image banner
Thông cáo báo chí tình hình kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2023

Năm 2023, kinh tế - xã hội diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường, nhất là diễn biến xung đột Nga – U-krai-na kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung lương thực dự trữ của các quốc gia; đẩy giá năng lượng, dịch vụ, hàng hóa thiết yếu tăng cao; áp lực lạm phát, thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm. Ở trong nước, mặt dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là bối cảnh thế giới, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ chương trình phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội nên tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng phục hồi tích cực. Đối với tỉnh Long An, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn của địa phương; tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ đó tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có xu hướng phục hồi và đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả cụ thể từng lĩnh vực như sau:

1. Tổng sản phẩm trong tỉnh

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước cả năm 2023 tăng 5,77%[1], trong đó, khu vực I (nông, lâm, thủy sản) tăng 4,12%; khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng 6,91%; khu vực III (thương mại, dịch vụ) tăng 5,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,99%[2]. Dù chưa đạt được kỳ vọng, thấp hơn mức kế hoạch đề ra nhưng đây là mức tăng trưởng tích cực, đứng thứ 7/13[3] tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 5/8[4] tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía nam, trong quý IV mức tăng trưởng đạt 8,22% đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các quý của năm 2023.

 Tốc độ tăng trưởng các quý năm 2022 và năm 2023

1.12.23.jpg

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong năm 2023 gặp nhiều thuận lợi ước tăng 4,12% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,30%), đóng góp 0,67 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP. Trong đó: nông nghiệp ước tính tăng 4,02% (cùng kỳ giảm 0,07%); lâm nghiệp ước tăng 3,53% (cùng kỳ tăng 1,40%); thủy sản ước tính tăng 5,53% (cùng kỳ tăng 21,71%).

Khu vực công nghiệp và xây dựng trên địa bàn tỉnh có xu hướng phục hồi tích cực hơn. Ngành công nghiệp năm 2023 ước tăng 7,17% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 11,21%), đóng góp 3,46 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 7,19% (cùng kỳ tăng 11,37%), đóng góp 3,18 điểm phần trăm. Ngành xây dựng cả năm đạt 4,10% (năm 2022 tăng 5,21%).

Khu vực dịch vụ cho thấy đà phục tốt, tăng trưởng của cả khu vực đạt 5,33% (cùng kỳ tăng 9,23%), đóng góp 1,45 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP. Một số ngành dịch vụ có mức đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng chung trong năm nay như: ngành thương mại ước tăng 8,02% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 13,33%), đóng góp 0,51 điểm phần trăm; ngành vận tải tăng 12,46%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 11,91%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,31%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm; ngành hoạt động của Đảng cộng sản, tổ chức chính trị- xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, bảo đảm xã hội bắt buộc tăng 6,92%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm;… Thông tin và truyền thông và ngành kinh doanh bất động sản là 2 ngành có mức suy giảm trong năm 2023 với mức giảm lần lượt là: 0,3% và 0,7%. Một số ngành dịch vụ còn lại duy trì được mức tăng trưởng ổn định so cùng kỳ.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,27% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 51,34%; khu vực dịch vụ chiếm 27,23%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,16% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là: 14,86%; 52,25%; 26,61%; 6,28%).

GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2023 đạt 96,42 triệu đồng, tăng 6,98% so với năm 2022.

Cơ cấu GRDP năm 2023 chia theo khu vực

2.12.23.jpg

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong năm 2023 mặc dù còn tìm ẩn nhiều rủi ro về thời tiết biến đổi bất thường, sâu bệnh; tuy nhiên, nhờ các yếu tố thị trường nên ngành nông nghiệp có nhiều khởi sắc. Giá các yếu tố đầu vào giảm hơn cùng kỳ năm 2022, đồng thời giá các sản phẩm chính như: lúa, chanh, khoai mỳ tăng mạnh. Chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ. Hoạt động nuôi trồng thủy sản tiếp tục được duy trì.

a. Nông nghiệp        

Cây lúa: Tổng diện tích xuống giống năm 2023[5] (gồm vụ mùa 2022-2023, vụ đông xuân 2022-2023, vụ hè thu 2023 và vụ thu đông 2023) đạt 516.299,62 ha, tăng 1,42% so cùng kỳ năm trước; năng suất gieo trồng đạt 59,49 tạ/ha, tăng 5,85%; sản lượng thu hoạch đạt 3.071.708 tấn, tăng 7,36%.

