image banner
Chỉ số Phát triển con người giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Long An

Chỉ số phát triển con người (HDI) là chỉ tiêu kinh tế - xã hội tổng hợp đo lường sự phát triển của con người trên 3 phương diện: Sức khỏe, giáo dục và thu nhập của quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa bàn, địa phương của quốc gia, vùng lãnh thổ trong kỳ quan sát. HDI nhận giá trị từ 0 đến 1. HDI càng gần 1 có nghĩa là trình độ phát triển con người càng cao, trái lại càng gần 0 nghĩa là trình độ phát triển con người càng thấp. HDI được tính theo phương pháp bình quân cộng giản đơn 03 chỉ số thành phần gồm: Chỉ số sức khỏe, Chỉ số giáo dục và Chỉ số thu nhập.

Theo báo cáo Chỉ số phát triển con người của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 do Tổng cục Thống kê phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện, HDI của cả nước và hầu hết 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tăng qua các năm. HDI của cả nước tăng từ 0,682 năm 2016 lên 0,687 năm 2017; năm 2018 là 0,693; năm 2019 là 0,703 và năm 2020 là 0,706. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, HDI cả nước tăng 0,87%/năm.

Tại Long An, HDI tăng liên tục qua các năm: năm 2016 là 0,669; năm 2017 là 0,682; năm 2018 là 0,691; năm 2019 là 0,698 và năm 2020 là 0,702. So với năm trước, HDI năm 2017 tăng 0,013 với tốc độ tăng 1,94%; năm 2018 tăng 0,009 và tăng 1,32%; năm 2019 tăng 0,007 và tăng 1,01%; năm 2020 tăng 0,004 và tăng 0,57%. Bình quân mỗi năm HDI tăng 1,21% trong giai đoạn 2016 - 2020.

UNDP phân HDI thành 4 nhóm. Trong giai đoạn 2016 - 2020, không có tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào được xếp vào Nhóm 1 (mức rất cao với HDI ≥ 0,800) hoặc Nhóm 4 (mức thấp với HDI < 0,550). Từ năm 2016 – 2019, Long An được xếp vào Nhóm 3 (mức trung bình với 0,550 ≤ HDI < 0,700) và tăng lên Nhóm 2 (mức cao với 0,700 ≤ HDI < 0,800) vào năm 2020 cùng với 23/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ 2 đơn vị là tỉnh Long An và thành phố Cần Thơ đủ tiêu chuẩn xếp vào Nhóm 2.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, HDI của Long An có tốc độ tăng bình quân cao hơn cả nước nên có sự cải thiện về thứ hạng, từ hạng 26 năm 2016 tăng lên hạng 23 năm 2020. So với Đồng bằng sông Cửu Long, HDI của Long An chỉ thấp hơn thành phố Cần Thơ (thứ hạng 16 trong năm 2020).

Chỉ số sức khỏe là một trong ba chỉ số thành phần cấu thành HDI. Chỉ số này được tính theo Chỉ tiêu tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh. Trong những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng có tiến bộ nên tuổi thọ của người dân cả nước nói chung và người dân Long An nói riêng được cải thiện. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh tại Long An dao động ở mức 75,6 - 75,8 tuổi, cao hơn bình quân chung cả nước (từ 73,4 - 73,7 tuổi). Do tuổi thọ tăng nên chỉ số sức khỏe của Long An các năm 2016 - 2020 lần lượt là 0,855; 0,857; 0,857; 0,858 và 0,856; xếp thứ hạng 8 so cả nước.

Chỉ số giáo dục được tính trên 2 chỉ tiêu là số năm đi học bình quân và số năm đi học kỳ vọng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, số năm đi học bình quân của tỉnh tăng nhanh, từ 7,0 năm 2016 tăng lên 7,8 năm 2020; số năm đi học kỳ vọng tăng chậm hơn, từ 11,3 năm 2016 đến 2020 là 11,4. Số năm đi học bình quân số và năm đi học kỳ vọng của tỉnh còn thấp hơn khá xa so với bình quân cả nước (cả nước là 9,1 năm và 12,2 năm). Vì vậy, chỉ số giáo dục chỉ tăng từ 0,549 năm 2016 tăng lên 0,577 năm 2020, thấp hơn cả nước (cả nước 0,640); xếp hạng 42 cả nước, xếp thứ 3 vùng Đồng bằng sông Cửu Long (sau thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long). Kết quả này cho thấy khả năng tiếp cận giáo dục vẫn còn hạn chế, đặc biệt là cơ hội đến trường của trẻ em trong độ tuổi đi học.

Chỉ số thu nhập được tính từ chỉ tiêu thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người theo sức mua tương đương, thường được đưa về đô la Mỹ (USD-PPP). GNI bình quân đầu người của Long An năm 2016 là 6.783 USD (cả nước 6.211 USD); năm 2020 là 10.386 USD (cả nước 8.132 USD), bình quân mỗi năm GNI tăng 11,24%. Từ GNI bình quân đầu người, đã tính được chỉ số thu nhập của tỉnh là 0,637 trong năm 2016 (thứ hạng 16 cả nước) tăng lên 0,701 năm 2020 (thứ hạng 13 cả nước, cao nhất Đồng bằng sông Cửu Long).

Để HDI trên địa bàn tỉnh ngày càng tiệm cận giá trị tối đa, cần một hệ thống các giải pháp đồng bộ và thực hiện có hiệu quả về phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập thực tế của người dân; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Tăng cường dịch vụ y tế, giáo dục vì các lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến phát triển con người. Trong giáo dục, cần khắc phục số năm đi học bình quân và số năm đi học kỳ vọng đang ở mức thấp và tăng chậm như hiện nay./.

 

                                                                     Hữu Thinh


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1