image banner
Kinh tế Long An năm 2016 và triển vọng năm 2017

​Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, là năm khởi động 02 chương trình đột phá và 03 công trình trọng điểm được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020).

Trong điều kiện khó khăn và thuận lợi đan xen, kết quả đạt được trong năm 2016 thể hiện sự năng động, vượt khó của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân. Đã thực hiện đạt và vượt 21/22 chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy và Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh.

1. Tăng trưởng GRDP năm 2016

Năm 2016, ước tăng trưởng GRDP của tỉnh là 9%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh.

Xét tổng thể, tăng trưởng GRDP 2016 đạt mục tiêu nhưng không đồng bộ: khu vực II vượt kế hoạch (thực hiện 14,2%/ KH 13%) còn khu vực I và khu vực III không đạt (khu vực I: thực hiện 0,6%/ KH 2,7%; khu vực II: thực hiện 7,9%/ KH 8,2%).

1.1. Khu vực I chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu

Khu vực I chỉ tăng trưởng 0,6% là do sản lượng lúa mùa và lúa đông xuân 2016 đồng loạt giảm sâu so cùng kỳ và do nuôi trồng thủy sản nước lợ (tôm sú, tôm thẻ) gặp nhiều khó khăn khiến sản lượng sụt giảm.

Tác động bất lợi của thời tiết (hạn, mặn) khiến cho lúa mùa và đông xuân 2016 bị thiệt hại rất nặng. Năng suất lúa mùa giảm 12% (-4,3 tạ/ha), sản lượng giảm 69,7% (-12.562 tấn); năng suất lúa đông xuân giảm 8,6% (-5,8 tạ/ha), sản lượng giảm 10,4% (-163.272 tấn).

Đối với lúa đông xuân, hầu hết các huyện đều sụt giảm năng suất và sản lượng; trong đó, các huyện phía nam bị ảnh hưởng nặng hơn.  Sản lượng các huyện phía nam giảm 22,3%, các huyện đồng tháp mười giảm 7,2%.  Có khoảng 11 nghìn hộ nông dân với diện tích gần 6.400 ha bị ảnh hưởng nặng, tập trung ở các huyện vùng hạ của tỉnh.

Tình hình hạn, mặn gây khó khăn không những đối với cây lúa mà còn làm giảm năng suất của các cây trồng khác, kể cả cây hàng năm, cây lâu năm và đồng cỏ chăn nuôi.

Kết quả năm 2016  khu vực I có tăng trưởng dương là một cố gắng lớn.

1.2. Khu vực II phát triển tốt là kết quả của quá trình đầu tư lâu dài

Với quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngay từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI (1996-2000) đã xác định vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và tại đây hình thành các khu công nghiệp để thu hút đầu tư.  Liên tiếp trong 3 kỳ Đại hội tỉnh Đảng bộ, từ Đại hội lần thứ VIII đến thứ X, đều xây dựng các Chương trình đột phá nhằm tạo động lực phát triển công nghiệp.  Từ  năm 1997 đến nay toàn tỉnh đã hình thành 28 khu công nghiệp và 32 cụm công nghiệp.  Đã có 16/28 khu công nghiệp, 14/32 cụm công nghiệp đi vào hoạt động (tỉ lệ lấp đầy đối với khu công nghiệp là 66,2% và cụm công nghiệp là 88,4%

Sự hiện diện của các khu, cụm công nghiệp đã tạo nền tảng vững chắc để tỉnh Long An duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp hàng năm ở mức 2 chữ số. Năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng 13,4%, trên 85% nhóm sản phẩm có sản lượng sản xuất tăng so năm trước.  Quy mô nền công nghiệp của tỉnh tăng lên nhanh chóng, năm 2016 chạm ngưỡng 190 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành) và vượt ngưỡng 150 nghìn tỷ đồng (giá so sánh năm 2010).  Công nghiệp đóng góp trên 66% vào tăng trưởng GRDP năm 2016. 

1.3. Khu vực III chưa xuất hiện điểm sáng, nếu có, chỉ mới là tiềm năng

Kinh tế dịch vụ của tỉnh Long An phát triển chậm, chưa có điểm nổi trội, chưa có nguồn lực mới, đủ mạnh để tạo động lực.  Các công trình được kỳ vọng như Cảng Long An, khu du lịch Happy Land chưa đi vào hoạt động.   Sức hấp thu vốn của các doanh nghiệp trong tỉnh khá hạn chế, khiến hoạt động tín dụng tăng trưởng thấp.  Hoạt động thông tin-truyền thông,  kinh doanh bất động sản chạm ngưỡng bảo hòa về cung – cầu.  

Trong khu vực III có khoảng 20% là từ đóng góp của Thuế sản phẩm (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, …) nhưng mức tăng của những khoản thuế này không cao.  Trong đó thu thuế XNK chỉ tăng 8%, còn thu từ xổ số kiến thiết giảm 8,5% so cùng kỳ.

2. Triển vọng phát triển năm 2017

Với kết quả đạt được trong năm 2016, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2017 là 9,2%, trong đó khu vực I tăng 1,5%, khu vực II tăng 13,5% và khu vực III tăng 8,0%.

