image banner
PHÁT BIỂU NHÂN KỶ NIỆM 47 NĂM NGÀY THÀNH LẬP NGÀNH THỐNG KÊ TỈNH LONG AN (28/6/1976 - 28/6/2023)

PHÁT BIỂU NHÂN KỶ NIỆM 47 NĂM NGÀY THÀNH LẬP

NGÀNH THỐNG KÊ TỈNH LONG AN (28/6/1976 - 28/6/2023)

 

Kính thưa:

- Đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Long An;

- Cùng toàn công chức và người lao động trong Ngành Thống kê Long An.

Rất vui, khi hôm nay những người làm công tác thống kê lại được gặp nhau tương đối đầy đủ, cùng ngồi trong Hội trường này để có ít phút chúng ta cùng ôn lại những tháng năm gian khó trong xây dựng và phát triển ngành thống kê, tôi nghĩ rằng đó là những kỹ niệm, những dấu ấn, những cột mốc lịch sử ghi nhận quá trình hình thành và phát triển của Ngành Thống kê Long An chúng ta.

Thưa các đồng chí!

Tôi xin được sơ lược một số nét cơ bản lịch sử hình thành và phát triển Ngành Thống kê Long An từ khi thành lập đến nay, đó là:

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước, tổ chức thống kê đã nhanh chóng triển khai đến tất cả các tỉnh, thành phố và quận, huyện phía Nam với nhiệm vụ thu thập thông tin phục vụ yêu cầu khôi phục kinh tế và tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa. Ngành thống kê Long An đã được xây dựng trong bối cảnh đó và bắt đầu xây dựng những nền tảng hình thành từ cuối năm 1975 với việc thành lập bộ phận thống kê trong Ban Kinh tế - Kế hoạch và sau đó là phòng Thống kê thuộc Ủy ban Kế hoạch (UBKH) tỉnh.

          Bộ phận thống kê trong Ban Kinh tế - Kế hoạch lúc đó do ông Nguyễn Duy Duyên công tác ở Ban Kinh tài Tỉnh phụ trách, cùng với 5 nhân viên đã được địa phương tuyển chọn đưa đi học lớp sơ cấp Thống kê ở khu 8 về.

          Đến tháng 02-1976 Tổng Cục Thống kê điều động 3 cán bộ khung về để chuẩn bị các điều kiện cho việc thành lập ngành. Đó là các ông Trần Nghĩa, Huỳnh Minh Sơn và Trần Tích. Ngày 28-6-1976 UBND Tỉnh ra quyết định thành lập Chi cục Thống kê tỉnh và ngày 30-6-1976 UBND tỉnh ra chỉ thị xác định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ của Chi cục Thống kê tỉnh, phòng Thống kê các huyện, thị xã, ban Thống kê các xã, phường, thị trấn. Ở các sở, ngành và đơn vị cơ sở có cán bộ nhân viên làm công tác thống kê. Kể từ đó, ngày 28 tháng 6 năm 1976 được xem là ngày  thành lập Ngành Thống kê tỉnh Long An.  Khi mới thành lập, ban lãnh đạo Chi Cục Thống kê có 2 người, gồm Chi Cục trưởng Trần Nghĩa và Phó Chi Cục trưởng Huỳnh Minh Sơn (Chú Tư Sơn).

          Từ cuối năm 1976 đến đầu năm 1977 Tổng Cục Thống kê liên tiếp điều động 12 cán bộ thống kê từ miền Bắc vào để tăng cường cho lực lượng của Chi Cục và phòng Thống kê các huyện.  Sau đó, tiếp nhận 7 sinh viên tốt nghiệp hệ cao đẳng khoa thống kê về công tác trong ngành.

          Kết hợp lực lượng được tuyển dụng tại chỗ với lực lượng tăng cường, ngành thống kê bước sang giai đoạn vừa xây dựng tổ chức vừa tiến hành công tác, vừa đào tạo bồi dưỡng cán bộ, tiến tới xây dựng và phát triển toàn diện các mặt công tác thống kê và thông tin kinh tế, phát huy tác dụng phục vụ công tác quản lý và lãnh đạo của các cấp, các ngành.

