tân Hưng và Mộc Hóa với tổng số con bệnh là 04, tiêu hủy 01 con, tổng trọng lượng 99 kg; bệnh Dại động vật xảy ra tại 02 hộ thuộc huyện Đức Huệ và Vĩnh Hưng với tổng tiêu hủy là 05 con. Trong 9 tháng đầu năm 2023, không ghi nhận bệnh cúm trên gia cầm, bệnh lở mồm long móng và bệnh heo tai xanh.

Tình hình tiêu thụ: Giá sản phẩm chăn nuôi bình quân 9 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước như sau: Giá thịt trâu hơi 72.087 đồng/kg, giảm 5.110 đồng/kg so cùng kỳ (giảm 6,62%); thịt bò hơi 85.607 đồng/kg, giảm 12.143 đồng/kg (giảm 12,42%); thịt heo hơi 56.458 đồng/kg, tăng 61 đồng/kg (tăng 0,11%); gà ta thịt hơi 86.532 đồng/kg, tăng 8.984 đồng/kg (tăng 11,59%); vịt thịt hơi 50.309 đồng/kg, tăng 4.329 đồng/kg (tăng 9,41%); trứng gà ta 31.727 đồng/10 quả, giảm 339 đồng/10 quả (giảm 1,06%);...

2. Lâm nghiệp

Hoạt động sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng cây phân tán tăng độ che phủ được quan tâm thực hiện; trong 9 tháng đầu năm 2023, đã thực hiện trồng mới 515 ha rừng, giảm 10,9% so cùng kỳ năm trước và trồng được 555 ngàn cây phân tán, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 1 ha rừng tràm 2 năm tuổi.

Tình hình khai thác: Trong 9 tháng năm 2023, sản lượng gỗ khai thác được 110.000 m3, tăng 5,2% so với cùng kỳ, chủ yếu là gỗ bạch đàn, tràm bông vàng, khai thác từ rừng trồng tập trung ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười (Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng, Đức Huệ) và khai thác cây phân tán chủ yếu ở các huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa, Bến Lức...; củi khai thác được 128.134,80 ster, tăng 2,42% so cùng kỳ.

3. Thủy sản

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 71.324,92 tấn, tăng 14,61% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: cá đạt 50.349,53 tấn (tăng 18,80%); tôm đạt 16.858,92 tấn (tăng 5,44%); thủy sản khác đạt 4.116,47 tấn (tăng 6,62%).

Sản lượng thủy sản khai thác đạt 4.800,72 tấn, giảm 5,15% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: sản lượng khai thác biển đạt 2.249,86 tấn, giảm 14,92% (cá 1.012,38 tấn, giảm 22,48%; tôm 618,70 tấn, giảm 12,80%; thủy sản khác 618,78 tấn, giảm 1,61%); sản lượng khai thác nội địa đạt 2.550,86 tấn, tăng 5,53% (cá 2.246,25 tấn, tăng 2,22%; tôm 9,72 tấn, giảm 7,72%; thủy sản khác 294,89 tấn, tăng 41,03%). Sản lượng thủy sản nuôi trồng nội địa đạt 66.524,20 tấn, tăng 16,36% so cùng kỳ, bao gồm: Cá đạt 47.090,90 tấn, tăng 21,12% (trong đó cá tra công nghiệp đạt 38.804,46 tấn, tăng 30,2%); tôm đạt 16.230,50 tấn, tăng 6,29% (tôm sú đạt 870,70 tấn, giảm 0,65%; tôm thẻ chân trắng đạt 15.359,80 tấn, tăng 6,72%); thủy sản khác đạt 3.202,80 tấn, tăng 5,95%.

Tình hình tiêu thụ thủy sản: Giá thủy sản bình quân 9 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước như sau:

+ Tôm sú: Loại 30 con/kg có giá 229.312 đồng/kg, tăng 17.327 đồng/kg so cùng kỳ năm trước (tăng 8,17%); loại 40 con/kg giá 189.434 đồng/kg, tăng 2.176 đồng/kg (tăng 1,16%); loại 40 con/kg trở lên giá 158.255 đồng/kg, giảm 7.174 đồng/kg (giảm 4,34%).

