image banner
Triển vọng kinh tế tỉnh Long An giai đoạn 2016-2020

Đến thời điểm cuối năm 2015, tỉnh Long An đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2011-2015.  Có 16/19 chỉ tiêu về kinh tế-xã hội đạt kế hoạch đề ra. Trong giai đoạn này kinh tế phát triển khởi sắc, đời sống xã hội ngày càng tiến bộ và quốc phòng-an ninh luôn được đảm bảo.

Sản xuất nông nghiệp được chú trọng theo hướng sản xuất qui mô lớn, tăng cường khai thác chuỗi giá trị trên cơ sở thực hiện các mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.  Mô hình cánh đồng lớn được triển khai và nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Sản lượng lúa tăng vượt bậc, từ 2,3 triệu tấn năm 2010 lên 2,9 triệu tấn năm 2015 (tăng 26%).  Lúa chất lượng cao tăng từ 480 nghìn tấn năm 2010 lên 780 nghìn tấn năm 2015 (tăng 62%).  Các cây trồng hiệu quả cao như chanh, thanh long phát triển mạnh, mở rộng diện tích ra nhiều huyện, tạo cơ hội đổi đời cho một bộ phận dân cư và góp phần giảm nghèo cho những hộ nông dân không đất, nay có thêm việc làm tại vùng sản xuất các loại cây này.

Sản xuất công nghiệp ngày càng phát huy vai trò động lực, phát triển chiều rộng để khai thác hạ tầng công nghiệp và chú ý chiều sâu để góp phần định hình nền công nghiệp theo hướng hiện đại. Công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao từng bước thay thế các ngành công nghiệp thâm dụng lao động.  Các khu công nghiệp được hình thành và mở rộng, tạo ra một quỹ đất dồi dào sẵn sàng đáp ứng hạ tầng cho các nhà đầu tư thứ cấp.  Tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đến cuối năm 2015 đạt 56,56%. Hoạt động xúc tiến đầu tư, mời gọi đầu tư, quảng bá hình ảnh, tạo dựng thương hiệu luôn được quan tâm, chú trọng, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư tiềm năng và cũng là cơ hội phát triển kinh tế của tỉnh. Số lượng doanh nghiệp FDI tăng dần qua các năm.

Thị trường trong nước ổn định, tiêu dùng nội địa tăng khá, kiểm soát thành công chỉ số giá (CPI), góp phần cùng cả nước kiềm chế lạm phát, vốn đầu tư toàn xã hội tăng lên, thu ngân sách đạt tiến độ khá, thu nhập và đời sống của đại bộ phận dân cư được từng bước cải thiện.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,69 tỉ USD (gần đạt kế hoạch, tăng 13,0% so cùng kỳ). Kim ngạch nhập khẩu 2,94 tỉ USD, tăng 16,1% so cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia xuất-nhập khẩu tăng vượt bậc, từ 480 DN năm 2010 lên 886 DN năm 2014.

Trên cơ sở phát huy những thành tựu đạt được trong giai đoạn 2011-2015, Đại hội X Đảng bộ tỉnh đã xác định các chỉ tiêu kinh tế cho giai đoạn 2016-2020 là: Tăng trưởng GRDP bình quân 9-9,5%/năm, GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 80-85 triệu đồng, sản lượng lúa bình quân 2,8 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu  tăng 15%/năm, tỉ lệ đầu tư xã hội 40-42% GRDP.  Bên cạnh các chỉ tiêu trên là 2 chương trình đột phá:  (i) Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm, (ii) Phát tiển nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, và 3 công trình trọng điểm: (i) Đường tỉnh 830 (Đức Hòa-Tân Tập), (ii) Đường vành đai thành phố Tân An, (iii) Trục hạ tầng giao thông-đô thị kết nối với thành phố Hồ Chí Minh.

Nếu thực hiện đạt được những chỉ tiêu Nghị quyết và hoàn thành 2 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm nêu trên thì bộ mặt kinh tế của tỉnh năm 2020 sẽ có rất nhiều thay đổi so với hiện nay, đưa Long An bước thêm một bước về phía trước trên con đường công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Để đạt được kết quả này đòi hỏi các cấp, các ngành phải giải quyết rất nhiều vấn đề, trong đó cần quan tâm những nội dung sau:

Thu hút và khai thác nguồn lực: 2 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm đòi hỏi phải có một nguồn lực tài chính rất lớn mới có thể triển khai đồng loạt được (đó là chưa tính tới những khó khăn, trở ngại trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, giải tỏa, tái định cư, ...).  Cân đối ngân sách của tỉnh chưa chạm tới ngưỡng thu đủ chi, do đó cơ hội thành công của 2 chương trình đột phá  và 3 công trình trọng điểm phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực tài chính từ bên ngoài.  Đồng thời, Long An cần khai thác triệt để nguồn lực đất đai, nhất là quỹ đất sạch trong các khu công nghiệp, góp phần đưa sản xuất phát triển, tăng nguồn thu cho ngân sách và giải quyết việc làm.

Khắc phục khó khăn nội tại: trong thời gian qua, Long An đã cùng cả nước giải quyết tốt bài toán kiềm chế tiến tới kiểm soát lạm phát, tuy nhiên bài toán lợi nhuận của nông dân trồng lúa vẫn còn là vấn đề nan giải. Trước mắt, giải pháp cánh đồng lớn sẽ tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận mô hình sản xuất lớn và tập trung, giúp giảm giá thành, tăng chất lượng và tính đồng nhất sản phẩm.  Giảm giá thành, tăng chất lượng là giải pháp căn cơ giúp nông dân ứng phó với biến động giá cả đầu ra bất thường như thời gian qua. Ngoài ra, chương trình Phát tiển nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần được quan tâm đặc biệt để giúp ngành nông nghiệp trụ vững trong môi trường cạnh tranh sắp tới.

Tóm lại, nếu Long An cùng cả nước khai thác được những lợi ích sâu rộng đến từ hội nhập và vượt qua được những khó khăn, thách thức của thế giới luôn biến động về kinh tế và chính trị thì triển vọng phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 là rất khả quan.

                                                                                                                                                      Cục Thống kê Long An​

image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1