          Trong suốt thời gian 47 năm kể từ khi thành lập đến nay, tổ chức ngành thống kê tỉnh Long An đã trải qua nhiều thay đổi. Khi mới thành lập, ngành thống kê trực thuộc địa phương quản lý, sau đó chuyển giao cho Tổng cục Thống kê quản lý theo hệ thống dọc đến cấp huyện; đến năm 1985, đổi tên thành Cục Thống kê tỉnh và vẫn trực thuộc Tổng cục Thống kê.

          Đến cuối năm 1987, Ban Bí thư TW Đảng ra Thông báo số 46 /TB-TW ngày 12-12-1987 về việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể.  Theo tinh thần thông báo này, tổ chức thống kê địa phương được bàn  giao về UBND cùng cấp quản lý. Đến tháng 4-1988 Cục Thống kê Long An sáp nhập  hòa tan vào Ủy ban kế hoạch (UBKH) tỉnh; phòng Thống kê các huyện, thị trở thành một bộ phận trong phòng Kế hoạch các huyện, thị.  Từ đó, ở địa phương không còn tổ chức ngành thống kê mà chỉ còn số cán bộ làm công tác thống kê trong UBKH  tỉnh và Phòng Kế hoạch các huyện, thị.

          Do không được chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết về tổ chức - cán bộ cũng như về nội dung hoạt động, cho nên bộ máy sau khi sắp xếp lại tuy có gọn nhưng không tinh, không mang lại hiệu quả. Nhiều chỉ tiêu thống kê không được thực hiện đầy đủ, số liệu thống kê phải lắp ghép, chắp vá và không có hệ thống. Rất nhiều cán bộ thống kê có trình độ, được thử thách qua thực tiễn công tác đã dần dần chuyển đi ngành khác, tỉnh khác. Mạng lưới cán bộ làm công tác thống kê ở cơ sở cũng bị mai một. Toàn bộ hoạt động thống kê bị sa sút, không còn mang dáng dấp của một ngành hoàn chỉnh.

          Nhận thấy việc đặt tổ chức ngành thống kê không đúng vị trí của nó đã không mang lại kết quả mong muốn, do đó 4 năm sau, vào tháng 6-1992 UBND Tỉnh đã ra quyết định thành lập lại Cục Thống kê trực thuộc địa phương.

          Trên phạm vi cả nước, kể từ khi thay đổi về tổ chức theo hướng giảm đầu mối, công tác thống kê cũng đã bộc lộ nhiều yếu kém, mô hình tổ chức rời rạc, không đồng bộ, lực lượng bị phân tán, nội dung, phương pháp thống kê không thống nhất ở các địa phương; Tổng cục Thống kê vừa mất vai trò lãnh đạo toàn ngành vừa không giữ được vai trò chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ.  Dần dần, do đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới và do chức năng nhiệm vụ của công tác thống kê ngày càng được thể hiện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong tiến trình hội nhập với thế giới, hệ thống thống kê được sắp xếp lại theo Nghị định 23 ngày 23-3-1994 của Chính phủ. Theo đó, ngành thống kê thực hiện quản lý theo hệ thống dọc từ trung ương đến huyện. Như vậy, gần 7 năm kể từ khi có thông báo 46/TB-TW của Ban bí thư, Ngành Thống kê được tổ chức lại theo mô hình trước đó.