Diện tích gieo trồng lúa năm 2023

(so với năm trước)

3.12.2023.jpg

Một số cây hàng năm khác: Cây mía trồng được 65,5 ha (tăng 146,89% so cùng kỳ), năng suất đạt 252,92 tạ/ha (giảm 37,86%), sản lượng đạt 1.656,6 tấn (tăng 53,42%); cây bắp trồng được 310,4 ha (tăng 2,39% so cùng kỳ), năng suất đạt 36,98 tạ/ha (giảm 32,70%), sản lượng đạt 1.147,75 tấn (giảm 31,09%); cây đậu phộng trồng được 144,40 ha (giảm 15,7% so cùng kỳ), năng suất đạt 30 tạ/ha (giảm 0,56%), sản lượng đạt 433,2 tấn (giảm 16,18%); cây mỳ (sắn) trồng được 735,71 ha (tăng 5,11% so cùng kỳ), năng suất đạt 119,25 tạ/ha (tăng 32,12%), sản lượng đạt 8.773,60 tấn (tăng 38,87%); rau các loại trồng được 13.371,42 ha (tăng 15,89% so cùng kỳ), năng suất đạt 188,94 tạ/ha (giảm 6,82%), sản lượng đạt 252.636,38 tấn (tăng 7,98%); mè trồng được 668,1 ha (giảm 25,54% so cùng kỳ), năng suất đạt 5,1 tạ/ha (giảm 32,18%), sản lượng đạt 340,70 tấn (giảm 49,50%); khoai mỡ trồng được 2.618,8 ha (giảm 6,11% so cùng kỳ), năng suất đạt 154,36 tạ/ha (tăng 2,16%), sản lượng đạt 40.424,72 tấn (giảm 4,08%).

Một số cây lâu năm chủ yếu: Cây thanh long diện tích ước tính 7.943,57 ha (giảm 4,65% so cùng thời điểm năm trước), sản lượng ước đạt 236.128,40 tấn (giảm 10,16% so với cùng kỳ); cây chanh diện tích ước tính 11.370,75 ha (giảm 1,36%), sản lượng ước đạt 183.595,80 tấn (tăng 5,62%); cây xoài diện tích ước có 372,32 ha (giảm 22,45%), sản lượng ước đạt 3.715,70 tấn (giảm 17,95%); cây dứa (thơm) diện tích hiện có 1.052,30 ha (tăng 25,10%), sản lượng ước đạt 24.126,8 tấn (tăng 29,72%); cây dừa diện tích ước tính 2.061,69 ha (tăng 4,95%), sản lượng ước đạt 35.530,30 tấn (tăng 20,44%); cây mai diện tích ước tính 2.526,37 ha (tăng 5,93%), sản lượng ước đạt 993.802 cây (tăng 26,56%); cây chuối diện tích ước có 702,29 ha (giảm 8,21%), sản lượng ước đạt 13.710,92 tấn (tăng 6,08%); cây mít diện tích ước có 3.119,51 ha (tăng 17,24%), sản lượng ước đạt 42.793,40 tấn (tăng 31,33%); cây ổi diện tích ước có 478,78 ha (tăng 10,25%), sản lượng ước đạt 10.260,4 tấn (tăng 48,63%); cây cao su diện tích ước có 93,9 ha (giảm 1,73%), sản lượng ước đạt 87,15 tấn (giảm 2,13%).

Chăn nuôi: Tại thời điểm 31/12/2023, đàn trâu có 5.564 con (giảm 2,11% so cùng thời điểm năm trước); đàn bò có 115.328 con (giảm 1,48%), trong đó: bò sữa có 16.479 con (giảm 8,31%); đàn dê có 10.846 con (tăng 1,86%); đàn heo có 115.938 con (tăng 8,95%); đàn gia cầm có 9.632 ngàn con (tăng 5,49%), trong đó: gà là 8.045 ngàn con (tăng 4,68%). Ước cả năm 2023, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng là 394,1 tấn (tăng 18% so cùng kỳ); bò là 7.381,05 tấn (giảm 18%); dê là 141,02 tấn (giảm 0,02%); lợn là 22.559,3 tấn (giảm 2%); gà là 36.320,9 tấn (tăng 3,0%); vịt, ngan, ngỗng là 9.540,21 tấn (tăng 23,89%). Sản lượng trứng gà là 543,42 triệu quả (tăng 35%); vịt, ngan, ngỗng là 94,84 triệu quả (tăng 10,28%). Sản lượng sữa bò tươi là 33.900 tấn (giảm 1,08%).

