image banner
THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021

Nửa đầu năm 2021, triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện rõ rệt sau khi các quốc gia triển khai vắc-xin hiệu quả và đối phó tốt hơn với dịch Covid-19. Ngân hàng thế giới, Liên minh châu Âu và các tổ chức quốc tế khác đã đưa ra dự báo khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu[1]. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa tỷ lệ tiêm chủng của các nền kinh tế phát triển với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đã làm kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều và mong manh.

Trong nước, làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 đã bùng phát trở lại và tác động xấu hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Nhiều địa phương trong cả nước phải thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, đồng thời triển khai tiêm vắc-xin với quy mô lớn để phòng và hạn chế dịch bệnh lây lan. Tại Long An với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhờ vậy kinh tế - xã hội tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tình hình cụ thể như sau:

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 6,06% so với cùng kỳ năm trước[2] (cùng kỳ tăng 4,34%). Đây là mức tăng thấp (chưa đạt như kỳ vọng) nhưng là mức tăng tương đối tốt trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long[3] (thứ 3/13) và các tỉnh trọng điểm phía Nam[4] (thứ 4/8).

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài. Tình hình địa chính trị leo thang và bất ổn chính sách gia tăng trên toàn cầu. Dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi luôn tiềm ẩn rủi ro bùng phát. Với các yếu tố chủ yếu trên đã tác động tiêu cực đến kinh tế trong nước và của tỉnh, kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 trên 6% đã khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Trong mức tăng trưởng chung của tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,11% (6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,52%), đóng góp 0,58 điểm % vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,44% (cùng kỳ tăng 6,07%), đóng góp 3,12 điểm %; khu vực dịch vụ tăng 7,24% (cùng kỳ tăng 2,05%), đóng góp 1,94 điểm %; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,90% (cùng kỳ tăng 6,82%), đóng góp 0,42 điểm %.

- Khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản): ước tăng 3,11% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,52%). Khu vực I đạt tốc độ tăng trưởng khá, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ là do trong 6 tháng đầu năm, điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi; người dân thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn do đó hạn hán và xâm nhập mặn không gây thiệt hại nhiều cho sản xuất; cây trồng chủ lực tiếp tục phát triển và đem lại hiệu quả như lúa, đặc biệt là cây lúa vụ đông xuân, năng suất thu hoạch toàn vụ đạt 6,65 tấn/ha, tăng 2,5%; sản lượng thanh long ước tăng 2,1% so với cùng kỳ; sản lượng chanh ước tăng 20,9% so cùng kỳ,... Nuôi trồng thủy sản (nuôi cá tra thương phẩm, nuôi tôm) tiếp tục mang lại hiệu quả, sản lượng ước tăng 13,4%.

- Khu vực II (công nghiệp - xây dựng): tăng 6,44% so cùng kỳ (tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020, cùng kỳ tăng 6,07%). Trong 6 tháng đầu năm 2021, một số ngành trong khu vực II có dấu hiệu phục hồi nhanh như ngành sản xuất và phân phối điện tăng 14,91%, ngành xây dựng tăng 10,47% do có sự tham gia của một số doanh nghiệp, đơn vị mới đi vào hoạt động đồng thời đây là những ngành ít bị tác động của dịch bệnh Covid-19; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh (chiếm 44,4%) nhưng có bước phục hồi chậm hơn (tăng 5,94% so cùng kỳ) do dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường trong khi chi phí sản xuất của doanh nghiệp không ngừng tăng lên đã ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của ngành.

- Khu vực III (thương mại-dịch vụ) tăng 7,24% (tăng khá cao so với cùng kỳ, cùng kỳ tăng 2,05%). Trong những tháng đầu năm, các hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra ổn định, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao, ngành thương mại ước tính tăng 10,23%. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5 và đầu tháng 6 khi tỉnh Long An xuất hiện những ca mắc Covid-19 đầu tiên thì hầu hết các hoạt động dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn tỉnh đã tạm dừng để tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đã ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất của khu vực.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) chiếm tỷ trọng 17,52% GRDP; khu vực II (công nghiệp và xây dựng) chiếm 49,11%; khu vực III (thương mại và dịch vụ) chiếm 27,48%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,89% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ 6 tháng năm 2020 là: 17,50%; 49,16%; 27,48%; 5,86%).