Trong những năm gần đây, trước xu thế đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu hơn, trong đó có hoạt động thống kê, Ngày 01/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (viết gọn là Chiến lược phát triển Thống kê). Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để hệ thống thống kê Nhà nước triển khai xây dựng thống kê Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, với tiến trình thực hiện cải cách hành chính trên cả nước, tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của toàn ngành thống kê đã được rà soát, ngày 18 tháng 3 năm 2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 10, ngày 18 tháng 3 năm 2020 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời kỳ mới. Theo đó, bộ máy hoạt động của cơ quan Cục Thống kê địa phương được xác định rõ ràng, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ. Ngày 20 tháng 5 năm 2020 Tổng cục Thống kê ban hành quyết định số 1006, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cục thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cũng vào ngày ngày 20 tháng 5 năm 2020 Tổng cục Thống kê ban hành quyết định số 1007, Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Chi cục Thống kê quận, huyện, thị xã, thành phố và Chi cục Thống kê khu vực thuộc Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với các quyết định này, bộ máy ngành thống kê Long An được tổ chức theo hệ thống hoàn chỉnh từ tỉnh đến huyện, khu vực, thành phố, tạo tiền đề cho việc bảo đảm các điều kiện về vật chất và nhân lực để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cùng với sự ổn định về mô hình tổ chức toàn ngành, môi trường pháp lý của hoạt động thống kê ngày được hoàn thiện, nâng cấp. Trước hết là sự ra đời của Pháp lệnh Kế toán và Thống kê vào năm 1988 và tiếp theo là Luật Thống kê năm 2003 và Luật Thống kê (sửa đổi) năm 2015, tiếp sau đó ngày 12/11/2021 Quốc hội ban hành Luật số 01/2021/QH15 của Quốc hội: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. Trên cơ sở các Luật của ngành cùng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác đã tạo nên khung pháp lý hết sức quan trọng và ngày càng hoàn thiện, giúp cho hoạt động thống kê từng bước đi vào nền nếp và hội nhập. Đặc biệt, Luật Thống kê năm 2015 đã được xây dựng và thông qua với nhiều điểm mới nhằm điều chỉnh một cách đầy đủ các hoạt động thống kê phát sinh trong đời sống kinh tế – xã hội. Thông qua Luật thống kê năm 2015, vai trò, vị thế của hệ thống thống kê tập trung được nâng cao đáng kể.

Thưa các đồng chí!

Trong suốt chặng đường 47 năm qua, dù trong hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn, cán bộ thống kê tỉnh Long An luôn vừa làm, vừa học tập, trau dồi nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu công tác được giao.  Ngay từ khi mới thành lập, thậm chí đang ở trong giai đoạn chuẩn bị thành lập, ngành đã bắt tay thực hiện cuộc điều tra chuyên môn như: điều tra dân số  tháng 02-1976 phục vụ Tổng tuyển cử Quốc hội, rồi đến kiểm kê tài sản trong các cơ quan nhà nước 01-4-1976 và đăng ký kinh doanh công thương nghiệp vào cuối năm 1976.  Tiếp theo là cuộc Tổng điều tra đất nông nghiệp năm 1978; thống kê thiệt hại chiến tranh vào giữa năm 1979;  điều tra lao động xã hội và lao động kỹ thuật 1-11-1982; kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định tháng 10-1985.

          Về các cuộc điều tra lớn, đến nay đã thực hiện được 5 lần, cuộc tổng điều tra dân số vào các năm 1979, 1989, 1999, 2009 và 2019; 06 lần, cuộc tổng điều tra nông thôn và nông nghiệp vào các năm 1994, 2001, 2006, 2011, 2016, 2021; 6 lần, cuộc tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chánh, sự nghiệp vào các năm 1995, 2002, 2005, 2012, 2016, 2021.

          Song song với việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch chương trình của Tổng Cục Thống kê, ngành thống kê Long An cũng đã thực hiện nhiều cuộc điều tra phục vụ công tác quản lý tại địa phương.  Năm 1998 và 2005 tỉnh tổ chức 2 cuộc điều tra về hộ có thu nhập thấp để đánh giá tình trạng đói nghèo và kết quả thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương; đồng thời qua điều tra đã lập danh sách các hộ thuộc diện đói nghèo để có các chính sách hỗ trợ thích hợp.  Ngoài ra, ngành thống kê còn phối hợp với các ngành tài chính, giáo dục, thương mại, lao động-thương binh và xã hội tiến hành các cuộc kiểm kê vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước và thực hiện nhiều cuộc điều tra điều tra mẫu, có qui mô nhỏ như điều tra về lao động và việc làm ở khu vực thành thị, điều tra toàn bộ một số chỉ tiêu trong hệ thống giáo dục năm 1994, điều tra hoạt động du lịch 1994, điều tra mạng lưới giao thông 1-2-1994,...