+ Tôm thẻ chân trắng: Loại 80 con/kg, giá 98.670 đồng/kg, giảm 10.953 đồng/kg (giảm 9,99%); loại cỡ 60 con/kg, giá 113.785 đồng/kg, giảm 15.234 đồng/kg (giảm 11,81%); loại cỡ 40 con/kg, giá 131.080 đồng/kg, giảm 3.259 đồng/kg (giảm 2,43%).

+ Thủy sản khác: Cá tra loại size từ 0,7 đến dưới 1 kg/con có giá 20.691 đồng/kg, giảm 140 đồng/kg (giảm 0,67%); loại size từ 1 kg/con trở lên 21.042 đồng/kg, tăng 620 đồng/kg (tăng 3,04%); cá trê nuôi 28.979 đồng/kg, giảm 1.534 đồng/kg (giảm 5,03%); ếch đồng 75.634 đồng/kg, giảm 21.409 đồng/kg (giảm 22,06%);…

III. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước phục hồi và đạt mức tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý III/2023 tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng đầu năm 2023, chỉ số công nghiệp tăng 6,43% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,61%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý III năm 2023 giảm 2,09% so quý trước và tăng 13% so cùng kỳ. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,33% so quý trước và tăng 13,56% so cùng kỳ, công nghiệp điện tăng 1,74% so quý trước và tăng 4,98% so cùng kỳ, công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải giảm 0,23% so quý trước và tăng 9,53% so cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,43% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,61%, công nghiệp điện tăng 2,49% và công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải tăng 10,19%.

Trong các ngành công nghiệp cấp 2, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng đầu năm 2023 có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước như: ngành sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 47,89%; sản xuất kim loại tăng 28,94%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 12,01%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 10,94%; sản xuất trang phục tăng 8,72%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 8,02%.

Có 35/58 nhóm sản phẩm trong 9 tháng đầu năm 2023 có tốc độ tăng so cùng kỳ, trong đó có 9/35 nhóm sản phẩm tăng trên 20% như: Sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm 36.360,56 tấn (tăng 72,18%); phân khoáng hoặc phân hoá học chứa 3 nguyên tố NPK 286.327,77 tấn (tăng 64,71%); giường bằng gỗ các loại 6.145,81 chiếc (tăng 35,74%); cấu kiện làm sẵn cho xây dựng hoặc kỹ thuật dân dụng, bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo 375.464,98 tấn (tăng 24,07%); gạo đã xay xát 570.433,59 tấn (tăng 23,96%); … Có 8/35 nhóm sản phẩm tăng từ 10% - 20% như: Ba lô 10.494,55 nghìn cái (tăng 19,59%); cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại 82.483,13 tấn (tăng 18,41%); dược phẩm chứa hoóc môn nhưng không có kháng sinh dạng viên 18.273,19 triệu viên (tăng 14,86%); bộ phận của thiết bị phân phối và điều khiển điện 1.088 tấn (tăng 13,57%); ván ép từ gỗ và các vật liệu tương tự 182.900,72 m3 (tăng 10,94%);… Có 18/35 nhóm sản phẩm tăng dưới 10% như: nước uống được 58.215,04 nghìn m3 (tăng 8,93%); giày, dép thể thao có đế ngoài và mũ giày bằng cao su và plastic 29.392,33 nghìn đôi (tăng 8,90%); nước khoáng không có ga 253.049,47 nghìn lít (tăng 7,67%); thuốc lá có đầu lọc 83.372,52 nghìn bao (tăng 5,10%); dịch vụ sản xuất hóa dược và dược liệu 44.029,15 triệu đồng (tăng 4,91%); hạt điều khô 48.361,34 tấn (tăng 3%);…

