image banner
Một số giải pháp nâng cao chất lượng thông tin thống kê phục vụ Quản lý nhà nước cấp cơ sở

​1. Mục tiêu và nội dung

Nâng cao chất lượng thông tin thống kê, hình thành hệ thống thông tin thống kê thống nhất, cung cấp kịp thời và chính xác các thông tin thống kê phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND cấp huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là cấp huyện) và Cục Thống kê tỉnh. Góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội của bộ máy hành chính hiện nay.

- Đáp ứng nhu cầu phân tích, đánh giá tình hình hoạt động của địa phương và công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của cấp huyện.

- Đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; phù hợp với tiêu chuẩn và quy định của Thống kê Nhà nước.

2. Yêu cầu

- Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mang tính khả thi và sát hợp với thực tế.

- Đảm bảo độ tin cậy của số liệu thống kê địa phương sát với tình hình thực tế.

- Thực hiện theo quy định nội dung Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

3. Nội dung nghiên cứu tập trung vào 2 nội dung chính

- Đánh giá tình hình công tác thông tin thống kê xã hội giai đoạn 2016-2020.

- Xây dựng các giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng thông tin thống kê phục vụ quản lý nhà nước về kinh tế trên địa bàn thị xã Kiến Tường giai đoạn 2021-2025.

4. Phương pháp nghiên cứu

Sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học về thông tin thống kê mà chủ yếu là các cuộc Tổng điều tra, các cuộc điều tra định kỳ, điều tra đột xuất,… trên địa bàn huyện.

5. Đối tượng, phạm vi

- Về đối tượng: Thu thập thông tin thống kê phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Về phạm vi và giới hạn: Thu thập thông tin thống kê cấp huyện, tỉnh Long An.

6. Các cơ sở pháp lý

6.1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13/02/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của luật Thống kê; Luật thống kê được Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 23/11/2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Các nội dung trên là văn bản pháp lý cao nhất và quan trọng về lĩnh vực thống kê, điều chỉnh toàn bộ hoạt động thống kê, có liên quan đến tổ chức, cá nhân cung cấp và sử dụng thông tin thống kê, tổ chức thống kê và người làm thống kê.

6.2. Chức năng, nhiệm vụ của Chi cục thống kê cấp huyện

Chức năng, nhiệm vụ của Chi cục Thống kê cấp huyện được quy định cụ thể theo Quyết định số 20/QĐ-TCTK ngày 14/01/2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Chi cục Thống kê quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Giúp Cục trưởng Cục Thống kê thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động thống kê tại địa phương; tổ chức các hoạt động thống kê theo chương trình công tác của Cục trưởng Cục Thống kê giao; cung cấp thông tin kinh tế - xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo Đảng, Chính quyền huyện và cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Thực hiện báo cáo thống kê tình hình kinh tế - xã hội tháng, quý, năm và nhiều năm; đánh giá mức độ hoàn thành một số chỉ tiêu chủ yếu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện và phân tích thống kê chuyên đề theo chương trình, kế hoạch công tác của Cục trưởng Cục Thống kê giao; cung cấp thông tin kinh tế - xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo Đảng, Chính quyền và cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Tổ chức thu thập, xử lý, tổng hợp thông tin báo cáo thống kê cơ sở, các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê theo phương án và hướng dẫn của Tổng cục Thống kê.

Tổng hợp các báo cáo thống kê và báo cáo kết quả điều tra thống kê do các phòng, ban, UBND xã và các cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn huyện cung cấp.

Biên soạn, xuất bản Niên giám thống kê và các sản phẩm thống kê khác.

Quản lý và thực hiện công bố, cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê huyện, xã cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và phân cấp của Cục trưởng Cục Thống kê.

Truy cập, khai thác, sao lưu, ghi chép các cơ sở dữ liệu thống kê ban đầu và hồ sơ đăng ký hành chính của các phòng, ban, UBND xã để sử dụng cho mục đích thống kê theo quy định của pháp luật. Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu thống kê kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật về thống kê trên địa bàn. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành, phê duyệt.

