image banner
Tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023

Tình hình kinh tế – xã hội trong 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, nhất là diễn biến xung đột Nga – U-crai-na và phản ứng của các nước; lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro; chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt; tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng thấp trong năm nay.

Trong nước, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương nỗ lực cố gắng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Các giải pháp đồng bộ đã được triển khai thực hiện đồng hành với sự ủng hộ của Nhân dân cả nước và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, tạo động lực khôi phục, phát triển kinh tế nhanh, bền vững cho từng lĩnh vực và từng địa phương.

Tại Long An, dưới sự điều hành, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Tỉnh ủy, sự quan tâm sâu sắc, giám sát thường xuyên của Hội đồng nhân dân tỉnh, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Ủy ban nhân dân tỉnh và sự nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh; với phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực ngay từ đầu năm với tinh thần vượt lên khó khăn, thách thức, kịp thời khắc phục những hạn chế bất cập,… nên tình hình kinh tế - xã hội quý II/2023 và 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục có xu hướng phục hồi và đạt được nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực, cụ thể như sau:

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính quý II năm 2023 tăng 2,97% so với cùng kỳ năm trước[1], tính chung 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,43%. Đạt được mức tăng trưởng trên cho thấy chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, sự điều hành, chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, các cấp, các ngành, sự nổ lực vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức khi thế giới thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, gián đoạn nguồn cung do tác động từ cuộc xung đột tại U-crai-na và sự suy yếu của các nền kinh tế lớn dẫn đến tổng cầu thế giới suy giảm, các doanh nghiệp phải giảm giờ làm do thiếu đơn hàng, tiêu dùng nội tỉnh có phần chậm lại khi người lao động có xu hướng tiết kiệm hơn trong chi tiêu. Dù chưa đạt được kỳ vọng nhưng đây là mức tăng trưởng tích cực, đứng thứ 9/13 tỉnh/thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long[2] và đứng thứ 6/8 tỉnh/thành vùng Kinh tế trọng điểm phía nam[3].

Trong mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm của tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,71%, đóng góp 0,64 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,40%, đóng góp 1,70 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 4,06%, đóng góp 1,10 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,10%, đóng góp 0,01 điểm phần trăm.

- Khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản): Trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển; giá nông sản ở mức cao mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho người nông dân; chăn nuôi đang trong đà hồi phục nhưng gặp khó khăn do giá thức ăn tăng cao; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; ươm giống cây trồng góp phần cho hoạt động sản xuất lâm nghiệp phát triển; hoạt động nuôi trồng thủy sản tiếp tục là điểm sáng của khu vực I khi giá tôm và giá cá tra thương phẩm duy trì ở mức cao mang lại hiệu quả cho người nuôi. Tốc độ tăng chung của cả khu vực đạt 3,71% (cùng kỳ tăng 1,04%), trong đó: ngành nông nghiệp tăng 3,43% (cùng kỳ tăng 0,46%); ngành lâm nghiệp ước tăng 4,63% (cùng kỳ tăng 0,45%); ngành thủy sản ước tính tăng 7,59% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,85%).

- Khu vực II (công nghiệp - xây dựng): Hoạt động sản xuất công nghiệp và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh có bước phát triển nhưng có xu hướng chậm lại, ước tính tăng 3,40% (cùng kỳ tăng 7,15%). Ngành công nghiệp trong 6 tháng năm 2023 tăng 3,52% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,92%), đóng góp 1,64 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế nhưng chỉ tăng 3,44% (cùng kỳ tăng 7,1%), đóng góp 1,55 điểm phần trăm. Ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn do bị tác động mạnh từ việc chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công tăng cao và thị trường bất động sản đóng băng, ước tính tăng trưởng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,66% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,64%), đóng góp 0,05 điểm phần trăm.

- Khu vực III (Dịch vụ): Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm cho thấy đà phục hồi tích cực nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát, các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động vui chơi, giải trí, nhu cầu du lịch, ăn uống của người dân gần như trở lại bình thường trong điều kiện bình thường mới. Đồng thời các ngày nghỉ lễ, tết kéo dài tạo điều kiện cho người dân tăng chi tiêu cho các hoạt động dịch vụ, tuy nhiên sự sụt giảm về thu nhập chủ yếu ở lao động làm công ăn lương đã ảnh hưởng đến tổng cầu tiêu dùng chung làm tốc độ tăng trưởng của cả khu vực chỉ đạt 4,06% (cùng kỳ tăng 5,34%). Trong các ngành kinh tế trong khu vực dịch vụ thì ngành thương mại ước tăng 5,85% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 4,49%), đóng góp 0,39 điểm phần trăm vào tăng trưởng; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 14,75%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi tăng 8,79%, đóng góp 0,11 điểm phần trăm; ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,27%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm;... Ngành thông tin và truyền thông; kinh doanh bất động sản và y tế là 3 ngành có mức suy giảm trong 6 tháng đầu năm 2023 lần lượt là: 3,90%; 0,76% và 3,81% so với cùng kỳ. Một số ngành dịch vụ còn lại cơ bản duy trì được mức tăng trưởng ổn định so cùng kỳ.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,41% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 50,92%; khu vực dịch vụ chiếm 27,13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,54% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là: 15,60%; 52,31%; 26,44%; 5,65%).

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp        

Tổng diện tích xuống giống (vụ mùa và vụ đông xuân) là 226.491,80 ha, giảm 0,45% so với cùng kỳ. Đã thu hoạch xong, diện tích thu hoạch đạt 226.491,80 ha, giảm 0,45% so với cùng kỳ; năng suất thu hoạch đạt 67,64 tạ/ha (tăng 5,17%); sản lượng thu hoạch đạt 1.531.951 tấn (tăng 4,70%).