          Bên cạnh các cuộc điều tra, các báo tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng, hàng quí, hàng năm, các tờ bướm số liệu, các quyển niên giám thống kê, các quyển số liệu về doanh nghiệp, về kiểm kê đất, báo cáo nghiên cứu khoa học,…  là những sản phẩm đã đóng góp vào công tác lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu của các cấp, các ngành.

Đạt được những kết quả trên là nhờ cơ cấu tổ chức của ngành từ tỉnh đến huyện ngày càng hoàn thiện và đi vào ổn định; cơ sở vật chất không ngừng được củng cố và tăng cường, trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn ngày càng đổi mới theo hướng hiện đại.  Và quan trọng hơn là yếu tố con người, từ một số ít công chức nòng cốt ban đầu, lực lượng của ngành từ tỉnh đến huyện từng bước được bổ sung về số lượng, tăng cường về trình độ thông qua tuyển dụng mới cũng như đào tạo người tại chỗ.  Đến nay, toàn ngành có 73 công chức, trong đó có 7 thạc sỹ, 60 đại học và 6 trung cấp chuyên môn nghiệp vụ.  Ngoài ra còn bố trí chuẩn hóa trình độ lý luận chính trị cho tất cả công chức thuộc diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý trong ngành.

Nhìn lại chặng đường 47 năm qua, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, ngành Thống kê Long An đã đạt được những kết quả nổi bật sau:

- Toàn ngành được xây dựng và tổ chức thành một hệ thống hoàn chỉnh từ tỉnh đến huyện. Đội ngũ cán bộ công chức khá vững vàng về chính trị, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, có tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật, đề cao tinh thần đoàn kết, gắn bó với ngành, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, vi tính, .. ngày càng được nâng cao để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao;

- Bằng những công việc cụ thể trong nhiều năm, đã tạo được sự tín nhiệm ở các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại địa phương.  Quan hệ cộng tác và phối hợp với các sở,  ngành , huyện, thị, thành ngày càng chặt chẽ và hiệu quả;

- Xây dựng và lưu trữ được hệ thống thông tin kinh tế - xã chủ yếu của địa phương trong thời kỳ khá dài;

- Tích cực vận dụng những văn bản pháp lý có liên quan (luật, nghị định, Quyết định) để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành.

 Đạt được kết quả nêu trên là nhờ những nguyên nhân sau:

- Trước hết là được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Tổng Cục Thống kê và sự cộng tác, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành từ  tỉnh tới huyện, xã;

- Toàn ngành đã tăng cường khối đoàn kết nhất trí trong nội bộ; thường xuyên giữ mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất trong ban lãnh đạo cùng toàn thể công chức trong ngành. Vai trò của chuyên môn, của Chi bộ và vai trò phối hợp của đoàn thể được tôn trọng và thể hiện rất rõ nét;

- Nhanh chóng nắm bắt yêu cầu của địa phương; tranh thủ sự hỗ trợ, phối hợp của các cấp, các ngành;

- Đa số cán bộ công chức luôn thể hiện ý thức tự giác trong công việc, chủ động khắc phục khó khăn, nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, bảo vệ những thành quả đã đạt được, thuyết phục người sử dụng thông tin bằng các bản báo cáo phân tích, diễn giải, kể cả việc đấu tranh để bảo vệ số liệu;

- Phối hợp tốt trong nội bộ giữa các phòng nghiệp vụ của Cục với nhau, giữa các phòng nghiệp vụ của Cục với các Chi cục Thống kê huyện, khu vực, thành phố và các sở, ban, ngành có liên quan trong việc tổ chức thu thập thông tin, thực hiện các báo cáo tổng hợp phục vụ yêu cầu của ngành và lãnh đạo địa phương;

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, truyền gởi báo cáo và trao đổi, khai thác thông tin.