6.3. Sự cần thiết phải nâng cao chất lượng thông tin thống kê trong việc phục vụ Nhà nước về quản lý kinh tế - xã hội

Với tầm quan trọng của thông tin nói chung và thông tin thống kê nói riêng trong việc điều hành nền kinh tế - xã hội, việc nâng cao chất lượng thông tin thống kê được lãnh đạo UBND các địa phương quan tâm chỉ đạo công tác thống kê cùng với cán bộ thống kê một cách khoa học chính xác.

7. Thực trạng chất lượng thông tin thống kê phục vụ quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội huyện, thị xã, thành phố

7.1. Những kết quả đạt được

Điều tra thống kê là một trong những nghiệp vụ phổ biến trong công tác thống kê. Sau các cuộc điều tra, Chi cục đều tổ chức họp rút kinh nghiệm, đánh giá đúng mức những mặt tích cực, những điểm tồn tại trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện, đây là vấn đề rất cần thiết và hữu ích nhằm phát huy những mặt đạt được, tìm biện pháp khắc phục những hạn chế cho các cuộc điều tra tiếp theo góp phần nâng cao chất lượng thông tin thống kê đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Đảng, Nhà nước và các đối tượng dùng tin khác. Trên cơ sở thực hiện kế hoạch thông tin hàng năm do Cục Thống giao trong đó các cuộc điều tra thường xuyên, điều tra định kỳ, các cuộc Tổng điều tra sau khi thu thập xử lý thông tin tổng hợp kết quả điều tra. Số liệu được cung cấp có tác động tích cực trong việc lãnh đạo chỉ đạo điều hành kịp thời trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể các cuộc điều tra Diện tích năng suất, sản lượng vụ đông xuân, vụ hè thu, vụ mùa, vụ  thu đông, điều tra doanh nghiệp, biến động dân số, lao động việc làm, điều tra kinh tế cá thể, điều tra xây dựng cơ bản, các cuộc Tổng điều tra 5 năm một lần như điều tra Nông nghiệp nông thôn thủy sản; Tổng điều tra dân số nhà ở ( 10 năm).

- Báo cáo kinh tế - xã hội hàng tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm là sản phẩm thông tin thống kê ngoài việc đáp ứng kế hoạch thông tin cho chi cục Thống kê huyện càng không thể thiếu đối với Đảng ủy, HĐND, UBND làm căn cứ kiểm định việc chỉ đạo và đánh giá tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đơn vị đã tham mưu kịp thời với lãnh đạo địa phương về các công việc có tính chất chuyên ngành, tổng hợp và cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin kinh tế - xã hội, kết quả các cuộc điều tra, … phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, được lãnh đạo huyện đánh giá cao về tính kịp thời và phong phú của số liệu. Chi cục Thống kê huyện ngày càng tạo được sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Chính quyền tại địa phương. Vai trò của Chi cục Thống kê ngày càng được nâng cao.

7.2. Những tồn tại hạn chế

- Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện một số cuộc điều tra chưa được quan tâm đúng mức và còn hình thức.

- Việc phổ biến thông tin thống kê kinh tế - xã hội chưa kịp thời, thường xuyên; Xử lý và công bố thông tin điều tra một số cuộc điều tra tuy đúng phương án nhưng vẫn còn chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng của người dùng tin.

- Một số đơn vị không thực hiện chế độ báo cáo thống kê hoặc có thực hiện song gửi báo cáo thống kê chậm, chất lượng báo cáo chưa cao.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê ở cấp huyện, xã, phường còn hạn chế, bất cập.

8. Một số giải pháp nâng cao chất lượng thông tin thống kê phục vụ quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội đối với địa phương

- Nâng cao chất lượng điều tra thống kê đảm bảo đồng bộ từ việc thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng phương án điều tra và các tài liệu liên quan, chọn mẫu điều tra và đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền cho điều tra thống kê, chất lượng điều tra viên, tổ trưởng.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng số liệu thống kê, đảm bảo tốt thông tin kịp thời phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp, trong đó chú trọng công tác phân tích và dự báo. Phân tích thống kê chính là phân tích định lượng kết hợp với việc nhận định đánh giá sâu sắc về mặt chất của hiện tượng, thể hiện ở chỗ các nhận định, đánh giá khi phân tích được minh chứng bằng số liệu thống kê theo các thông tin bằng số đơn lẻ, hoặc dưới dạng bảng hay đồ thị thống kê nhằm phân tích thống kê có sức thuyết phục cao. Khi phân tích phải quan tâm một số vấn đề chủ yếu như: Xác định mục đích và nội dung phân tích thống kê một cách rõ ràng, cụ thể và sát với yêu cầu đặt ra; xây dựng mô hình và lựa chọn phương pháp phân tích, tùy theo mục đích phân tích và điều kiện số liệu để áp dụng các mô hình phân tích phù hợp; thu thập, tổng hợp xử lý thông tin và đánh giá số liệu phục vụ cho yêu cầu phân tích, coi trọng các thông tin bảng số, phải tiến hành kiểm tra, phát hiện sai sót, đánh giá số liệu trên nhiều góc độ và bằng nhiều hình thức khác nhau; báo cáo phân tích phải được sắp xếp theo thứ tự hợp lý, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu.

