image banner
Sản lượng lúa năm 2021 tại Long An vượt kế hoạch

Trong năm 2021, điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, hạn hán, xâm nhập mặn không diễn ra gay gắt như năm 2020. Bên cạnh thuận lợi, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến sản xuất, thu hoạch và nông sản bị ách tắc, ùn ứ, tiêu thụ khó khăn, giá bán giảm. 

Diện tích lúa cả năm gần 511,4 ngàn ha, tăng 5,8% so kế hoạch (tăng 27,8 ngàn ha), bằng 101,7% so với năm 2020, diện tích thu hoạch gần 511 ngàn ha (mất trắng 390 ha), năng suất cả năm ước 57,2 tạ/ha, sản lượng gần 2,924 triệu tấn, tăng 93,7 ngàn tấn so năm 2020, vượt 8,3% so với kế hoạch. Trong đó lúa chất lượng cao đạt 1,63 triệu tấn, chiếm 55,75% tổng sản lượng lúa, tăng 180 ngàn tấn so cùng kỳ.

Picture1.png

Thu hoạch lúa đông xuân 2020-2021 được mùa, được giá

Tình hình tiêu thụ lúa đông xuân và lúa hè thu sớm tương đối thuận lợi, giá bán cao hơn cùng kỳ. Đến giữa tháng 7/2021, do thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, tiêu thụ lúa hè thu gặp khó khăn về công lao động, vận chuyển, giá lúa giảm mạnh, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Theo kết quả điều tra của Cục Thống kê, giá thành sản xuất 1 kg lúa vụ đông xuân 2020 - 2021 thấp hơn 1,7% so vụ đông xuân năm trước, giá bán lại cao hơn gần 9,3% nên lợi nhuận 1 ha lúa tăng hơn 10%; trong khi đó giá thành 1 kg lúa vụ hè thu 2021 cao hơn 11%, giá bán lại thấp hơn 5% nên lợi nhuận giảm, chỉ bằng 73% so vụ hè thu năm 2020.

Diện tích trồng các loại rau màu gần 11 ngàn ha, tăng 80 ha so cùng kỳ, năng suất ước đạt 190 tạ/ha, sản lượng 208,3 ngàn tấn, tăng 2,9% so cùng kỳ. Các loại cây trồng khác như khoai mỡ, khoai mì, đậu phộng, mè, … diện tích giảm so với cùng kỳ, lợi nhuận không cao.

Diện tích cây thanh long cho trái 11,23 ngàn ha, sản lượng 320,5 ngàn tấn, giảm 1,7% so cùng kỳ. Diện tích cây chanh cho trái trên 10 ngàn ha, sản lượng ước tính 150 ngàn tấn, tăng 10,2% so cùng kỳ. Giá thanh long, chanh có hạt và không hạt dao động theo thời điểm, tuy nhiên theo xu hướng giảm. Thị trường xuất khẩu thanh long gặp khó do Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19, hàng nông sản ùn tắc tại các cửa khẩu.

Nhìn chung, trên lĩnh vực trồng trọt, người nông dân đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi nông nghiệp bền vững trong sản xuất lúa nhằm giảm đến mức thấp nhất chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất. Sản lượng một số cây trồng chủ lực của tỉnh tăng, trong đó sản lượng lúa tăng cao và vượt kế hoạch đã góp phần bù đắp những thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Người nông dân yên tâm duy trì sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội./.



image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1