Song song với những kết quả nổi bật trên, hiện tại ngành cũng còn một số mặt hạn chế đáng kể, đó là:

- Chất lượng thông tin chưa cao, chưa đồng bộ, chưa theo kịp diễn biến kinh tế-xã hội trên địa bàn. Sản phẩm đầu ra của ngành nặng về số liệu nhưng nhẹ về phân tích, đánh giá tình hình; nếu có thì đa phần cũng là giải thích số liệu. Công tác dự đoán, dự báo chưa được quan tâm đầy đủ; các báo cáo dự báo thường có độ chênh lệch đáng kể so với báo cáo chính thức;

- Sự liên thông giữa các đơn vị nghiệp vụ trong Cục còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc khai thác thông tin nội bộ hiệu quả chưa cao;

- Biên chế cán bộ công chức được giao chưa đủ đáp ứng yêu cầu công việc, nhất là ở cấp huyện. Việc bổ sung nhân lực còn nhiều bất cập, và đáng lo hơn là không có điều kiện cũng như thiếu sức hấp dẫn đối với những người trẻ, có năng lực;

- Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn chưa đồng đều, làm hạn chế sự lớn mạnh toàn diện của ngành;

- Công tác lưu trữ tài liệu, quản lý hồ sơ, công văn chưa được chú trọng đúng mức. Chưa khai thác có hiệu quả công cụ tính toán vào chuyên môn nghiệp vụ,  còn lãng phí giờ máy;

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do:

- Công tác chỉ đạo, đôn đốc chưa triệt để, chỉ mới dừng lại ở việc nhắc nhở, thiếu kiên quyết với những nơi còn yếu;

- Ý thức trách nhiệm ở một số nơi còn hạn chế khiến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ lỏng lẻo, thiếu tập trung. Một số cán bộ phụ trách phòng ở Cục và huyện chưa bao quát hết các nội dung nghiệp vụ của đơn vị, từ đó phó thác công việc cho cấp dưới, thiếu đôn đốc, chỉ đạo; 

- Một bộ phận cán bộ chưa toàn tâm, toàn ý với công việc, chưa phấn đấu với khả năng cao nhất.  Ngược lại cũng có nơi do chạy đua với thời gian, nặng về thành tích mà xem nhẹ chất lượng công tác.

Tóm lại, trong thời gian qua tuy có nhiều khó khăn nhưng toàn ngành đã vươn lên đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn.  Kết quả đạt được rất cơ bản và đáng tự hào, nhưng còn nhiều mặt tồn tại cần sớm được khắc phục. Nhiệm vụ trong thời gian tới sẽ hết sức nặng nề, khó khăn trở ngại không nhỏ.  Trước mắt, toàn ngành cần nhanh chóng khắc phục những tồn tại, yếu kém, đồng thời không ngừng phát huy những mặt mạnh, mặt tích cực để đưa ngành thống kê ngày càng phát triển, ngang tầm với yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới.  Mục tiêu phấn đấu của toàn ngành là phải luôn bảo đảm thông tin và phân tích kinh tế, đẩy mạnh công tác phương pháp chế độ, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời phải xây dựng đội ngũ cán bộ Thống kê lớn mạnh về mọi mặt.  Tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi để hoàn thiện các mặt công tác, xứng đáng là một cơ quan đầu mối về thông tin kinh tế - xã hội ở địa phương.

          Trải qua 47 năm, những thành quả mà ngành đạt được in đậm công sức của nhiều thế hệ những người làm công tác thống kê.  Những người còn lại hôm nay luôn tri ân thế hệ đi trước, quyết tâm phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, chung sức chung lòng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được tin tưởng giao phó.

Nhân kỷ niệm 47 năm ngày thành lập Ngành Thống kê Long An tôi xin chúc toàn thể công chức và người lao động của ngành Thống kê Long An mạnh khỏe, hạnh phúc và gặt hái nhiều thắng lợi trên lĩnh vực mà mình phụ trách.

Xin trân trọng cảm ơn./.

                                                                      Ngày 28 tháng 6 năm 2023

                                                                      CỤC THỐNG KÊ LONG AN

                                                                      CỤC TRƯỞNG

                                                                        Nguyễn Văn Chuẩn

47.1.png

Ông Nguyễn Văn Chuẩn, Cục trưởng phát biểu ôn lại truyền thống 47 năm ngày thành lập Cục Thống kê tỉnh Long An

47.2.png

47.3.png


 



image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1