image banner
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao chất lượng số liệu thống kê

1. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo Hồ Chí Minh

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, đã tiến hành thanh tra phải đi đến tận nơi, xem tận chỗ. Người nói: "Thanh tra muốn biết, muốn thấy, muốn hiểu rõ sự thật ở cơ quan, địa phương nào đấy phải đến tận nơi, nghe ngóng, tìm hỏi, chịu khó. Quan liêu sẽ không làm được nhiệm vụ". Như vậy, với phương pháp đi đến tận nơi, xem tận chỗ, thanh tra sẽ góp phần chống bệnh quan liêu. Người cho rằng: "Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát".

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực của một người lãnh đạo luôn quan tâm đến các kết luận, kiến nghị của Thanh tra. Giữa năm 1950, ngay sau khi nghe báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra Chính phủ về những sai lầm nghiêm trọng trong việc huy động nhân tài, vật lực cho kháng chiến ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Người đã chỉ đạo Chính phủ xử lý nghiêm minh những cán bộ sai phạm, đồng thời viết thư nhận lỗi với đồng bào Liên khu IV. Trong thư Người còn nêu ra các biện pháp sửa chữa, ngăn ngừa những hiện tượng sai phạm đó, trong đó có đoạn viết: "Cán bộ cấp trên phải luôn luôn đôn đốc, kiểm tra công việc của cán bộ cấp dưới, nhân dân thì giúp Chính phủ và Đoàn thể kiểm tra công việc và hành vi của các cán bộ".

Theo Hồ Chí Minh, phong cách làm việc khoa học đòi hỏi người cán bộ phải có cách đánh giá đúng người, đúng việc, sắp xếp công việc cho hợp lý; lại phải biết cách kiểm tra, giám sát công việc và cấp dưới một cách hiệu quả, qua đó thấy được việc thi hành đường lối, nghị quyết của Đảng như thế nào và cần điều chỉnh cái gì. Người nói: "tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế". Kiểm tra còn có tác dụng phân loại, đánh giá cán bộ, vì "Có kiểm tra… mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời". Cán bộ lãnh đạo làm việc khoa học, chặt chẽ thì cấp dưới không thể "qua mặt".

Trong thực tiễn, Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về phong cách lãnh đạo sâu sát. Theo tài liệu thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, chỉ tính trong 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955-1965), không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Người đã thực hiện hơn 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội…, từ miền núi đến hải đảo, để thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Tính ra mỗi năm, có hơn 60 lượt Người đi xuống cơ sở, mỗi tháng có khoảng 6 lần Người gặp gỡ quần chúng.

Lãnh đạo sâu sát sẽ nâng cao được tính khách quan, minh bạch, tăng cường được công tác kiểm tra, giám sát, từ đó kiểm soát tốt hơn đối với việc thực thi quyền lực, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng tài sản của Nhà nước, của nhân dân, góp phần phòng chống tham nhũng có hiệu quả. Hồ Chí Minh yêu cầu dựa vào quần chúng nhân dân để giám sát, kiểm tra, nhằm loại trừ các hành vi trục lợi, ăn cắp, tham ô, đục khoét, biến của công thành của riêng…

Hồ Chí Minh đánh giá rất cao công tác kiểm tra, giám sát. Người đã thường xuyên nhắc nhở: Các cấp, các ngành nếu tổ chức tốt việc kiểm tra, giám sát cũng như "Ngọn đèn pha", bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm chúng ta đều biết rõ. Có thể nói chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra, giám sát. Nếu tổ chức kiểm tra, giám sát chu đáo thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười, gấp trăm.

Kiểm tra, giám sát phải kết hợp linh hoạt các phương pháp và hình thức kiểm tra, giám sát. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra: "Kiểm soát có hai cách: một là từ trên xuống, tức là người lãnh đạo kiểm soát những kết quả công việc của cán bộ mình. Một cách nữa là từ dưới lên, tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ các cách sửa chữa sự sai lầm đó".

Tóm lại, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát có một vị trí, vai trò rất quan trọng. Nó là chức năng thiết yếu của quản lý, là công cụ phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, luôn luôn gắn liền với quản lý, là một nội dung của quản lý. Thanh tra, kiểm tra, giám sát còn là một phương thức phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế, phát hiện và xử lý những biểu hiện quan liêu, tham ô, lãng phí và những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý.

2. Giới thiệu sơ lược về nhiệm vụ, quyền hạn của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát ngành Thống kê hiện nay.