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, hạn hán và xâm nhập mặn không diễn ra gay gắt như cùng kỳ năm trước. Sản lượng và giá cả sản phẩm một số cây trồng chủ yếu của tỉnh tăng khá. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cơ bản được kiểm soát chặt chẽ, kịp thời.

a. Nông nghiệp   

Tổng diện tích xuống giống (vụ mùa và vụ đông xuân) là 227.601 ha, giảm 0,6% so với cùng kỳ. Đã thu hoạch xong, diện tích thu hoạch đạt 227.575 ha, giảm 0,3% so với cùng kỳ. Năng suất thu hoạch đạt 66,3 tạ/ha, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch đạt 1.508.350 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ, trong đó lúa đặc sản đạt 874.355 tấn, chiếm 58% sản lượng thu hoạch, tăng 4,7% so cùng kỳ.

Một số cây hàng năm khác vụ đông xuân 2020-2021: Rau các loại trồng được 5.627,5 ha, giảm 1,7% so cùng kỳ; sản lượng đạt 112.228,7 tấn (tăng 0,9%). Cây bắp trồng được 258,9 ha (giảm 23,7%); sản lượng 1.179,6 tấn (giảm 40,5%). Cây đậu phộng trồng được 243,6 ha (tăng 9%); sản lượng đạt 761,7 tấn (tăng 4,1%). Mía trồng được 62,1 ha (giảm 87,1%); sản lượng đạt 3.668,8 tấn (giảm 86,7%).

Một số cây lâu năm chủ yếu

- Cây thanh long: Diện tích ước tính là 11.801 ha, giảm 0,2% so cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 164.858,6 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Sản lượng tăng thấp là do giá bán trong 6 tháng đầu năm 2021 không ổn định có giai đoạn xuống thấp, nông dân giảm đầu tư, giảm diện tích xông đèn.

- Cây chanh: Diện tích hiện có 10.973,1 ha, tăng 1,3% so cùng kỳ. Sản lượng ước đạt 81.044,2 tấn, tăng 20,9% so cùng kỳ. Sản lượng tăng do diện tích đến kỳ cho sản phẩm tăng và do 6 tháng đầu năm 2020 bị ảnh hưởng hạn, mặn nên năng suất giảm, năm nay đầy đủ nguồn nước tưới, chanh có giá, nông dân đầu tư chăm sóc tốt, cho năng suất khá hơn cùng kỳ.

Ngoài ra còn một số cây trồng khác như: cây xoài diện tích ước có 709,9 ha (giảm 2,1% so cùng kỳ); sản lượng ước đạt 2.414,1 tấn (tăng 1,5%). Cây dứa (thơm) diện tích hiện có 929,8 ha (tăng 0,9%); sản lượng ước đạt 10.343,6 tấn (tăng 6,7%). Cây dừa diện tích ước tính là 1.524,4 ha (tăng 2,8%); sản lượng ước đạt 9.767,5 tấn (tăng 6,8%). Cây mai diện tích ước tính là 1.916 ha (tăng 1,3%); sản lượng ước đạt 403.384,5 cây/cành (giảm 18,8%). Cây chuối diện tích ước có 724,5 ha (tăng 2,6%); sản lượng ước đạt 4.154,7 tấn (tăng 10,1%).

Tại thời điểm 01/4/2021, đàn trâu có 6.035 con (giảm 19,1% so cùng thời điểm năm trước); đàn bò có 112.657 con (giảm 0,7%), trong đó: bò sữa là 19.142 con (giảm 1.000 con); đàn dê có 7.835 con (giảm 0,8%); đàn heo có 86.206 con (tăng 45,3%); đàn gia cầm có 9.343,49 ngàn con (tăng 1,6%), trong đó: gà là 7.586,62 ngàn con (tăng 7,4%).