Kế hoạch tăng trưởng GRDP 2017 phù hợp với mục tiêu của cả giai đoạn 2016-2020 (9,0% - 9,5%) và cân đối với khả năng, tiềm lực hiện có của nền kinh tế.

​2.1. Khu vực I tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn

Xu hướng chung hiện nay là chuyển nền nông nghiệp từ gia tăng sản lượng sang giữ ổn định sản lượng và từng bước nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, việc nâng chất lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp đòi hỏi phải có quá trình thời gian và trong giai đoạn chuyển tiếp phải chấp nhận đánh đổi tăng trưởng. Với mục tiêu không tăng sản lượng lương thực nhưng phải có tăng trưởng, ngành nông nghiệp phải giải một bài toán khó. 

Kế hoạch sản lượng lúa năm 2017 là  2,8 triệu tấn, trong đó 1 triệu tấn lúa chất lượng cao (tăng 50 nghìn tấn lúa chất lượng cao so với năm 2016).   Sản lượng lúa như trên chỉ mới đóng góp cho khu vực I tăng trưởng khoảng 0,25% trong năm 2017. Trong khi đó, cây lúa chiếm đến 57,5% giá trị tăng thêm của khu vực I; ngoài sự phát triển nóng của cây chanh, thanh long, khu vực I không còn tiềm lực chi phối có tăng trưởng cao.  Bên cạnh đó, một số hoạt động trong khu vực I đối diện với nhiều khó khăn: nuôi thủy sản nước lợ (tôm sú, tôm thẻ)  không còn là động lực tăng trưởng của khu vực I; chi phí sản xuất có xu hướng tăng cao; phát triển cánh đồng lớn đang chậm lại; thách thức về biến đổi khí hậu, hạn mặn, diễn biến khí hậu cực đoan sẽ trở nên thường xuyên, là mối lo thường trực.

Nền nông nghiệp cần có thời gian để tái cơ cấu, chuyển đổi từ sản lượng sang chất lượng, tiến tới sự phát triển bền vững, hiệu quả.  Xác định tăng trưởng ở mức độ vừa phải là lựa chọn hợp lý đối với khu vực I.

2.2. Khu vực II có dư địa để giữ vững nhịp độ phát triển 2 chữ số

Mục tiêu của cả giai đoạn 2016-2020 khu vực II tăng bình quân 12,6 - 13,3%/năm.  Năm 2016 ước thực hiện 14,2%/KH 13%.  Kế hoạch 2017 là 13,5%.

Kế hoạch tăng trưởng khu vực II tuy thấp hơn số ước thực hiện 2016 nhưng cao hơn mức phấn đấu bình quân 5 năm 2016-2020 và cao hơn kế hoạch năm 2016.  Mức tăng 13,5% trong 2017 là tương xứng với năng lực của ngành công nghiệp và phù hợp với chủ trương kiểm soát chặt chẽ đầu tư công và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.

Tuy có mức tăng trưởng cao nhưng bản thân khu vực II cũng không phải là hoàn toàn thuận lợi.  Trong năm năm 2016 một số doanh nghiệp quy mô lớn thuộc các ngành giày da, chế biến thủy sản, đóng tàu, sản xuất bình accu, … gặp khó khăn về đầu ra, kim ngạch xuất khẩu giảm hơn cùng kỳ. Mặt khác, đầu tư công tạo tiền đề để thu hút vốn đầu tư xã hội, có đóng góp khoảng 12% trong giá trị của ngành xây dựng.  Nguồn vốn đầu tư công năm 2017 chỉ bằng 93,1% so năm 2016.  Nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công trong năm 2017 đặt ưu tiên số một cho việc thanh toán nợ đọng và hoàn vốn ứng trước.  Điều này có nghĩa khối lượng xây dựng mới sẽ giảm đi, tăng trưởng ngành xây dựng chậm lại.

2.3. Khu vực III duy trì mức tăng như năm 2016 là thành công

Khu vực III của tỉnh không thể có tăng trưởng cao là do cầu tiêu dùng sản phẩm dịch vụ không tăng.  Kinh tế du lịch chậm phát triển, không thu hút được khách tiêu dùng ngoài tỉnh. Đồng thời các hoạt động dịch vụ cơ bản của tỉnh (y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, …) bị cạnh tranh và sức hút của Thành phố Hồ Chí Minh nên khó phát triển.

Năm 2017 Cảng Long An sẽ đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng khu vực III.  Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu sẽ chưa khai thác hết công suất, tăng trưởng không nhiều. Các ngành dịch vụ khác chưa có đặc điểm nổi trội để thúc đẩy tăng trưởng mạnh. 

Tóm lại, trong năm 2017, tỉnh Long An cần tiếp tục khai thác triệt để các lợi thế và cơ hội, đồng thời tính đến các yếu tố bất lợi tiềm tàng, chuẩn bị các phương án xử lý kịp thời, đưa kinh tế của tỉnh phát triển đạt mục tiêu đề ra./.​

image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1