- Lúa mùa 2022-2023: Diện tích gieo cấy đạt 1.321 ha, giảm 17,15% so với cùng kỳ. Diện tích đất canh tác vụ mùa của tỉnh hiện nay chỉ còn 02 huyện Cần Đước và Cần Giuộc, đây là vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ thường xuyên ngập mặn, thiếu nước tưới, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước mưa, phần lớn diện tích này là đất đã quy hoạch khu công nghiệp chỉ gieo cấy được một vụ. Đã thu hoạch xong, diện tích thu hoạch đạt 1.321 ha, giảm 17,15% so với cùng kỳ; năng suất thu hoạch đạt 40,83 tạ/ha (giảm 1,46%), năng suất giảm do tình hình thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng do hạn, mặn; sản lượng đạt 5.393 tấn (giảm 18,36%).

- Lúa đông xuân 2022-2023: Diện tích gieo cấy đạt 225.170,80 ha, giảm 0,33% so cùng kỳ. Đã thu hoạch xong, diện tích thu hoạch đạt 225.170,80 ha, giảm 0,33% so cùng kỳ; năng suất thu hoạch đạt 67,80 tạ/ha (tăng 5,17%); sản lượng đạt 1.526.558 tấn (tăng 4,80%).

- Ngoài ra, đến thời điểm này lúa hè thu đã gieo sạ 207.293 ha, giảm 1,68% so với cùng kỳ; diện tích đã thu hoạch đạt 57.996 ha (tăng 4,50%); năng suất ước đạt 54 tạ/ha (tăng 14,92%); sản lượng 313.178,40 tấn (tăng 20,10%).

Tình hình sâu bệnh: Hiện nay một số sâu, bệnh gây hại trên lúa hè thu như bệnh đạo ôn lá (5.922 ha), sâu cuốn lá nhỏ (2.041 ha), cháy bìa lá (1.210 ha), sâu đục thân (50 ha), rầy cánh phấn trắng (917 ha), rầy nâu (62 ha), chuột (210 ha), bọ trĩ (730 ha), ngộ độc phèn (50 ha), ốc bưu vàng (140 ha),… gây hại chủ yếu trên các trà lúa giai đoạn mạ-đẻ nhánh-đòng trổ ở hầu hết các huyện, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An.

Một số cây hàng năm khác vụ đông xuân 2022-2023: Rau các loại trồng được 6.830,20 ha, tăng 16,02% so cùng kỳ; sản lượng đạt 129.090,60 tấn (giảm 1,47%). Cây bắp trồng được 245,70 ha (tăng 8,24%); sản lượng 790,61 tấn (giảm 36,3%). Cây đậu phộng trồng được 123,60 ha (giảm 13,81%); sản lượng đạt 370,80 tấn (giảm 15,50%). Cây mía trồng được 21,90 ha (tăng 43,14%); sản lượng đạt 1.101,57 tấn (tăng 16,56%). Cây sắn trồng được 401,91 ha (tăng 14,29%); sản lượng đạt 4.421,01 tấn (tăng 26,25%). Cây khoai mỡ trồng được 39,10 ha (tăng 185,40%); sản lượng đạt 516,12 tấn (tăng 189,47%). Cây khoai lang trồng được 7,90 ha (giảm 68,40%); sản lượng đạt 50,56 tấn (giảm 72,82%).

Một số cây lâu năm chủ yếu

- Cây thanh long: Diện tích ước có là 8.971,60 ha, tăng 7,69% so cùng thời điểm năm trước. Diện tích trồng chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Tân Trụ. Hiện nay, diện tích cây thanh long có xu hướng tăng do huyện Châu Thành đang phục hồi lại những diện tích đất trồng đã phá bỏ trước đó và đầu tư chăm sóc lại những diện tích trồng hiện có. Sản lượng ước đạt 133.607,51 tấn, tăng 2,70% so với cùng kỳ.

- Cây chanh: Diện tích hiện ước có 11.728,40 ha, tăng 1,74% so cùng thời điểm năm trước. Diện tích tăng là do trồng chanh mang lại hiệu quả kinh tế ổn định nên người dân đã chuyển đổi diện tích một số cây trồng không hiệu quả và cải tạo vườn tạp để phát triển. Sản lượng ước đạt 91.396,60 tấn, tăng 5,16% so cùng kỳ, sản lượng tăng do diện tích đến kỳ cho sản phẩm tăng.

Ngoài ra còn một số cây trồng khác như: Cây xoài diện tích ước có 490,6 ha (tăng 2,2% so cùng thời điểm năm trước); sản lượng ước đạt 2.579,2 tấn (tăng 5,5% so cùng kỳ). Cây dứa (thơm) diện tích ước có 991,2 ha (tăng 17,8%); sản lượng ước đạt 9.239,4 tấn (tăng 3,5%). Cây dừa diện tích ước có 2.029,5 ha (tăng 3,3%); sản lượng ước đạt 16.274,2 tấn (tăng 10,3%). Cây mai diện tích ước có 2.434,9 ha (tăng 2,1%); sản lượng ước đạt 491.381 cây (tăng 22,7%). Cây chuối diện tích ước có 785,2 ha (tăng 2,6%); sản lượng ước đạt 6.045 tấn (tăng 16,9%). Cây mít diện tích ước có 2.780,9 ha (tăng 4,5%); sản lượng ước đạt 15.278,36 tấn (tăng 17,2%). Cây ổi diện tích ước có 404,3 ha (giảm 6,9%); sản lượng ước đạt 3.474,4 tấn (giảm 3,21% so cùng kỳ).