Ước 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng là 245 tấn (giảm 1,8% so cùng kỳ); bò là 2.601,6 tấn (tăng 4,1%); dê là 45 tấn (tăng 7,4%); lợn là 8.952 tấn (tăng 4,8%); gia cầm là 19.874,62 tấn (tăng 5,7%), trong đó gà là 15.640,46 tấn (tăng 13,3%). Sản lượng trứng gia cầm 301,06 triệu quả (tăng 45,1%), trong đó gà là 256,48 triệu quả (tăng 51,7%); sản lượng sữa bò tươi là 19.006,7 tấn (tăng 5,4%).

b. Lâm nghiệp

Diện tích rừng hiện có của tỉnh là 22.605,58 ha, gồm: rừng sản xuất là 18.557,51 ha, rừng đặc dụng là 1.961,44 ha và rừng phòng hộ là 2.086,63 ha. Rừng của tỉnh chủ yếu là rừng tràm, tràm bông vàng, bạch đàn có thời gian sinh trưởng từ 5 - 7 năm cho thu hoạch sản phẩm (cừ xây dựng và gỗ tạp). Trong 6 tháng đầu năm 2021, trồng rừng trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư tăng, giá gỗ xuống thấp, chủ yếu trồng lại trên diện tích đã khai thác khoảng 675 ha, tăng 2,8% so cùng kỳ.

 Có 2.765,6 ha rừng được chăm sóc, tăng 1,0% so cùng kỳ. Chủ yếu là chăm sóc trên diện tích mới khai thác và trồng lại trong những năm gần đây (rừng sản xuất là 2.745 ha, rừng phòng hộ là 2 ha và rừng đặc dụng là 18,6 ha). Tổng lượng gỗ khai thác ước đạt 69.775 m3 (tăng 0,5% so cùng kỳ), củi ước đạt 129.795 ster (tăng 1,4%), tre ước đạt 955 nghìn cây (giảm 1,5%). Công tác phòng chống cháy rừng được tập trung thực hiện; từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra cháy rừng.

c. Thủy sản

Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 36.029,7 tấn, tăng 6,3% so cùng kỳ. Bao gồm: Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 3.524,0 tấn, giảm 32,6% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác biển 6 tháng đầu năm ước đạt 1.754,5 tấn (giảm 50,4%), sản lượng giảm do số lượng tàu khai thác biển giảm, khai thác chủ yếu ven bờ trong khi sản lượng cá, tôm, mực ngày càng khan hiếm; sản lượng khai thác nội địa ước đạt 1.769,5 tấn (tăng 4,6%). Sản lượng thủy sản nuôi trồng nội địa ước đạt 32.505,7 tấn, tăng 13,4% so cùng kỳ. Trong đó: tôm sú sản lượng ước đạt 629,8 tấn (tăng 2,2%); tôm thẻ chân trắng sản lượng ước đạt 6.379,5 tấn (tăng 7,6%); cá tra nuôi công nghiệp sản lượng ước đạt 16.115 tấn (tăng 19,9%).

3. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 6,87% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,50%, công nghiệp điện tăng 15,85% và công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải tăng 10,19%.

Lũy kế đến cuối tháng 6 năm 2021 có 48/73 nhóm sản phẩm có tốc độ tăng so cùng kỳ, trong đó: 14 nhóm sản phẩm tăng trên 20% như Bộ phận của thiết bị phân phối và điều khiển điện (tăng 68,38%); Dịch vụ phụ thuộc liên quan đến in (tăng 45,11%); Bia đóng chai (tăng 35,11%); Sợi xe từ các loại sợi tự nhiên (tăng 33%); Dây cách điện đơn dạng cuộn bằng đồng (tăng 25,72%); Sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm (tăng 24,9%); Thức ăn cho thủy sản (tăng 24,87); Vải dệt thoi từ sợi tơ (filament) tổng hợp (tăng 23,74%)… Số nhóm sản phẩm có tốc độ giảm là 25/73 nhóm, tập trung chủ yếu là sản phẩm in khác (giảm 53,60%); Ba lô (giảm 46,50%); Sợi từ bông nhân tạo (giảm 29,58%); Thiết bị và dụng cụ khác dùng trong y khoa (giảm 37,53%); Dịch vụ sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế, nha khoa (giảm 31,74%); Túi xách (giảm 28,73%); Thuốc lá có đầu lọc (giảm 26,56%); Dầu và mỡ bôi trơn (giảm 21,69%); Dịch vụ sản xuất hóa dược và dược liệu (giảm 15,42%); Áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc (giảm 11,14%),...