Số lượng gia súc, gia cầm năm 2023

(so với năm 2022)

4.12.2023.jpg

b. Lâm nghiệp

Trong năm 2023, diện tích rừng trồng mới của tỉnh là 595,5 ha (giảm 2,21% so cùng kỳ), diện tích giảm chủ yếu do người dân khai thác xong chuyển cây trồng khác. Cây phân tán trồng được 1.840 nghìn cây (tăng 4,91% so cùng kỳ), trồng chủ yếu từ hộ gia đình và các xã được phân bổ. Khai thác được 149.311 m3 gỗ (tăng 1,85% so cùng kỳ); củi khai thác được 173.235 ster (tăng 1,28%); tre khai thác được 975 nghìn cây (tăng 0,31%).

Hoạt động lâm nghiệp năm 2023

(so với năm 2022)

5.12.23.jpg

c. Thủy sản

Tổng sản lượng thủy sản năm 2023 ước đạt 97.754,88 tấn, tăng 14,15% so cùng kỳ, bao gồm: Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 91.292,30 tấn, tăng 15,84% so cùng kỳ. Trong đó, tôm sú đạt 1.308,30 tấn (tăng 1,48%), tôm thẻ chân trắng đạt 16.785,80 tấn (giảm 14,92%), cá tra nuôi công nghiệp đạt 58.418,43 tấn (tăng 37,09%). Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 6.462,58 tấn, giảm 5,39% so cùng kỳ. Trong đó, khai thác cá đạt 4.481,90 tấn (giảm 4,51%); tôm đạt 865,88 tấn (giảm 9,41%) và thủy sản khác đạt 1.114,80 tấn (giảm 5,62%).

Sản lượng thủy sản năm 2023

(so với năm trước)

6.12.23.jpg

3. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý IV năm 2023 giảm 0,97% so quý trước và tăng 9,32% so cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,41% so quý trước và tăng 9,10% so cùng kỳ; công nghiệp điện tăng 6,67% so quý trước và tăng 13,61% so cùng kỳ; công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải giảm 0,89% so quý trước và tăng 7,29% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng 6,92% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,01%; công nghiệp điện tăng 4,82% và công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải tăng 9,38%. Lũy kế cả năm 2023 có 40/62 nhóm sản phẩm có tốc độ tăng so cùng kỳ, trong đó có 12/40 nhóm sản phẩm tăng trên 20% như: nhóm sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm 43,0 nghìn tấn (tăng 56,20%); nhóm giường bằng gỗ các loại 9,63 nghìn chiếc (tăng 42,59%); ống khác không nối, mặt cắt hình tròn bằng sắt, thép không hợp kim 881,40 nghìn tấn (tăng 38,74%); dịch vụ sản xuất sản phẩm bằng kim loại chưa được phân vào đâu 543,41 tỷ đồng (tăng 32,53%); bộ phận của thiết bị phân phối và điều khiển điện 1,54 nghìn tấn (tăng 24,09%); ván ép từ gỗ và các vật liệu tương tự 253,97 nghìn m3 (tăng 23,89%). Có 4/40 nhóm sản phẩm tăng từ 10% - 20% như: nhóm gạo xay xát 723,86 nghìn tấn (tăng 19,05%); cấu kiện làm sẵn cho xây dựng 480,02 nghìn tấn (tăng 16,64%); dược phẩm chứa hoóc môn nhưng không có kháng sinh dạng viên 25,19 tỷ viên (tăng 16,36%); tủ bằng gỗ khác 39,19 nghìn chiếc (tăng 11,97%). Có 24/40 nhóm sản phẩm tăng dưới 10% như: nhóm sợi xe từ các loại sợi tự nhiên 71,98 nghìn tấn (tăng 9,63%); nước uống được 77,75 triệu m³ (tăng 8,76%); ba lô 13,42 triệu cái (tăng 8,33%); thuốc lá có đầu lọc 117,30 triệu bao (tăng 7,42%); nước khoáng không có ga 338,40 triệu lít (tăng 6,62%); điện thương phẩm 7.057 triệu KWh (tăng 4,64%); sản phẩm in khác 5,75 tỷ trang (tăng 1,59%); thức ăn cho thủy sản 835,74 nghìn tấn (tăng 1,34%).