- Cán bộ làm công tác thống kê cần được trang bị đầy đủ hơn về phương pháp và kỹ năng cụ thể, nhất là đối với cán bộ thống kê cấp thị xã và phường, xã.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê.

Thời gian tới, ngành Thống kê tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thống kê trên địa bàn; chủ động tham mưu cho UBND các cấp tổ chức thực hiện giám sát phát triển bền vững địa phương đối với các tiêu chí thuộc trách nhiệm của cơ quan Thống kê và tham mưu cho UBND các cấp xây dựng kế hoạch công tác thống kê năm; tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã.

Thường xuyên giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các phương án điều tra thống kê, việc thực hiện báo cáo thống kê, báo cáo tài chính định kỳ của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thống kê; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, ngành Thống kê tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt các hoạt động thống kê, trong đó tổ chức tốt hoạt động thu thập, xử lý thông tin thống kê, làm tốt công tác biên soạn, phân tích, dự báo và phổ biến thông tin; chỉ đạo đánh giá năm đầu thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, ...

9. Tổ chức thực hiện và đánh giá hiệu quả

9.1. Tổ chức thực hiện

Ngay từ đầu năm căn cứ vào Quyết định chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể về nội dung, thời gian, loại hình báo cáo, đánh giá kết quả, điều chỉnh cho phù hợp.

9.2. Đánh giá hiệu quả và ứng dụng thực tiễn

a. Hiệu quả

Việc nâng cao chất lượng thông tin thống kê phục vụ quản lý Nhà nước về kinh tế ở thị xã thể hiện ở một số nội dung sau:

- Đảm bảo số lượng, chất lượng, thời gian nộp báo cáo theo đúng kế hoạch công tác của chi cục Thống kê giao.

 - Đáp ứng kịp thời, chính xác các yêu cầu về số liệu thống kê cung cấp cho  Đảng ủy, HĐND, UBND yêu cầu, phản ánh trung thực, toàn diện tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn thị xã giúp lãnh đạo đưa ra các quyết định đúng đắn định hướng phát triển kinh tế.

 - Độ sai số, chênh lệch số liệu giữa các ban ngành trên địa bàn huyện ngày càng được thu hẹp và đi đến thống nhất.

b. Ứng dụng thực tiễn

Từ thực tiễn hoạt động, một số giải pháp nâng cao chất lượng thông tin thống kê phục vụ quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội năm 2016-2020 nêu trong nghiên cứu được áp dụng trong phạm vi cấp huyện.

10. Kiến nghị

- Thường xuyên củng cố bộ máy thống kê từ huyện đến các phường, xã theo hướng tinh thông nghiệp vụ, có trí tuệ và đạo đức công vụ cao, tiếp tục thực hiện Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê, Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam, mà trọng tâm là công tác phương pháp chế độ thống kê.

- Đề xuất lãnh đạo địa phương có chủ trương chỉ đạo cụ thể các ban ngành và các phường, xã thực hiện đồng bộ và thường xuyên việc đổi mới này. Tăng cường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ bổ sung kiến thức mới về phương pháp luận thống kê cho cán bộ công chức thống kê, nhất là cán bộ không được đào tạo chuyên ngành thống kê, cán bộ thống kê xã, phường.

Qua nghiên cứu "Một số giải pháp nâng cao chất lượng thông tin thống kê phục vụ quản lý Nhà nước về kinh tế  - xã hội"  giúp cho cán bộ làm công tác thống kê hiểu một cách sâu sắc hơn những vấn đề các thông tin thống kê và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.

 

image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1