4. Hoạt động doanh nghiệp

Đầu tư trong nước: Trong 6 tháng đầu năm 2021, thành lập mới 816 doanh nghiệp, với tổng số vốn 13.196 tỷ đồng; so với cùng kỳ tăng 24,9% về số lượng doanh nghiệp mới thành lập, tăng 34,0% về vốn đăng ký; giải thể 113 doanh nghiệp, tăng 2,0% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh 188 doanh nghiệp, giảm 6,0% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại: 157, tăng 69,0% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm, cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 77 dự án với số vốn đăng ký 5.556,1 tỷ đồng, 2 dự án tăng vốn 109 tỷ đồng, tổng cấp mới và tăng vốn tăng 20 dự án và vốn đăng ký giảm 3.777,8 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Đầu tư nước ngoài: Trong 6 tháng đầu năm, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 30 dự án, tổng vốn đăng ký là 3.229,6 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn cho 20 dự án với vốn đầu tư tăng thêm là 74,65 triệu USD, tổng cấp mới và tăng vốn giảm 19 dự án và tăng 3.034,9 triệu USD vốn đầu tư so với cùng kỳ.

5. Đầu tư phát triển

Tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 19.887,8 tỷ đồng, tăng 9,5% so cùng kỳ năm trước và chiếm 29,7% GRDP (6 tháng đầu năm 2020 chiếm 29,5%), bao gồm: Vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.619,1 tỷ đồng, giảm 3,9%; Vốn ngoài nhà nước ước đạt 12.584,8 tỷ đồng, tăng 11,3%; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 4.683,9 tỷ đồng, tăng 13,3%.

6. Thương mại, giá cả

a. Nội thương

Ước 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 50.375,4 tỷ đồng, tăng 17,1% so cùng kỳ. Trong đó: bán lẻ hàng hóa ước đạt 42.834,5 tỷ đồng, tăng 15,0%; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 4.717,2 tỷ đồng, tăng 32,1%; dịch vụ khác ước đạt 2.823,7 tỷ đồng, tăng 27,9%.

b. Giá cả

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước. Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, trong đó: nhóm Giao thông tăng 7,40%; nhóm Giáo dục tăng 5,82%; nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 5,01%; nhóm May mặc, mũ nón, giày dép tăng 4,43%; nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,22%; nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,83%; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,73%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,24%; nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,08%. Nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,23%; nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,36%;

7. Vận tải, du lịch

a. Vận tải: Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong nước đã tác động trực tiếp tới hoạt động vận tải của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021, trong đó vận tải hành khách chịu ảnh hưởng lớn khi lượng khách vận chuyển giảm 5,65% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1.315,79 tỷ đồng, tăng 8,45% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách là 317,38 tỷ đồng, giảm 4,49%; vận tải hàng hóa là 621,49 tỷ đồng, tăng 6,59%. Khối lượng vận chuyển hành khách là 18.281,7 nghìn lượt người, giảm 5,6% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hành khách là 468.540,6 nghìn người.km, giảm 7,3%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa là 7.599,4 nghìn tấn, tăng 5,6% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hàng hóa là 596.446 nghìn tấn.km, tăng 6,0%.

b. Du lịch: Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài nên hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đều tạm dừng hoạt động, lượng khách du lịch giảm mạnh. Ước 6 tháng đầu năm 2021, khách du lịch đến Long An chỉ đạt 270.000 lượt khách (không có khách du lịch quốc tế), giảm 17% so với cùng kỳ, doanh thu ước đạt 140 tỷ đồng (giảm 5%).