Tình hình tiêu thụ

Giá một số nông sản bình quân 6 tháng năm 2023 như sau: Lúa vụ đông xuân loại thường 7.081 đồng/kg, tăng 37 đồng/kg so với cùng kỳ; lúa đặc sản/chất lượng cao vụ đông xuân 7.522 đồng/kg (giảm 11 đồng/kg); nếp có giá 7.351 đồng/kg (tăng 1.320 đồng/kg); thanh long ruột đỏ 28.290 đồng/kg (tăng 23.412 đồng/kg); thanh long ruột trắng 15.613 đồng/kg (tăng 10.317 đồng/kg); chanh không hạt 12.932 đồng/kg (tăng 1.695 đồng/kg);....

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Đàn heo tiếp tục đà hồi phục, có phát triển tăng đàn nhưng việc tái đàn còn chậm, giá heo giống vẫn còn ở mức khá cao khiến các hộ có nguồn vốn hạn hẹp chưa thể khôi phục sản xuất nên việc tái đàn chủ yếu tập trung ở các cơ sở chăn nuôi lớn.

Đến cuối tháng 6/2023, đàn trâu có 5.884 con (giảm 2,42% so cùng thời điểm năm trước); đàn bò có 117.064 con (tăng 0,39%), trong đó: bò sữa là 17.972 con (giảm 11,11%); đàn dê có 10.648 con (tăng 29,76%); đàn heo có 104.460 con (giảm 4,41%); đàn gia cầm có 9.598 nghìn con (tăng 30,75%), trong đó: gà là 8.120 nghìn con (tăng 37,20%).

Ước 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng là 206,99 tấn (giảm 17,02% so cùng kỳ); bò là 3.500 tấn (tăng 32,33%); dê là 70,52 tấn (tăng 71,17%); lợn là 11.851,41 tấn (giảm 1,75%); gia cầm là 22.382,59 tấn (tăng 5,23%), trong đó: Gà là 17.920,12 tấn (tăng 1,85%). Sản lượng trứng gia cầm 246,67 triệu quả (tăng 6,25%), trong đó: Trứng gà là 209,27 triệu quả (tăng 8,86%); sản lượng sữa bò tươi là 17.135,29 tấn (giảm 7,16%).

Tình hình dịch bệnh: Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi không đáng kể, chỉ xảy ra một số ổ dịch nhỏ lẻ đã được Ngành tổ chức dập dịch kịp thời nên không lây lan ra diện rộng. Công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin trên gia súc, cúm gia cầm được tập trung thực hiện; đặc biệt dịch tả heo Châu Phi được kiểm soát chặt chẽ.

Bệnh Dịch tả heo Châu Phi: Xảy ra tại 11 hộ thuộc 9 xã, 4 huyện/thành phố: Tân Hưng, thành phố Tân An, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng với tổng tiêu hủy là 320 con, tổng trọng lượng 20.604 kg. Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra tại 04 hộ thuộc 03 xã thuộc 02 huyện/ thành phố: Tân Hưng, Mộc Hóa với tổng số con bệnh là 04 con, tổng tiêu hủy là 1 con, tổng trọng lượng tiêu hủy 99 kg. Trong 6 tháng đầu năm 2023 chưa ghi nhận trường hợp bệnh dại trên động vật và dịch bệnh heo tai xanh.

Tình hình tiêu thụ

Giá sản phẩm chăn nuôi bình quân 6 tháng đầu năm 2023 như sau: Giá thịt trâu hơi 73.742 đồng/kg, giảm 4.223 đồng/kg so với cùng kỳ ; thịt bò hơi 88.268 đồng/kg (giảm 12.559 đồng/kg); thịt heo hơi 54.928 đồng/kg (tăng 906 đồng/kg); gà ta thịt hơi 85.200 đồng/kg (tăng 8.880 đồng/kg); vịt thịt hơi 50.179 đồng/kg (tăng 6.098 đồng/kg);...

b. Lâm nghiệp

Diện tích rừng hiện có của tỉnh là 21.667,80 ha, gồm: rừng sản xuất là 17.779,03 ha, rừng đặc dụng là 1.813,14 ha và rừng phòng hộ là 2.075,63 ha. Rừng của tỉnh chủ yếu là rừng tràm, tràm bông vàng, bạch đàn có thời gian sinh trưởng từ 5 -7 năm cho thu hoạch sản phẩm (cừ xây dựng và gỗ tạp). Trong 6 tháng đầu năm 2023, diện tích trồng rừng trên địa bàn tỉnh khoảng 355 ha (rừng trồng mới và trồng lại sau khai thác), giảm 25,26% so cùng kỳ.

 Khai thác lâm nghiệp trong 6 tháng đầu năm không có nhiều biến động: gỗ khai thác ước đạt 74,55 nghìn m3 (tăng 6,58% so cùng kỳ), củi ước đạt 85,85 nghìn ster (tăng 3,83%). Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 1 ha rừng tràm 2 năm tuổi.

c. Thủy sản

Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn như chi phí công lao động, giá thức ăn và giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến hoạt động thủy sản. Tuy nhiên, tình hình chuyển đổi nuôi thủy sản bước đầu có hiệu quả như nuôi đan xen ếch - cá, nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt; giá cá tra tăng nên doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh nuôi ca tra vùng nước ngọt.

Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 47.496,70 tấn, tăng 7,11% so cùng kỳ. Bao gồm: sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 3.362,19 tấn, giảm 4,80% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác cá ước đạt 1.527,25 tấn (giảm 1,08%), tôm ước đạt 449,58 tấn (giảm 6,27%) và sản lượng khai thác thủy sản khác ước đạt 1.385,35 tấn (giảm 8,13%). Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 44.134,51 tấn, tăng 8,14% so cùng kỳ. Trong đó: sản lượng cá ước đạt 33.130,16 tấn (tăng 8,93%), trong đó cá tra công nghiệp ước đạt 26.216,33 tấn (tăng 3%); sản lượng tôm ước đạt 8.832,11 tấn (tăng 8,02%), trong đó tôm sú ước đạt 640 tấn (tăng 0,47%) và tôm thẻ chân trắng ước đạt 7.925,11 tấn (tăng 12,13%); sản lượng thủy sản khác ước đạt 2.172,24 tấn (giảm 2,20%).

Tình hình tiêu thụ: Giá thủy sản bình quân 6 tháng đầu năm 2023 như sau:

+ Tôm sú: Loại 30 con/kg có giá 253.584 đồng/kg, tăng 45.019 đồng/kg so với cùng kỳ; loại 40 con/kg, giá 209.938 đồng/kg (tăng 24.088 đồng/kg); loại 40 con/kg trở lên, giá 175.194 đồng/kg (tăng 11.592 đồng/kg);...                 

+ Tôm thẻ chân trắng: Loại 80 con/kg, giá 103.277 đồng/kg (giảm 8.508 đồng/kg); loại cỡ 60 con/kg, giá 119.694 đồng/kg (giảm 10.966 đồng/kg); loại cỡ 40 con/kg, giá 134.907 đồng/kg (giảm 2.441 đồng/kg);...

+ Thủy sản khác: Cá tra loại size từ 0,7 đến dưới 1 kg/con có giá 20.932 đồng/kg (tăng 204 đồng/kg); loại size từ 1 kg/con trở lên 21.804 đồng/kg (tăng 1.612 đồng/kg); cá diêu hồng dưới 1kg/con 47.891 đồng/kg (tăng 6.509 đồng/kg);...

3. Sản xuất công nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ổn định và có xu hướng tăng trưởng chậm do chi phí nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng, chịu ảnh hưởng của sự biến động của nền kinh tế toàn cầu. Một số doanh nghiệp đã chủ động thích ứng linh hoạt trong sản xuất, chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước thay thế cho nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên hoạt động sản xuất đạt nhiều tín hiệu khả quan, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng 3,38% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý II năm 2023 tăng 6,85% so quý trước và tăng 1,03% so cùng kỳ. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,74% so quý trước và tăng 0,86% so cùng kỳ; công nghiệp điện tăng 8,99% so quý trước và tăng 1,74% so cùng kỳ; công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải tăng 6,04% so quý trước và tăng 11,60% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,38% so với cùng kỳ, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,36%; công nghiệp điện tăng 2,07%; công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải tăng 10,63%.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như: ngành sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 76,04%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 35,39%; sản xuất kim loại tăng 24,47%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,68%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 85,95%.

Lũy kế đến cuối tháng 6 năm 2023 có 31/58 nhóm sản phẩm có tốc độ tăng so cùng kỳ, trong đó: 9/31 nhóm sản phẩm tăng trên 20% như dịch vụ vận hành hệ thống thoát nước (tăng 85,95%); sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm (tăng 45,97%); giường bằng gỗ các loại (tăng 33,21%); ba lô (tăng 20,04%); động cơ khác, có công suất ≤ 37.5 W (tăng 25,12%);... Có 6/31 nhóm sản phẩm tăng từ 10% - 20% như gạo xay xát (tăng 18,37%); cấu kiện làm sẵn cho xây dựng hoặc kỹ thuật dân dụng (tăng 19,48%); sợi xe từ các loại sợi tự nhiên (tăng 17,49%); cáp đồng trục và dây dẫn điện đồng trục khác (tăng 16,47%); đinh, đinh mũ, ghim dập (tăng 12,64%);… Có 16/31 nhóm sản phẩm tăng dưới 10% như hạt điều khô (tăng 5,74%); vải dệt thoi từ sợi tơ nhân tạo (tăng 8,42%); nước khoáng không có ga (tăng 6,71%); nước uống được (tăng 7,95%); điốt phát sáng (tăng 9,79%); dịch vụ phụ thuộc liên quan đến in (tăng 9,49%); điện thương phẩm (tăng 2,35%); dịch vụ sản xuất sản phẩm bằng kim loại chưa được phân vào đâu (tăng 9,27%);…

 Có 27/58 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm so với cùng kỳ, trong đó: 7/27 nhóm sản phẩm giảm trên 20% như thiết bị bán dẫn khác (giảm 53,03%); bia đóng chai (giảm 44,11%); áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc (giảm 44,54%); áo sơ mi cho người lớn dệt kim hoặc đan móc (giảm 45,55%); sợi từ bông nhân tạo có tỷ trọng của loại bông này dưới 85% (giảm 20,93%); dầu và mỡ bôi trơn (giảm 20,67%); dịch vụ lắp đặt cho máy thông dụng khác chưa được phân vào đâu (giảm 48,67%).  Có 7/27 nhóm sản phẩm giảm từ 10% - 20% như thuốc lá có đầu lọc (giảm 12,37%); sản phẩm in khác (giảm 10,92%); sản phẩm gia dụng và sản phẩm phục vụ vệ sinh khác bằng plastic (giảm 14,01%); xi măng Portland đen (giảm 16,70%); dây cách điện đơn dạng cuộn bằng đồng (giảm 11,88%); máy và thiết bị cơ khí khác có chức năng riêng biệt chưa được phân vào đâu (giảm 14,19%); các bộ phận của giày, dép (giảm 10,02%). Có 13/27 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm dưới 10% so với cùng kỳ như túi xách (giảm 9,40%); bao bì đóng gói khác bằng plastic (giảm 8,79%); thức ăn cho gia súc (giảm 5,64%); bê tông trộn sẵn (giảm 6,64%); thân xe có động cơ dùng cho xe vận tải hàng hóa và xe chở từ 10 người trở lên (giảm 8,14%); thùng, hộp bằng bìa cứng (giảm 2,40%); điện mặt trời (giảm 0,14%);…

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 giảm 7,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,78%; ngành công nghiệp điện giảm 1,03%; ngành công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải tăng 2,08%.