Thanh tra chuyên ngành thống kê là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về thống kê, quy định về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực thống kê.

Thanh tra có thành lập đoàn (có nhiều người tham gia): khi kết thúc cuộc thanh tra phải có Kết luận thanh tra.

Thanh tra độc lập (chỉ có 1 người): khi kết thúc cuộc thanh tra không ban hành Kết luận thanh tra.

Thanh tra có thành lập đoàn và thanh tra độc lập chỉ được thực hiện tại Cục Thống kê, khi phát hiện sai phạm đều có quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt hoặc kiến nghị xử phạt.

Kiểm tra, giám sát: Quy trình kiểm tra, giám sát theo Quyết định 126/QĐ-TCTK ngày 02/3/2015 chỉ quy định kiểm tra, giám sát phương án điều tra thống kê và thực hiện chế độ báo cáo thống kê.

Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện tại Cục Thống kê và Chi cục. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện vi phạm phương án điều tra hoặc vi phạm chế độ báo cáo thống kê thì tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực thống kê và gửi biên bản vi phạm hành chính về Phòng Thanh tra Thống kê để tham mưu xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Kết quả thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát của ngành Thống kê Long An trong thời gian qua

3.1. Kết quả đạt được

Báo cáo thống kê là sản phẩm chính của ngành Thống kê nhằm phục vụ các cấp lãnh đạo quản lý Nhà nước, vì vậy, độ chính xác, tin cậy kịp thời của báo cáo thống kê là cơ sở tất yếu và rất cần thiết cho các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Ý nghĩa của thông tin không chỉ phụ thuộc vào lượng thông tin, mà còn phụ thuộc vào chất lượng thông tin. Thông tin đúng, thì quản lý thành công, kinh tế phát triển, thông tin sai, quản lý thất bại, có thể dẫn tới đổ vỡ. Để làm ra được số liệu thống kê là cả một quá trình xâu chuỗi thông tin từ các chủ thể sản xuất, cung cấp và phổ biến thông tin, trong đó không thể thiếu được vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Có thể nói hoạt động thống kê hiện nay gắn liền các cuộc điều tra, các báo cáo thống kê hàng tháng, quý, năm chủ yếu dựa vào kết quả các cuộc điều tra do ngành Thống kê đảm nhận. Hàng năm, ngành Thống kê Long An thực hiện trên 30 cuộc điều tra lớn nhỏ. Do đó, việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát là hết sức cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng số liệu thống kê. Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được Cấp ủy, Lãnh đạo Cục quan tâm chỉ đạo, các phòng nghiệp vụ và Chi cục Thống kê thực hiện khá tốt công tác này.

Hàng năm, Cục Thống kê tổ chức từ 4-6 cuộc thanh tra chuyên ngành, gồm thanh tra phương án điều tra và chế độ báo cáo. Qua các cuộc thanh đã phát hiện một số vi phạm, sai sót, tuy chưa lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính, nhưng cũng đưa ra các kiến nghị, kết luận đối tượng thanh tra cần thực hiện nghiêm, đúng quy định phương án điều tra và chế độ báo cáo. Qua kiểm tra sau kết luận thanh tra cho thấy việc chấp hành chế độ báo cáo thống kê của các doanh nghiệp được thực hiện tốt, đầy đủ hơn trước khi thanh tra.

thanh tra1.jpg

Công tác Thanh tra

Công tác kiểm tra, giám sát các cuộc điều tra được tiến hành từ Cục Thống kê cho đến các Chi cục, khi triển khai thu thập thông tin đều có phân công công chức kiểm tra, giám sát địa bàn, kịp thời giúp điều tra viên khắc phục các sai sót, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thời gian qua công tác kiểm tra, giám sát phương án điều tra được Phòng Thống kê Nông nghiệp thực hiện khá tốt, nên trong các báo cáo phân tích, đánh giá tình hình được phòng thực hiện rất đầy đủ, sát với tình hình thực tế.

kiemtra2.jpg

Công tác Kiểm tra​

Tóm lại, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của ngành Thống kê Long An trong thời gian qua đã kịp thời phát hiện những sai, sót, hạn chế, từ đó có biện pháp giúp đỡ đối tượng thanh tra khắc phục các hạn chế, vướng mắc. Bảo đảm việc chấp hành và thực hiện đầy đủ phương án điều tra, chế độ báo cáo thống kê. Góp phần nâng cao chất lượng thông tin thống kê, tăng cường hiệu lực, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành Thống kê, đảm bảo thông tin thống kê tin cậy, đầy đủ và kịp thời.