8. Tài chính, tiền tệ

a. Tài chính: Thu ngân sách nhà nước đến ngày 25/6/2021 đạt 10.623,1 tỷ đồng, bằng 68,2% dự toán giao và tăng 33,3% so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa đạt 8.337,0 tỷ đồng, bằng 66,3% dự toán giao và tăng 24,6% so cùng kỳ (thu xổ số kiến thiết 949,9 tỷ đồng, bằng 63,3% dự toán giao và tăng 10,9% so cùng kỳ); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 2.286,1 tỷ đồng, bằng 76,2% dự toán giao và tăng 78,8% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 6.111,7 tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán giao và giảm 13,2% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 2.809,2 tỷ đồng, bằng 64,7% dự toán giao và giảm 21,5% so cùng kỳ; chi thường xuyên là 3.302,1 tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán giao và giảm 4,6% so cùng kỳ.

b. Tiền tệ: Tổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 6/2021 ước đạt 81.025 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm và tăng 14,7% so cùng thời điểm năm trước; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 90.950 tỷ đồng, tăng 11,0% so với đầu năm và tăng 23,4% so cùng thời điểm năm trước, trong đó: nợ xấu 540 tỷ đồng, tăng 14,9% so với đầu năm và giảm 20,8% so với cùng thời điểm năm trước.

9. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Trong 6 tháng đầu năm 2021, chính sách người có công và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, không phát sinh hộ đói. Công tác chăm lo, nuôi dưỡng các đối tượng khó khăn, cơ nhỡ được quan tâm. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh giảm 28 hộ nghèo so với đầu năm 2021.

10. Giáo dục

Trong 6 tháng đầu năm 2021, quy mô giáo dục trong tỉnh tiếp tục được sắp xếp, củng cố về mạng lưới trường, lớp và nâng cao về chất lượng hoạt động. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường, từng bước đáp ứng nhu cầu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới, từng bước đáp ứng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ngoại ngữ, tin học và mở rộng thực hiện lớp 2 buổi/ngày, lớp bán trú ở những nơi có điều kiện.

11. Y tế

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 14 giờ ngày 24/6/2021, trên địa bàn tỉnh có 63 ca nhiễm Covid-19 (trong đó, có 48 ca mắc trong cộng đồng, 15 ca nhập cảnh được cách ly ngay). Tổng số người cách ly là 21.974 người, trong đó: Số người cách ly tại cơ sở cách ly tập trung là: 5.755 người (590 người hiện đang cách ly và 5.165 người đã hoàn thành cách ly). Số người cách ly tại nhà, nơi lưu trú là: 16.219 người (3.688 người đang theo dõi cách ly và 12.531 người đã hoàn thành cách ly).

Một số bệnh truyền nhiễm khác được ghi nhận đến cuối tháng 5 năm 2021 như: Bệnh sốt xuất huyết 975 ca (tăng 55,5% so với cùng kỳ); bệnh tay chân miệng 1.791 ca (bằng 8 lần so với cùng kỳ); bệnh thủy đậu 173 ca (tăng 20,1%); bệnh lao phổi 252 ca (giảm 11,8%); bệnh cúm mùa 4.585 ca (giảm 7,1%).

Tổng số ca nhiễm HIV được phát hiện từ đầu năm đến cuối tháng 5 năm 2021 là 121 ca, tăng 5 ca so với cùng kỳ. Số bệnh nhân còn sống đang được quản lý là 3.036 nội tỉnh và 445 ca ngoại tỉnh. Trong 5 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

12. Lao động việc làm

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm luôn được tỉnh chú trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, có 70 lao động của tỉnh sang nước ngoài làm việc chủ yếu tại Nhật Bản và Đài Loan; thực hiện cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài: cấp mới 284 lao động, cấp lại 63 lao động; thẩm định thỏa ước lao động tập thể 20 doanh nghiệp, nội quy 110 doanh nghiệp.