4. Hoạt động doanh nghiệp

Đầu tư trong nước: Trong 6 tháng đầu năm 2023, thành lập mới 801 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 9.391 tỷ đồng; so với cùng kỳ giảm 5,8% về số lượng doanh nghiệp mới thành lập và giảm 23% về vốn đăng ký; giải thể 117 doanh nghiệp (tăng 17%); tạm ngừng hoạt động kinh doanh 426 doanh nghiệp (tăng 33,9%); có 184 doanh nghiệp thông báo tạm dừng hoạt động và hiện nay đã có thông báo hoạt động trở lại (tăng 9,5%).

Đầu tư nước ngoài: Trong 6 tháng đầu năm, thu hút 39 dự án đầu tư mới (tăng 15 dự án so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký là 408,55 triệu USD (tăng 162,05 triệu USD); điều chỉnh tăng vốn cho 35 dự án (tăng 1 dự án so với cùng kỳ) với vốn đầu tư tăng 64,29 triệu USD (giảm 96,55 triệu USD). Tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tăng 472,84 triệu USD (tăng 65,45 triệu USD).

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh tại 98 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II năm 2023 cho thấy: Có 22 doanh nghiệp (chiếm 22,45%), đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý trước; 45 doanh nghiệp (chiếm 45,92%), cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 31 doanh nghiệp (chiếm 31,63%), đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý III năm 2023, điều tra 98 doanh nghiệp thì 27 doanh nghiệp (chiếm 27,55%), đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II năm 2023; 42 doanh nghiệp (chiếm 42,86%), cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 29 doanh nghiệp (chiếm 29,59%), dự báo khó khăn hơn.

5. Đầu tư phát triển

Hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh tiếp tục được phục hồi, các giải pháp đẩy mạnh đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ và giải ngân. Công tác xúc tiến, thu hút, hỗ trợ đầu tư được quan tâm; tăng cường kiểm tra, xử lý khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện các công trình thuộc Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và 3 công trình trọng điểm của tỉnh.

Tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện quý II năm 2023 ước đạt 11.962,44 tỷ đồng, tăng 35,33% so quý trước và tăng 5,42% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.426,85 tỷ đồng, tăng 104,88% so quý trước và tăng 18,85% so cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước ước đạt 6.992,21 tỷ đồng, tăng 32,01% so quý trước và tăng 1,76% so cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2.543,38 tỷ đồng, tăng 7,87% so quý trước và tăng 4,49% so cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 20.801,65 tỷ đồng, tăng 5,90% so cùng kỳ năm trước và chiếm khoảng 25,44% GRDP, bao gồm: vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.611,37 tỷ đồng (tăng 17,10%); vốn ngoài nhà nước ước đạt 12.289,06 tỷ đồng (tăng 3,20%); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 4.901,22 tỷ đồng (tăng 5,38%).

6. Thương mại, giá cả

6.1. Nội thương

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tháng 6 năm 2023 ước đạt 7.281,98 tỷ đồng, tăng 0,82% so tháng trước và tăng 19,88% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.794,58 tỷ đồng, tăng 13,45% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 516,72 tỷ đồng (tăng 69,21%); doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.970,68 tỷ đồng (tăng 27,75%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II năm 2023 ước đạt 21.844,66 tỷ đồng, giảm 3,64% so quý trước và tăng 13,43% so cùng kỳ. Trong đó: bán lẻ hàng hóa ước đạt 14.154,01 tỷ đồng, giảm 7,09% so quý trước và tăng 9,28% so cùng kỳ; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 1.574,73 tỷ đồng, tăng 1,74% so quý trước và tăng 58,80% so cùng kỳ; dịch vụ khác ước đạt 6.115,92 tỷ đồng, tăng 3,86% so quý trước và tăng 15,10% so cùng kỳ.

Ước 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 44.515,10 tỷ đồng, tăng 11,43% so cùng kỳ. Trong đó: bán lẻ hàng hóa ước đạt 29.388,33 tỷ đồng (tăng 9,16%); dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 3.122,44 tỷ đồng (tăng 35,24%); dịch vụ khác ước đạt 12.004,33 tỷ đồng (tăng 11,99%).