Sản phẩm có tốc độ giảm so với cùng kỳ là 22/62 nhóm, trong đó có 5/22 nhóm sản phẩm giảm mạnh trên 20% gồm: nhóm áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc 1,35 triệu cái (giảm 38,51%); thân xe có động cơ dùng cho xe vận tải hàng hóa và xe chở từ 10 người trở lên 712 cái (giảm 35,10%); xi măng Portland đen 612,97 nghìn tấn (giảm 30,19%); thiết bị bán dẫn khác 6,38 triệu chiếc (giảm 26,45%); thuỷ hải sản đã được chế biến bảo quản khác dùng làm thức ăn cho người 3,65 nghìn tấn (giảm 20,70%). Có 3/22 nhóm giảm từ 10% - 20% gồm: áo sơ mi cho người lớn dệt kim hoặc đan móc 18,12 triệu cái (giảm 16,50%); bia đóng chai 1,51 triệu lít (giảm 11,43%); sợi từ bông nhân tạo 15,30 nghìn tấn (giảm 10,51%). Có 14/22 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm dưới 10% như: nhóm thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng viên 630 triệu viên (giảm 8,03%); thức ăn cho gia súc 643,75 nghìn tấn (giảm 6,96%); dây cách điện đơn dạng cuộn bằng đồng 3,81 nghìn tấn (giảm 6,08%); túi xách 15,50 triệu cái (giảm 5,75%); dầu và mỡ bôi trơn 5,95 nghìn tấn (giảm 3,38%); dịch vụ sản xuất hóa dược và dược liệu 56,12 tỷ đồng (giảm 2,43%); dịch vụ thu gom rác thải không độc hại có thể tái chế 39,21 tỷ đồng (giảm 1,39%); Giày, dép thể thao 36,34 triệu đôi (giảm 0,20%);…

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023

(so với năm 2022)

7.12.23.jpg

4. Hoạt động doanh nghiệp

Lũy kế từ đầu năm, có 1.928 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 14% so với cùng kỳ), tổng số vốn đăng ký 21.703 tỷ đồng (giảm 11%); có 267 doanh nghiệp giải thể (giảm 3%); tạm ngừng hoạt động kinh doanh 687 doanh nghiệp (tăng 39%); 314 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 21%).

Theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh tại 98 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong quý IV/2023 có 27,55% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất khả quan hơn quý III/2023; 43,88% doanh nghiệp đánh giá là giữ ổn định và 28,57% doanh nghiệp đánh giá là khó khăn hơn. Đánh giá tình hình sản xuất trong quý tiếp theo, theo kết quả điều tra có 25,51% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sản xuất kinh doanh quý I/2024 sẽ khả quan hơn quý IV/2023; 45,92% doanh nghiệp đánh giá là giữ ổn định và 28,57% doanh nghiệp đánh giá là khó khăn hơn.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2023

(so với năm 2022)

8.12.23.jpg

5. Đầu tư phát triển

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn quý IV năm 2023 ước đạt 16.717,46 tỷ đồng, tăng 15,19% so với quý III/2023 và tăng 19,59% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.762,95 tỷ đồng, tăng 18,96% so với quý trước và tăng 44,11% so với cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước ước đạt 9.054,53 tỷ đồng, tăng 15,68% so với quý trước và tăng 6,14% so với cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2.899,98 tỷ đồng, tăng 8,13% so với quý trước và tăng 35,29% so với cùng kỳ.

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Long An năm 2023

(so với năm 2022)

9.12.23.jpg

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2023 ước đạt 52.136,99 tỷ đồng, tăng 13,98% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 12.390,44 tỷ đồng, tăng 35,74%; vốn ngoài nhà nước ước đạt 29.165,39 tỷ đồng, tăng 5,25%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 10.581,17 tỷ đồng, tăng 18,85%.