Có 23/58 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm so cùng kỳ, trong đó: 6/23 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm trên 20%, gồm thiết bị bán dẫn khác 3.263 triệu chiếc (giảm 46,80%); áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc 939,23 nghìn cái (giảm 44,45%); thân xe có động cơ dùng cho xe vận tải hàng hóa và xe chở từ 10 người trở lên 590 cái (giảm 28,74%); xi măng Portland đen 491.420,40 tấn (giảm 24,55%); bia đóng chai 992,85 nghìn lít (giảm 23,44%); áo sơ mi cho người lớn dệt kim hoặc đan móc 14.362,10 nghìn cái (giảm 24,03%). Có 3/23 nhóm sản phẩm giảm từ 10% đến 20%, gồm dịch vụ lắp đặt cho máy thông dụng khác chưa được phân vào đâu 8.848,56 triệu đồng (giảm 15,61%); sợi từ bông (staple) nhân tạo 11.383,11 tấn (giảm 15,21%); thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng viên là 425 triệu viên (giảm 14,31%). Có 14/23 nhóm sản phẩm giảm dưới 10%, như: Túi xách 11.593,40 nghìn cái (giảm 7,96%); dầu và mỡ bôi trơn 4.520,15 tấn (giảm 7,90%); thức ăn cho gia súc 486.158,38 tấn (giảm 5,80%); dịch vụ phụ thuộc liên quan đến in 191.988,86 triệu đồng (giảm 4,90%); bia đóng lon 11.748,08 nghìn lít (giảm 4,21%); bê tông trộn sẵn 420.636,17 m3 (giảm 1,02%);…

IV. Hoạt động doanh nghiệp

Trong tháng 9 (tính đến ngày 20/9/2023) có 187 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 40% so cùng kỳ), tổng số vốn đăng ký 1.566 tỷ đồng (tăng 55%); có 21 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng hoạt động và hiện nay đã có thông báo hoạt động trở lại (tăng 110%); có 37 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh (tăng 32%); giải thể 18 doanh nghiệp (giảm 14%).

Đầu năm đến nay, đã có 1.372 doanh nghiệp được thành lập mới (tăng 7,6% so cùng kỳ), với tổng số vốn đăng ký là 13.859 tỷ đồng (giảm 3,7%); giải thể 190 doanh nghiệp (tăng 2,7%); số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh 578 doanh nghiệp (tăng 40%); số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 256 doanh nghiệp (tăng 15%).

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III năm 2023 cho thấy: Có 25,51% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý II/2023; 43,88% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 30,61% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý IV năm 2023, có 27,55% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2023; 46,94% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 25,51% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

V. Đầu tư phát triển

Trong 9 tháng đầu năm 2023, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh tiếp tục được phục hồi và phát triển, đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân. Công tác xúc tiến, thu hút, hỗ trợ đầu tư được quan tâm; tăng cường kiểm tra, xử lý khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, đạt tiến độ đề ra.

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý III năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 14.100,78 tỷ đồng, tăng 16,76% so quý trước và tăng 16,36% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.015,45 tỷ đồng, tăng 63,96% so quý trước và tăng 46,58% so cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước ước đạt 7.426,13 tỷ đồng, tăng 6,29% so quý trước và tăng 2,14% so cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2.659,20 tỷ đồng, tăng 0,68% so quý trước và tăng 26,16% so cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 35.016,99 tỷ đồng, tăng 10,25% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 7.649,03 tỷ đồng (tăng 31,35%); vốn ngoài nhà nước ước đạt 19.709,60 tỷ đồng (tăng 2,77%); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 7.658,36 tỷ đồng (tăng 13,31%).

VI. Thương mại, giá cả

1. Thương mại

Hoạt động thương mại tháng Chín tiếp tục sôi động nhân dịp lễ Quốc khánh, khai giảng năm học 2023 - 2024, Tết trung thu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 1,98% so với tháng trước và tăng 6,34% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 8,24%; dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành tăng 29,60% và doanh thu dịch vụ khác tăng 11,74%. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 5.730,90 tỷ đồng, tăng 1,98% so với tháng trước và tăng 6,34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bán lẻ hàng ước đạt 3.192,91 tỷ đồng, tăng 3,05% so tháng trước và tăng 5,36% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 512,50 tỷ đồng, tăng 3,64% so tháng trước và tăng 3,79% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 2.025,49 tỷ đồng, giảm 0,05% so tháng trước và tăng 8,61% so cùng kỳ.