6.2. Giá cả

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2023 tăng 0,20% so với tháng trước và tăng 3,12% so cùng kỳ. Có 10/11 nhóm có CPI tăng so với tháng trước, trong đó nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng cao nhất 0,56% (giá nhạc cụ tăng 2,56%; chụp, in tráng ảnh tăng 0,95%; dụng cụ thể dục, thể thao tăng 0,73%; cây, hoa cảnh tăng 1,30%; du lịch trọn gói tăng 3,51%), đóng góp vào mức tăng chung CPI là 0,03 điểm phần trăm; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,42% (giá vải các loại tăng 0,07%; quần áo may sẵn tăng 0,54%; Bít, tất các loại tăng 0,72%; mũ nón tăng 0,47%; giày, dép tăng 0,03%; dịch vụ may mặc tăng 1,73%; giá tăng do giá nguyên phụ liệu sản xuất và chi phí nhân công tăng), đóng góp vào mức tăng chung CPI là 0,02 điểm phần trăm; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,30%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,20%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,29%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; nhóm giao thông và nhóm thuốc và dịch vụ y tế đều tăng 0,04%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,03%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,02%. Nhóm giáo dục có chỉ số giá không đổi.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý II năm 2023 tăng 3,80% so với cùng kỳ năm trước. Có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ trong rổ hàng hóa có CPI tăng so với cùng kỳ, trong đó: nhóm giáo dục tăng mạnh nhất 26,54%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 8,67%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 4,81%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,41%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,34%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,26%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,16%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,22%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,47%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,18%. Riêng nhóm giao thông có chỉ số giá giảm 10,48% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 4,71% so với cùng kỳ năm trước. Có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, trong đó: nhóm giáo dục tăng mạnh nhất 28,25%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 10,20%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 4,82%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,85%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,71%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,57%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,33%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,51%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,41%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,25%. Riêng nhóm giao thông có chỉ số giá giảm 6,68% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá vàng tháng 6/2023 giảm 1,10% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2023 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý II năm 2023, chỉ số giá vàng tăng 2,04% so cùng kỳ; chỉ số giá đô la Mỹ tăng 2,05%. Bình quân 6 tháng năm 2023, chỉ số giá vàng tăng 1,63% so cùng kỳ; chỉ số giá đô la Mỹ tăng 2,87%.

7. Vận tải, du lịch

Vận tải: Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi tháng 6 năm 2023 ước đạt 461,43 tỷ đồng, tăng 7,73% so tháng trước và tăng 36,60% so cùng kỳ. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 67,11 tỷ đồng, tăng 12,05% so tháng trước và tăng 52,45% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 189,41 tỷ đồng, tăng 2,08% so tháng trước và tăng 31,42% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hành khách ước 2.015,24 nghìn lượt người, tăng 8,69% so tháng trước và tăng 42,55% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 54.434,21 nghìn lượt người.km, tăng 10,58% so tháng trước và tăng 49,93% so cùng kỳ. Khối lượng vận tải hàng hóa ước đạt 1.893,30 nghìn tấn, tăng 0,69% so tháng trước và tăng 28,07% so cùng kỳ; luân chuyển được 85.096,26 nghìn tấn.km, tăng 0,48% so tháng trước và tăng 29,06% so cùng kỳ.

Doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi quý II năm 2023 ước đạt 1.278,85 tỷ đồng, tăng 10,44% so quý trước và tăng 26,80% so cùng kỳ. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 181,87 tỷ đồng, tăng 39,62% so quý trước và tăng 35,88% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 542,43 tỷ đồng, tăng 2,81% so quý trước và tăng 26,71% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hành khách ước 5.599,20 nghìn lượt người, tăng 16,72% so quý trước và tăng 31,21% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 149.652,74 nghìn lượt người.km, tăng 24,85% so quý trước và tăng 34,13% so cùng kỳ. Khối lượng vận tải hàng hóa ước đạt 5.682,53 nghìn tấn, giảm 11,25% so quý trước và tăng 22,53% so cùng kỳ; luân chuyển được 253.889,07 nghìn tấn.km, giảm 16,08% so quý trước và tăng 22,73% so cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi ước đạt 2.436,80 tỷ đồng, tăng 18,29% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách là 312,13 tỷ đồng, tăng 22,04%; vận tải hàng hóa là 1.070,05 tỷ đồng, tăng 17,98%. Khối lượng vận chuyển hành khách là 10.396,50 nghìn lượt người, tăng 18,50% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hành khách là 269.515,41 nghìn người.km, tăng 18,43%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa là 12.085,41 nghìn tấn, tăng 13,03% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hàng hóa là 556.422,31 nghìn tấn.km, tăng 13,27%.

Du lịch: Công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu nét văn hóa, các làng nghề, lễ hội, các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, sản phẩm, dịch vụ du lịch Long An đến với du khách trong nước và bạn bè quốc tế được đẩy mạnh thực hiện với các hình thức tuyên truyền đa dạng, thông điệp rõ ràng, phù hợp, tạo sức lan tỏa sâu rộng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, lượt khách du lịch đến Long An ước khoảng 362.300 lượt người, tăng 54% so với cùng kỳ (có khoảng 7.700 lượt khách quốc tế), doanh thu ước đạt 174 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Trong đó, điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất là khu du lịch Happyland ước khoảng 18.000 lượt người, vườn thú Mỹ Quỳnh ước khoảng 9.000 lượt người.

8. Tài chính, tiền tệ

Tài chính: Thu ngân sách nhà nước đến ngày 28/6/2023 đạt 9.637,25 tỷ đồng, bằng 47,81% dự toán giao và giảm 20,96% so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa đạt 8.093,29 tỷ đồng, bằng 51,59% dự toán giao và giảm 18,47% so cùng kỳ (thu xổ số kiến thiết 1.017,58 tỷ đồng, bằng 63,20% dự toán giao và tăng 23,14% so cùng kỳ); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.543,96 tỷ đồng, bằng 34,54% dự toán giao và giảm 31,88% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 9.993,64 tỷ đồng, bằng 52,81% dự toán giao và tăng 34,32% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 6.205,23 tỷ đồng, bằng 103,56% dự toán giao và tăng 70,74% so cùng kỳ; chi thường xuyên là 3.786,71 tỷ đồng, bằng 41,75% dự toán giao và giảm 0,46% so cùng kỳ.