6. Thương mại, giá cả

a. Nội thương

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV năm 2023 ước đạt 18.229,54 tỷ đồng, tăng 7,73% so quý trước và tăng 18,11% so cùng kỳ. Trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 10.113,36 tỷ đồng, tăng 8,51% so quý trước và tăng 18,34% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 1.521,66 tỷ đồng, tăng 2,16% so quý trước và tăng 18,83% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 6.594,52 tỷ đồng, tăng 7,90% so quý trước và tăng 17,59% so cùng kỳ.

Ước cả năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 68.840,47 tỷ đồng, tăng 13,12% so cùng kỳ. Trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 37.909,16 tỷ đồng (tăng 10,92%); doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 6.140,12 tỷ đồng (tăng 26,85%); doanh thu dịch vụ khác ước đạt 24.791,19 tỷ đồng (tăng 13,52%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023

(so với năm trước)

10.12.23.jpg

b. Giá cả

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý IV năm 2023 tăng 3,91% so với cùng kỳ năm trước. Có 11/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, trong đó: tăng cao nhất là nhóm giáo dục tăng 16,09%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,71%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,02%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 3,97%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,18%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,12%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,70%; nhóm giao thông tăng 2,20%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,62%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,88%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,77%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước. Có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, trong đó: nhóm giáo dục tăng cao nhất 15,84%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 7,95%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,50%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 4,46%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,46%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,54%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,77%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,49%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,92%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,58%. Nhóm có CPI bình quân giảm so với cùng kỳ là nhóm giao thông giảm 3,68%.

Chỉ số giá vàng bình quân quý IV năm 2023, tăng 11,44% so cùng kỳ và bình quân năm 2023 tăng 5,49%. Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân quý IV năm 2023, tăng 0,57% so cùng kỳ và bình quân năm 2023 tăng 2,04%.

CPI tháng 12 và năm 2023

11.12.23.jpg

7. Vận tải, du lịch

a. Vận tải

Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi quý IV năm 2023 ước đạt 1.640,92 tỷ đồng, tăng 9,50% so quý trước và tăng 16,23% so cùng kỳ. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 240,95 tỷ đồng, tăng 1,86% so quý trước và tăng 27,74% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 830,29 tỷ đồng, tăng 11,94% so quý trước và tăng 18,50% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hành khách ước 9.734,74 nghìn lượt người, tăng 16,68% so quý trước và tăng 27,16% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 222.888,93 nghìn lượt người.km, tăng 8,16% so quý trước và tăng 25,78% so cùng kỳ. Khối lượng vận tải hàng hóa ước đạt 4.986,17 nghìn tấn, tăng 6,79% so quý trước và tăng 13,50% so cùng kỳ; luân chuyển được 223.116 nghìn tấn.km, tăng 9,50% so quý trước và tăng 11,41% so cùng kỳ.

Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi năm 2023 ước đạt 6.099,23 tỷ đồng, tăng 17,85% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 824,15 tỷ đồng (tăng 26,75%); vận tải hàng hóa ước đạt 3.151,65 tỷ đồng (tăng 17,14%). Khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 28.331,73 nghìn lượt người, tăng 26,40% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt 695.044,47 nghìn người.km (tăng 25%). Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 21.564,31 nghìn tấn (tăng 11,26%); khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 976.005,44 nghìn tấn.km (tăng 10,21%).

Vận tải hành khách và hàng hóa năm 2023

(so với cùng kỳ)

12.12.23.jpg

b. Du lịch

Trong năm 2023, ngành Du lịch Long An thực hiện tốt các giải pháp kích cầu du lịch gắn với xây dựng, quảng bá hình ảnh, giới thiệu nét văn hóa, các làng nghề, lễ hội, các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, sản phẩm, dịch vụ du lịch Long An đến với du khách trong nước và bạn bè quốc tế. Số lượng Khách tham quan các khu, điểm du lịch trong năm 2023 khoảng một triệu lượt người, tăng 50% so với cùng kỳ, tăng 30% so với kế hoạch (có 16.000 lượt khách quốc tế tăng 76% so năm 2022 và tăng 45% so với kế hoạch); doanh thu du lịch đạt 560 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ, tăng 38% so với kế hoạch.