3.2. Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thống kê Long An cũng cần nghiêm túc nhìn nhận và khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong thời gian qua, đó là:

- Đối với Cục Thống kê:

+ Lãnh đạo Cục: Do nhiều công việc chi phối nên ít đi cơ sở để kiểm tra, giám sát.

+ Lãnh đạo và công chức các phòng: chưa thường xuyên xuống địa bàn để nắm bắt các vấn đề phát sinh liên quan tới nghiệp vụ được phân công. Nhiều cuộc điều tra do thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến sai hệ thống nên phải tốn thời gian xác minh, kiểm tra, sửa lỗi. Công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp cho Lãnh đạo Cục để tăng cường kiểm tra, giám sát số liệu thu thập đầu vào nhằm nâng cao chất lượng số liệu thống kê của các phòng chưa tốt, chưa đánh giá được hết tình hình thực tế liên quan đến công việc được giao nên không có cơ sở dự báo tình hình phù hợp cho thời gian tới. Công tác thanh tra chưa thực hiện các cuộc đột xuất, ngoài kế hoạch, chỉ thực hiện các cuộc đã được phê quyệt nằm trong kế hoạch. Công tác kiểm tra chưa tuân thủ quy trình theo Quyết định 126/QĐ-TCTK. Ngoài ra, công tác khai thác số liệu thống kê từ dữ liệu hành chính của các cơ quan theo chế độ báo cáo Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã chưa được quan tâm; ngành Thống kê chưa khai thác tốt chế độ này để phục vụ cho các báo cáo thống kê.

- Đối với Chi Cục Thống kê: qua công tác tại Chi cục, cho thấy một số Chi cục còn buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát các cuộc điều tra, chế động báo cáo; việc kiểm tra, giám sát ít được lãnh đạo Chi cục tham gia mà chủ yếu giao cho công chức đảm nhận, trong khi đó năng lực một số công chức được giao nhiệm vụ còn hạn chế không giải quyết được hết các tình huống phát sinh tại cơ sở. Qua thanh tra, kiểm tra, giám sát, một số cuộc điều tra do công chức, người lao động Chi cục đảm nhận, do tin tưởng vào năng lực nghiệp vụ người của mình nên một số lãnh đạo Chi cục bỏ qua công đoạn kiểm, tra giám sát, trong khi đó còn một số công chức, người lao động hạn chế nghiệp vụ chuyên môn, quá trình thu thập thông tin phát sinh nhiều vấn đề không tự giải quyết được nhưng không kịp thời báo cáo cho lãnh đạo Chi cục, các phòng nghiệp vụ Cục để kịp thời khắc phục, dẫn đến sai sót làm ảnh hưởng đến chất lượng số liệu thống kê.

3.3. Một số đề xuất tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao chất lượng số liệu thống kê

Lãnh đạo Cục tăng cường công tác đi cơ sở giám sát các cuộc thực hiện phương án điều tra, chú trọng công tác tổ chức cán bộ, đoàn kết nội bộ.

Lãnh đạo các phòng làm tốt công tác tham mưu, đề xuất lãnh đạo Cục thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát do phòng mình phụ trách. Thường xuyên đi thực tế, kết hợp với theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo cáo sở ngành nắm bắt tình hình liên quan đến nghiệp vụ phụ trách để có cái nhìn bao quát, toàn diện hơn.

Tăng cường hơn nữa các cuộc thanh tra ngoài kế hoạch, thanh tra độc lập để chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật thống kê.

Các phòng Cục tiếp tục đôn đốc thực hiện Quyết định 54/2016/QĐ-TTg ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để phục vụ các báo cáo thống kê.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong mọi khâu của họat động thống kê.

Công tác kiểm tra, giám sát cần thực hiện đúng quy trình, đúng theo Quyết định 126/QĐ-TCTK, trong đó cần tập trung vào kiểm tra, giám sát việc thực hiện các cuộc điều tra theo phương án mới, quy mô phức tạp như: điều tra Vốn đầu tư, Xây dựng, điều tra Doanh nghiệp, điều tra Khảo sát mức sống, phương án Tổng điều tra dân số năm 2019, ...

Lượng tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát là công chức.

Thanh toán đầy đủ định mức thù lao cho các cuộc điều tra, là góp phần nâng cao chất lượng số liệu thống kê./.

image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1