Trong quý III năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 16.801,75 tỷ đồng, tăng 1,51% so quý trước và tăng 9,13% so cùng kỳ. Trong đó: bán lẻ hàng hóa ước đạt 9.266,41 tỷ đồng, tăng 4,65% so quý trước và tăng 6,45% so cùng kỳ; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 1.484,61 tỷ đồng, giảm 5,61% so quý trước và tăng 19,88% so cùng kỳ năm trước; dịch vụ khác ước đạt 6.050,73 tỷ đồng, giảm 1,20% so quý trước và tăng 10,95% so cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 50.491,02 tỷ đồng, tăng 11,16% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 27.741,62 tỷ đồng, tăng 8,24% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 4.613,52 tỷ đồng, tăng 29,60% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 18.135,88 tỷ đồng, tăng 11,74% so cùng kỳ.

2. Giá cả

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2023 tăng 0,72% so với tháng trước và tăng 2,01% so cùng kỳ. Có 1/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước là nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,13%; Có 8/11 nhóm có CPI tăng so với tháng trước gồm nhóm giao thông tăng 1,95% (Giá tăng tập trung vào một số mặt hàng như xe máy tăng 1,13%; lốp, săm xe máy tăng 1,06%; phụ tùng khác của xe máy tăng 0,24%. Ảnh hưởng từ các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu trong nước vào các ngày 5/9/2023; 11/9/2023 và ngày 23/9/2023 làm cho giá xăng tăng 3,55% và dầu tăng 5,96% so với tháng trước), đóng góp vào mức tăng chung của CPI là 0,14 điểm phần trăm; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,12%, đóng góp vào mức tăng chung của CPI 0,39%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,87%; nhóm đồ dùng và dịch vụ khác tăng 0,21%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,17%; nhóm giáo dục tăng 0,10%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,01%. Có 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước gồm nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm văn hoá, giải trí và du lịch.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý III năm 2023 tăng 2,19% so với cùng kỳ năm trước. Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, trong đó: nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao nhất 6,47%; nhóm đồ dùng và dịch vụ khác tăng 6,24%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 4,25%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,97%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,03%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,53%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,30%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,74%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,11%. Có 2 nhóm giảm so với cùng kỳ năm trước gồm nhóm giáo dục giảm 5,69% và nhóm giao thông giảm 3,30%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng đầu năm 2023 tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước. Có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, gồm: nhóm giáo dục tăng 15,76%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 8,94%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 4,63%; nhóm đồ dùng và dịch vụ khác tăng 3,78%; nhóm  thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,56%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,48%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,06%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,44%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,52%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,20%. Có 1/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ năm trước, đó là nhóm giao thông giảm 5,57%.

Chỉ số giá vàng tháng 9/2023 tăng 0,65% so với tháng trước; tăng 5,79% so với tháng 12/2022 và tăng 10,36% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2023 tăng 1,55% so với tháng trước; tăng 0,37% so với tháng 12/2022 và tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý III năm 2023, chỉ số giá vàng tăng 7,61% so cùng kỳ; chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,85%. Bình quân 9 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá vàng tăng 3,58% so cùng kỳ; chỉ số giá đô la Mỹ tăng 2,53%.

VII. Vận tải, du lịch

1. Vận tải: Hoạt động vận tải trong tháng duy trì tốc độ tăng tích cực so với cùng kỳ, trong đó vận chuyển hành khách tăng 9,78% và luân chuyển hành khách tăng 18,56%; vận chuyển hàng hóa tăng 16,72% và luân chuyển hàng hóa tăng 12,45%.

Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi tháng 9 năm 2023 ước đạt 505,55 tỷ đồng, tăng 3,49% so tháng trước và tăng 13,18% so cùng kỳ. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 81,44 tỷ đồng, tăng 3,84% so với tháng trước và tăng 22,45% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 261,35 tỷ đồng, tăng 4,85% so tháng trước và tăng 16,84% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hành khách ước 3.001,34 nghìn lượt người, tăng 3,77% so với tháng trước và tăng 9,78% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 76.291,01 nghìn lượt người.km, tăng 3,99% so với tháng trước và tăng 18,56% so cùng kỳ. Khối lượng vận tải hàng hóa ước đạt 1.726,27 nghìn tấn, tăng 4,28% so tháng trước và tăng 16,72% so cùng kỳ; luân chuyển được 73.067,87 nghìn tấn.km, tăng 4,26% so tháng trước và tăng 12,45% so cùng kỳ.

Trong quý III năm 2023, tổng doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi ước đạt 1.458,50 tỷ đồng, giảm 2,06% so quý trước và tăng 18,06% so cùng kỳ. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 236,83 tỷ đồng, tăng 18,29% so quý trước và tăng 36,45% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 742,66 tỷ đồng, giảm 5,07% so quý trước và tăng 17,23% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hành khách ước 7.971,81 nghìn lượt người, tăng 44,82% so quý trước và tăng 33,17% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 205.993,16 nghìn lượt người.km, tăng 40,52% so quý trước và tăng 36,18% so cùng kỳ. Khối lượng vận tải hàng hóa ước đạt 4.842,25 nghìn tấn, giảm 12,06% so quý trước và tăng 12,70% so cùng kỳ; luân chuyển được 208.186,50 nghìn tấn.km, giảm 15,58% so quý trước và tăng 7,27% so cùng kỳ.

Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4.350,32 tỷ đồng, tăng 17,37% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách 583,47 tỷ đồng (tăng 26,40%); vận tải hàng hóa 2.322,31 tỷ đồng (tăng 16,71%). Khối lượng vận chuyển hành khách là 18.225,86 nghìn lượt người, tăng 23,49% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hành khách là 472.073,54 nghìn người.km (tăng 24,61%). Khối lượng vận chuyển hàng hóa là 16.751,42 nghìn tấn, tăng 11,76% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hàng hóa là 757.320,23 nghìn tấn.km (tăng 10,50%).

2. Du lịch: Trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có những kế hoạch và giải pháp nhằm kích cầu du lịch sau đại dịch Covid-19, cũng như xây dựng và tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, văn hóa, làng nghề, lễ hội, ẩm thực, đặc sản, dịch vụ du lịch Long An đến với du khách trong nước và bạn bè quốc tế. Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ với doanh thu 9 tháng đầu năm ước đạt 410 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước; 712.700 lượt khách đến Long An, tăng 42% so cùng kỳ, trong đó có 13.000 lượt khách quốc tế.

VIII. Tài chính, tiền tệ

1. Tài chính: Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2023 đạt 13.754,18 tỷ đồng, bằng 68,23% dự toán giao và giảm 15,98% so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa đạt 11.415.210 tỷ đồng, bằng 72,76% dự toán giao và giảm 13,54% so cùng kỳ (thu xổ số kiến thiết 1.556,60 tỷ đồng, bằng 96,68% dự toán giao và tăng 18,85% so cùng kỳ); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 2.338,97 tỷ đồng, bằng 52,33% dự toán giao và giảm 26,13% so cùng kỳ. Chi ngân sách được tập trung thực hiện, tiết kiệm bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 15.537,45 tỷ đồng, bằng 82,10% dự toán giao và tăng 27,09% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 9.559,72 tỷ đồng, bằng 159,55% dự toán giao và tăng 52,83% so cùng kỳ; chi thường xuyên là 5.917,21 tỷ đồng, bằng 65,24% dự toán giao và giảm 0,81% so cùng kỳ.

2. Tiền tệ: Hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng năm 2023 ổn định. Lãi suất huy động VNĐ phổ biến ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi huy động không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,1% - 4,6%/năm đối với tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 7,1% - 8,3%/năm đối với tiền gửi từ 6 tháng đến 12 tháng; 7,2% - 8,6%/năm đối với tiền gửi trên 12 tháng trở lên. Lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,3% - 11,4%/năm; lãi suất cho vay USD đối với ngắn hạn phổ biến 4,4% - 5,5%/năm, trung và dài hạn 5,9% - 7,5%/năm.

Tổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 9/2023 ước đạt 99.985 tỷ đồng, tăng 7,95% so với đầu năm và tăng 6,93% so cùng thời điểm năm trước. Trong đó, vốn huy động bằng đồng Việt Nam đạt 98.554 tỷ đồng, tăng 8,09% so với đầu năm và tăng 6,70% so cùng thời điểm năm trước; vốn huy động bằng ngoại tệ đạt 1.431 tỷ đồng, giảm 0,81% so với đầu năm và tăng 25,42% so cùng thời điểm năm trước.

Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 127.256 tỷ đồng, tăng 7,78% so với đầu năm và tăng 10,45% so cùng thời điểm năm trước. Trong đó, dư nợ tín dụng ngắn hạn đạt 83.621 tỷ đồng, tăng 7,16% so với đầu năm và tăng 10,29% so cùng thời điểm năm trước; dư nợ tín dụng dài hạn đạt 43.635 tỷ đồng, tăng 8,99% so với đầu năm và tăng 10,76% so cùng thời điểm năm trước. Nợ xấu 1.957 tỷ đồng, tăng 84,13% so với đầu năm và tăng 233,96% so với cùng thời điểm năm trước.

IX. Một số vấn đề xã hội

1. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Trong 9 tháng đầu năm 2023, chính sách người có công và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, không phát sinh hộ đói. Các khoản tiền lương, trợ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và trợ cấp cho các đối tượng chính sách được cấp phát đầy đủ, theo Thông tư 06/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29/6/2023 của bộ Lao động – Thương binh và xã hội. Ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho 40.858 đối tượng người có công với cách mạng, số tiền 7.526 triệu đồng; 4.764 hộ nghèo và 520 hộ di cư tự do với số tiền 2.642 triệu đồng; hỗ trợ 350 người Hội người mù, số tiền 175 triệu đồng; hỗ trợ 440 trại viên Trung tâm Công tác xã hội Long An, số tiền 110 triệu đồng; hỗ trợ 503 học viên Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An, số tiền 125,75 triệu đồng. Tổ chức chúc thọ, mừng thọ 1.417 người cao tuổi, trong đó 98 cụ tròn 100 tuổi, 1.319 cụ tròn 90 tuổi, số tiền 925,95 triệu đồng.

2. Giáo dục

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2023, toàn tỉnh có 01 Hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì tổ chức. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 15.652 thí sinh, có 15.134 thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong đó, có 19 thí sinh miễn thi (thuộc diện khuyết tật nặng) và 04 thí sinh được đặc cách tốt nghiệp.

Tổng số cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông trên địa bàn tỉnh là 588 đơn vị (giảm 02 đơn vị so với cùng kỳ năm học trước), chia ra: Cấp học Mầm non có 214 cơ cở giáo dục (giảm 01 đơn vị); cấp Tiểu học có 181 cơ sở giáo dục (giảm 03 đơn vị); cấp Trung học cơ sở có 148 cơ sở giáo dục (tăng 02 đơn vị); cấp Trung học phổ thông có 45 cơ sở giáo dục (tăng 01 đơn vị với cùng kỳ năm trước).

Trong năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 53.247 học sinh cấp học mầm non, mẫu giáo, tăng 3.170 học sinh so với năm học trước; 133.258 học sinh tiểu học (tăng 1.130 học sinh); 106.757 học sinh trung học cơ sở (tăng 6.582 học sinh); 45.143 học sinh trung học phổ thông (giảm 1.493 học sinh).

3. Y tế

Tình hình bệnh Sốt xuất huyết: Trong 8 tháng đầu năm 2023, số ca mắc là 2.270 ca, giảm 77,89% so với cùng kỳ năm trước; 1 ca tử vong, giảm 88,89%. Bệnh tay chân miệng: 8 tháng năm 2023, số ca mắc là 2.066 ca, tăng 113,43% so với cùng kỳ; 1 ca tử vong, tăng 1 ca so với cùng kỳ năm trước.