Tiền tệ: Hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 ổn định. Lãi suất huy động VND tại các ngân hàng phổ biến ở mức 0,2% - 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 5,3% - 5,4%/năm đối với tiền gửi từ 1 - dưới 6 tháng; 6,0% - 8,8%/năm đối với tiền gửi từ 6 – dưới 12 tháng; 6,8% - 8,3%/năm đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm; lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 9,6% - 11,2%/năm; lãi suất cho vay USD đối với ngắn hạn phổ biến 4,4% - 5,7%/năm, trung và dài hạn 6,1% - 6,4%/năm.  

Tổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 6/2023 ước đạt 96.790 tỷ đồng, tăng 4,50% so với đầu năm và tăng 2,65% so cùng thời điểm năm trước; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 124.062 tỷ đồng, tăng 5,07% so với đầu năm và tăng 10,59% so cùng thời điểm năm trước; nợ xấu 2.140 tỷ đồng, tăng 101,33% so với đầu năm và tăng 376,61% so với cùng thời điểm năm trước.

II. Một số vấn đề xã hội

1. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Trong 6 tháng đầu năm 2023, chính sách người có công và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, không phát sinh hộ đói; công tác chăm lo, nuôi dưỡng các đối tượng khó khăn, cơ nhỡ được quan tâm.

Các khoản tiền lương, trợ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và trợ cấp cho các đối tượng chính sách được cấp phát đầy đủ, kịp thời trước Tết. Ngân sách tỉnh hỗ trợ cho 4.764 hộ nghèo và 520 hộ di cư tự do với số tiền 2.642 triệu đồng; 350 người Hội người mù, số tiền 175 triệu  đồng; 440 trại viên Trung tâm Công tác xã hội Long An, số tiền 110 triệu đồng; 503 học viên Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An, số tiền 125,75 triệu đồng; 3.000 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, số tiền 1.525 đồng; tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho 1.417 người cao tuổi với số tiền 925,95 triệu đồng; Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Quỳnh tài trợ cho 141 trẻ em mồ côi do Covid-19 lần thứ 3 với kinh phí là 747,37 triệu đồng.

2. Giáo dục

Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Giáo dục đã tổ chức nhiều hoạt động như: Hội thi giáo viên mầm non dạy giỏi cấp tỉnh (kết quả có 102 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cơ sở GDMN), hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tiểu học cấp tỉnh (có 120 giáo viên đạt danh hiệu) và hội thi thiết kế giáo án tương tác cấp tỉnh cấp trung học (82 giáo viên đạt giải) năm học 2022-2023.

Phối hợp với các NXB giới thiệu sách giáo khoa lớp 8 và lớp 11 (Bộ Cánh Diều; NXB Giáo dục); Tiếng Anh lớp 8, lớp 11. Phối hợp với các Nhà Xuất bản tổ chức hội nghị giới thiệu Sách giáo khoa lớp 11 môn Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vào cuối tháng 6 năm 2023, toàn tỉnh có 1 hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì tổ chức. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 15.652 thí sinh (nhiều hơn năm 2022 là 264 thí sinh). Có 36 điểm thi đặt tại các trường THPT hoặc THCS trên địa bàn của 15 huyện, thị xã, thành phố.

3. Y tế

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 cơ bản ổn định, các bệnh truyền nhiễm được kiểm soát tốt, công tác chăm lo sức khỏe của người dân được quan tâm. Một số bệnh truyền nhiễm được ghi nhận đến cuối tháng 5 năm 2023 như: Bệnh sốt xuất huyết 1.565 ca (giảm 21,20% so với cùng kỳ), tử vong 1 ca (giảm 66,67%); bệnh tay chân miệng 207 ca (giảm 39,47%), tử vong 1 ca (tăng 1 ca so cùng kỳ); bệnh thủy đậu 84 ca (tăng 425%); bệnh lao phổi 225 ca (tăng 73,08%); bệnh quai bị 6 ca (giảm 85,71%); bệnh tiêu chảy 657 ca (tăng 12,89%); bệnh viêm gan B có 1.365 ca (tăng 3,09%); bệnh sởi lâm sàn 1 ca (giảm 50%); bệnh do vi rút adeno 243 ca (tăng 82,71%).

Tổng số ca nhiễm HIV được phát hiện từ đầu năm đến cuối tháng 5 năm 2023 là 185 ca, tăng 39 ca so với cùng kỳ. Số bệnh nhân còn sống đang được quản lý là 3.343 nội tỉnh và 764 ca ngoại tỉnh. Trong 5 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

4. Lao động việc làm

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm luôn được tỉnh chú trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 189 lao động sang nước ngoài làm việc chủ yếu tại Nhật Bản và Đài Loan; cấp 382 giấy phép cho người lao động nước ngoài; thẩm định nội quy 51 doanh nghiệp; xác nhận khai báo kiểm định 41 doanh nghiệp với tổng số 260 thiết bị.

Có 17.836 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp; trong đó xét duyệt 14.182 người; chi trợ cấp thất nghiệp 352,2 tỷ đồng; 335 người được hỗ trợ học nghề, 89.876 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh tuyển sinh đào tạo được 9.105 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,94%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,43% (51 cao đẳng, 350 trung cấp, 4.477 sơ cấp, 4.227 thường xuyên).

5. Văn hóa - thể thao

Văn hóa: Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền các hoạt động mừng Đảng mừng Xuân Quý Mão, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày Quốc tế Lao động, ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, của tỉnh và tuyên truyền chuyển đổi số, cải cách hành chính, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống dịch Covid-19, an toàn thực phẩm… với các hình thức tuyên truyền trực quan, đa dạng, tập trung đổi mới nội dung lẫn hình thức với 7.203 tấm băng rôn, pa nô; 1.020 lượt xe tuyên truyền lưu động; 50 cuộc triển lãm ảnh; thay đổi khẩu hiệu trên pano điện tử; trang trí cờ các loại và đăng bài tuyên truyền qua trang thông tin điện tử trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố.

Tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật thu hút đông đảo khán giả đến xem tại Hội hoa Xuân Quý Mão thành phố Tân An; chương trình biểu diễn xiếc tổng hợp tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh và tại thành phố Pleiku; biểu diễn nghệ thuật cải lương phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới tại thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa nhân kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023); biểu diễn giao lưu tại nhà hát Thầy Năm Tú, thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, các đơn vị liên quan tổ chức truyền hình trực tiếp văn nghệ đêm giao thừa với chủ đề "Mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Quý Mão"; thực hiện chương trình Nghệ sĩ và Tri âm, chủ đề "Âm vang Ba mươi Tháng Tư"; đồng thời chương trình còn được truyền hình trực tiếp trên nhiều đài truyền hình của các tỉnh bạn. Qua đó, tạo điều kiện cho nhân dân các địa phương được thưởng thức đa dạng sắc thái nghệ thuật vùng miền, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật ngày càng cao của công chúng.

Thể thao: Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh tổ chức được 103 giải thể thao với các môn bóng đá, bóng chuyền, bóng chuyền hơi, quần vợt, cầu lông, điền kinh, bơi lội... và 81 lớp đào tạo năng khiếu thể thao. Đoàn thể thao tỉnh Long An đã đóng góp cho Đoàn thể thao Việt Nam thi đấu Sea Games 32 tại Vương quốc Campuchia với 7 vận động viên ở môn bơi lội, điền kinh, bóng chuyền nữ và bóng đá nữ và đạt kết quả tốt với 1 huy chương vàng bóng đá nữ, 3 huy chương bạc bóng chuyền và điền kinh nữ, 2 huy chương đồng điền kinh và bơi lội. Đội tuyển Bóng chuyền nam La Vie Long An đạt hạng IV Vòng I giải Bóng chuyền vô địch quốc gia.  Tính đến hiện tại, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên là 574.661 người; số hộ gia đình thể thao là 124.734 hộ; 100% số học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể.

6. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường

Cháy, nổ: Trong quý II năm 2023 (từ 15/3/2023 đến 14/6/2023), trên địa bàn tỉnh phát sinh 3 vụ cháy, nổ (tăng 2 vụ so với quý trước và tăng 2 vụ so cùng kỳ); không có người chết (giảm 1 người so với quý trước và bằng so với cùng kỳ); giá trị thiệt hại ước 5.010 triệu đồng (tăng 5.010 triệu đồng so với quý trước và tăng 3.010 triệu đồng so cùng kỳ). Lũy kế đến ngày 14/6/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ cháy (tăng 2 vụ so cùng kỳ năm trước); có 1 người chết (tăng 1 người) và không có người bị thương; tổng giá trị thiệt hại là 5.010 triệu đồng (tăng 2.010 triệu đồng).

Bảo vệ môi trường: Trong quý II năm 2023, trên địa bàn tỉnh phát sinh 5 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường (tăng 5 vụ so quý trước và tăng 1 vụ so cùng kỳ). Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử phạt 5 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường (tăng 1 vụ so với cùng kỳ năm trước); tổng số tiền phạt là 511,72 triệu đồng (tăng 103,02 triệu đồng). 

7. Tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông, trong quý II năm 2023 (từ 16/3/2023 đến 15/6/2023) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông (tăng 15 vụ so quý trước và tăng 11 vụ so cùng kỳ năm trước); làm chết 23 người (tăng 13 người so quý trước và tăng 11 người so cùng kỳ năm trước); bị thương 14 người (tăng 6 người so quý trước và tăng 1 người so cùng kỳ).

Trong 6 tháng đầu năm 2023 (từ 16/12/2022 đến 15/6/2023) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 55 vụ tai nạn giao thông (giảm 15 vụ so cùng kỳ năm trước); làm chết 33 người (giảm 12 người); bị thương 22 người (giảm 12 người).

[1] Theo công văn 839/TCTK-TKQG ngày 29/5/2023 của Tổng cục Thống kê: Quý I tăng 3,84%, quý II tăng 2,97%, 6 tháng tăng 3,43%.

[2] Tốc độ tăng GRDP các tỉnh/thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long: 1. Hậu Giang tăng 14,21%; 2. Cà Mau (tăng 8,61%); 3. Bạc Liêu (tăng 6,93%); 4. An Giang (tăng 6,50%); 5. Kiên Giang (tăng 6,37%); 6. Đồng Tháp (tăng 5,89%); 7. Trà Vinh (tăng 5,74%); 8. TP Cần Thơ (tăng 3,71%); 9. Long An (tăng 3,43%); 10. Bến Tre (tăng 3,40%); 11. Tiền Giang (tăng 3,03%); 12. Sóc Trăng (tăng 1,83%); 13. Vĩnh Long (tăng 0,44%).

[3] Tốc độ tăng/giảm GRDP các tỉnh/thành Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam: 1. Bình Phước tăng 7,27%; 2. Tây Ninh (tăng 4,07%); 3. Đồng Nai (tăng 4,01%); 4. Bình Dương (tăng 3,76%); 5. Tp. HCM (tăng 3,55%); 6. Long An (tăng 3,43%); 7. Tiền Giang (tăng 3,03%); 8. Bà Rịa Vũng Tàu (giảm 3,47%).

INFOGRAPHIC tháng 6.2023.docx

So lieu 6T.2023.xlsx


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1