Có 13.385 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, trong đó xét duyệt 11.472 người; chi trợ cấp thất nghiệp 228,6 tỷ đồng; 111 người được hỗ trợ học nghề; 67.472 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh tuyển sinh đào tạo được 9.286 lao động, đạt 36,13% kế hoạch (77 cao đẳng, 3 trung cấp, 3.135 sơ cấp, 6.071 dạy nghề dưới 3 tháng).

13. Văn hóa - thể thao

a. Văn hóa: Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19; tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 với các hình thức tuyên truyền trực quan, thông tin lưu động, phát hành tờ tin ảnh thời sự và bài tuyên truyền cổ động trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố.

Trong dịp Tết Nguyên đán và thời điểm quý II/2021, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nên hầu hết các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật phải tạm dừng để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

b. Thể thao: Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển thể thao thành tích cao giai đoạn I (năm 2020 - 2022) đạt được một số kết quả như có 5 VĐV môn bơi, điền kinh, bóng chuyền nam đang tập trung đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho Seagames 31; tuyển sinh bổ sung VĐV môn Bắn cung, Đua thuyền và Bi sắt; tham dự các giải thể thao như Giải Bơi vô địch quốc gia bể 25m tại Thừa Thiên Huế, Giải Điền kinh Cúp tốc độ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Vòng 1 Giải Bóng chuyền Vô địch quốc gia năm 2021 đạt 5 HCV, 8 HCB, 17 HCĐ.

14. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường

a. Cháy, nổ: Trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy (giảm 3 vụ so cùng kỳ năm trước); không có người chết và bị thương; tổng giá trị thiệt hại của 3 vụ là 1.830 triệu đồng.

b. Bảo vệ môi trường: Trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử phạt 17 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường (giảm 6 vụ so với cùng kỳ năm trước); tổng số tiền phạt là 3.000 triệu đồng (giảm 967 triệu đồng). 

15. Tai nạn giao thông

Trong 6 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 72 vụ tai nạn giao thông (giảm 7 vụ so cùng kỳ năm trước); làm chết 43 người (giảm 7 người); bị thương 42 người (giảm 3 người).



[1] Ngân hàng Thế giới và Liên minh châu Âu đều dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 đạt 5,6%, tốc độ tăng mạnh nhất sau suy thoái. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự báo GDP toàn cầu tăng 5,8% trong năm 2021. Theo Fitch Ratings, dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 6,3% trong năm 2021, cao hơn mức dự báo trong tháng 3/2021 (6,1%). Liên hợp quốc nhận định sau khi giảm 3,6% trong năm 2020, nền kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng 5,4% năm 2021, tăng 0,7 điểm phần trăm so với mức dự báo 4,7% đưa ra trong báo cáo phát hành vào tháng 1/2021.

[2] Theo công văn số 746/TCTK-TKQG, ngày 30 tháng 5 năm 2021 của Tổng Cục Thống kê.

[3] Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long: Bạc Liêu tăng 7,17%; Bến Tre tăng 6,47%; Long An tăng 6,06%; Hậu Giang tăng 5,99%; An Giang tăng 5,79%; Cần Thơ tăng 5,61%; Trà Vinh tăng 5,32%; Kiên Giang tăng 4,52%; Vĩnh Long tăng 4,49%; Đồng Tháp tăng 4,44%; Sóc Trăng tăng 3,77%; Tiền Giang tăng 3,31%; Cà Mau tăng 1,52%.

[4] Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 các tỉnh trọng điểm phía Nam: Bình Dương tăng 7,23%; Tây Ninh tăng 7,04%; Bình Phước tăng 6,16%; Long An tăng 6,06%; Đồng Nai tăng 5,74%; Thành phố HCM tăng 5,46%; Tiền Giang tăng 3,31%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 4,69%


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1