Một số bệnh truyền nhiễm khác được ghi nhận đến cuối tháng 8 năm 2023 như: bệnh thủy đậu 111 ca (tăng 50%); bệnh cảm cúm 4.659 ca (tăng 13,61%); bệnh tiêu chảy 1.033 ca (giảm 19,36%); bệnh viêm gan B 1.588 ca (tăng 2,12%); bệnh quai bị 10 ca (giảm 44,44%); bệnh viêm não vi rút 7 ca (tăng 75%), 1 ca tử vong (tăng 1 ca).

Tổng số ca nhiễm HIV được phát hiện từ đầu năm đến cuối tháng 8 năm 2023 là 298 ca (giảm 10 ca so với cùng kỳ). Số bệnh nhân còn sống đang được quản lý là 3.358 nội tỉnh và 799 ca ngoại tỉnh. Trong 8 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

4. Lao động, việc làm

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đưa 337 lao động (Nhật Bản: 285; Đài Loan: 38, các nước khác: 14) đi làm việc ở nước ngoài. Thực hiện cấp 567 giấy phép cho người lao động nước ngoài; thẩm định nội quy 102 doanh nghiệp. Xác nhận khai báo kiểm định 135 doanh nghiệp với tổng số 1.645 thiết bị. Có 29.827 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp; trong đó xét duyệt 26.158 người; chi trợ cấp thất nghiệp 684 tỷ đồng; 124.165 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm; 537 người được hỗ trợ học nghề. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh tuyển sinh đào tạo được 16.423 lao động (518 cao đẳng, 3.167 trung cấp, 4.619 sơ cấp, 8.119 dạy nghề dưới 3 tháng).

5. Văn hóa - Thể thao

Văn hóa: Trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã treo 9.200 băng rôn, pano, và 1.420 lượt xe tuyên truyền lưu động, 60 triển lãm ảnh; thay đổi khẩu hiệu trên pano điện tử; trang trí cờ các loại và đăng bài tuyên truyền qua trang thông tin điện tử trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố về mừng Đảng mừng Xuân Quý Mão, các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, của tỉnh và và tuyên truyền chuyển đổi số, cải cách hành chính, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống dịch Covid-19, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Công tác xây dựng, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc và sưu tầm, khai thác các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được quan tâm thực hiện. Đến nay, có 204 đoàn với khoảng 28.954 lượt khách đến tham quan tại Bảo tàng và các di tích lịch sử - văn hóa do Sở VH, TT và DL quản lý.

Thể thao: Trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức 286 giải thể thao với các môn bóng đá, bóng chuyền, bóng chuyền hơi, quần vợt, cầu lông, điền kinh, bơi lội, đẩy gậy, việt dã, bóng bàn... và 105 lớp đào tạo năng khiếu thể thao. Số người tập luyện TDTT thường xuyên 574.725 người, đạt 34% kế hoạch; số hộ gia đình thể thao 124.765 hộ, đạt 26,01% kế hoạch; 100% số học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể.

Các đội thể thao tỉnh tham gia thi đấu và đạt được nhiều thành tích tốt như tham gia thi đấu SEA Games 32 (đạt 01 HCV môn bóng đá nữ, 01 HCB môn bóng chuyền nữ, 02 HCB và 01 HCĐ môn điền kinh, 01 HCĐ môn bơi lội); giải SEA V.League 2023 đạt 01 HCB môn bòn chuyền nữ; giải vô địch Bóng chuyền nữ Châu Á đạt 01 HCB; 01 HCV tại giải câu lạc bộ Châu Á; 01 HCV tại Cúp Chalenge AVC 2023; giải vô địch các nhóm tuổi trẻ Đông Nam Á (đạt 09 HCV và 02 HCB); giải vô địch quốc gia (đạt 9 HCV, 6 HCB, 02 HCĐ); giải vô địch trẻ quốc gia (đạt 14 HCV, 02 HCB, 10 HCĐ) và giải Cúp Câu lạc bộ quốc gia (đạt 03 HCV, 7 HCB, 8 HCĐ); Đại hội thể thao Đồng bằng Sông Cửu Long - Hậu Giang năm 2023 (đạt 19 HCV, 15 HCB, 32 HCĐ).

6. Tình hình cháy nổ, bảo vệ môi trường

Cháy, nổ: Trong quý III năm 2023 (từ 15/6/2023 đến 14/9/2023) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 vụ cháy (giảm 2 vụ so quý trước và giảm 1 vụ so cùng kỳ); không có người chết và bị thương; tổng giá trị thiệt hại là 1.000 triệu đồng (giảm 4.010 triệu đồng so quý trước và giảm 1.200 triệu đồng so cùng kỳ).

Trong 9 tháng đầu năm 2023 (từ 15/12/2021 đến 14/9/2023) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ cháy (giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm trước); có 1 người chết (tăng 1 người chết so với cùng kỳ); không có người bị thương (bằng với cùng kỳ); tổng giá trị thiệt hại là 6.010 triệu đồng (tăng 810 triệu đồng).

Bảo vệ môi trường: Trong quý III năm 2023 (từ 05/6/2023 đến 04/9/2023) trên địa bàn tỉnh không xảy ra vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường.

Trong 9 tháng đầu năm 2023 (từ 05/12/2021 đến 04/9/2023) trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử phạt 5 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường (tăng 1 vụ so cùng kỳ); tổng số tiền phạt là 511,72 triệu đồng (tăng 103,02 triệu đồng). 

7. Tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông, trong quý III năm 2023 (từ 16/6/2023 đến 15/9/2023) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 75 vụ tai nạn giao thông (tăng 40 vụ so quý trước và tăng 51 vụ so cùng kỳ); làm chết 59 người (tăng 36 người so quý trước và tăng 44 người so cùng kỳ); bị thương 44 người (tăng 30 người so quý trước và tăng 29 người so cùng kỳ).

Trong 9 tháng đầu năm 2023 (từ 16/12/2021 đến 15/9/2023) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 130 vụ tai nạn giao thông (tăng 36 vụ so cùng kỳ năm trước); làm chết 92 người (tăng 30 người); bị thương 66 người (tăng 17 người).



[1] Theo công văn số 1710/TCTK-TKQG ngày 26/9/2023 của Tổng cục Thống kê: quý I/2023 tăng 3,85%, quý II tăng 2,99%, 6 tháng tăng 3,45%, quý III tăng 7,78%, 9 tháng tăng 4,93%. Cùng kỳ năm 2022 quý I tăng 2,38%, quý II tăng 8,15%, 6 tháng tăng 4,99%, quý III tăng 21,86%, 9 tháng tăng 10,21%.

[2] Tốc độ tăng/giảm GRDP 9 tháng đầu năm 2023 các tỉnh/thành Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam: 1. Bình Phước tăng 7,36%; 2. Tây Ninh (tăng 5,35%); 3. Đồng Nai (tăng 5,03%); 4. Bình Dương (tăng 4,94%); 5. Long An (tăng 4,93%); 6. Tp. HCM (tăng 4,57%); 7. Tiền Giang (tăng 3,93%); 8. Bà Rịa Vũng Tàu (giảm 1,20%).

[3] Tốc độ tăng GRDP 9 tháng đầu năm 2023 các tỉnh/thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long: 1. Hậu Giang tăng 13,30%; 2. Trà Vinh (tăng 8,51%); 3. Cà Mau (tăng 7,72%); 4. Bạc Liêu (tăng 7,25%); 5. An Giang (tăng 6,41%); 6. Kiên Giang (tăng 5,63%); 7. Đồng Tháp (tăng 5,54%); 8. Sóc Trăng (tăng 5,14%); 9. Long An (tăng 4,93%); 10. TP Cần Thơ (tăng 4,71%); 11. Bến Tre (tăng 4,36%); 12. Tiền Giang (tăng 3,93%); 13. Vĩnh Long (tăng 0,66%).

 Infographic 9 thang.docx

KT-XH Quy III và 9 thang nam 2023.xlsx



image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1