8. Tài chính, tiền tệ, bảo hiểm

a. Tài chính

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến ngày 27/12/2023 đạt 19.315,39 tỷ đồng, đạt 95,82% dự toán và giảm 9,46% so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa đạt 16.087,74 tỷ đồng, bằng 102,54% dự toán và giảm 6,01% so cùng kỳ (thu xổ số kiến thiết 2.168,88 tỷ đồng, bằng 134,71% dự toán và tăng 20,79% so cùng kỳ); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 3.227,65 tỷ đồng, bằng 71,72% dự toán và giảm 23,45% so cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương đến ngày 27/12/2023 đạt 20.418,73 tỷ đồng, bằng 107,90% dự toán và tăng 13,49% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 12.068,12 tỷ đồng, bằng 201,41% dự toán và tăng 22,92% so cùng kỳ; chi thường xuyên là 8.289,85 tỷ đồng, bằng 91,40% dự toán và tăng 1,49% so cùng kỳ.

b. Tiền tệ

Ước tính đến 31/12/2023, vốn huy động đạt 100.955 tỷ đồng, tăng 9,0% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó, huy động vốn bằng VNĐ đạt 99.455 tỷ đồng, tăng 9,08%; huy động vốn bằng ngoại tệ đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 3,95%. Tổng dư nợ cho vay đạt 132.594 tỷ đồng, tăng 12,30% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 86.603 tỷ đồng, tăng 10,98%; dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 45.991 tỷ đồng, tăng 14,87%. Nợ xấu 1.961 tỷ đồng, chiếm 1,48% trong tổng dư nợ, tăng 84,48% so với cùng kỳ.

Hoạt động ngân hàng tính đến cuối năm 2023

(so với thời điểm cuối năm 2022)

13.12.23.jpg

c. Bảo hiểm

Ước tính đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh có 355.326 người tham gia Bảo hiểm xã hội, giảm 0,94% so với cùng kỳ; 1.492.575 người tham gia Bảo hiểm y tế, giảm 0,71% và 330.524 người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, giảm 0,61%.

Tổng số thu bảo hiểm năm 2023 ước đạt 8.993 tỷ đồng, tăng 5,40% so với năm 2022, trong đó: thu Bảo hiểm xã hội đạt 6.415 tỷ đồng, tăng 3,03%; thu Bảo hiểm y tế đạt 2.105 tỷ đồng, tăng 5,69%; thu Bảo hiểm thất nghiệp đạt 473 tỷ đồng, tăng 53,92%.

Tổng số chi bảo hiểm năm 2023 ước đạt 5.527 tỷ đồng, tăng 22,33% so với năm 2022, trong đó: chi Bảo hiểm xã hội đạt 4.038 tỷ đồng, tăng 22,85%; chi Bảo hiểm y tế đạt 745 tỷ đồng, tăng 14,26%; chi Bảo hiểm thất nghiệp đạt 744 tỷ đồng, tăng 28,50%.

9. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Công tác bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2023 đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời. Các chính sách xã hội được chi trả kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Công tác kiểm tra đảm bảo giao thông được thực hiện thường xuyên, không xảy ra sự cố mất an toàn giao thông do yếu tố cầu, đường. Cung cấp điện, nước cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt được đảm bảo. Hệ thống thông tin trọng điểm của tỉnh hoạt động ổn định, thông tin liên lạc thông suốt. Trong năm 2023 có 40.257 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, trong đó xét duyệt 35.740 người; chi trợ cấp thất nghiệp 921,3 tỷ đồng; có 180.586 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm; 841 người được hỗ trợ học nghề. Từ đầu năm đến nay, đưa 677 lao động đi làm việc ở nước ngoài (540 Nhật Bản, 70 Đài Loan, 67 nước khác).

Trong năm đã tổ chức thăm và tặng quà cho 40.858 người có công với cách mạng; chúc thọ, mừng thọ 1.417 người cao tuổi. Ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội gồm: 4.764 hộ nghèo và 520 hộ di cư tự do; 350 người Hội người mù; 440 trại viên Trung tâm Công tác xã hội Long An; 503 học viên Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An.

10. Giáo dục

Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, toàn tỉnh có một hội đồng thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức với số thí sinh đăng ký dự thi là 15.652 thí sinh, kết quả có 15.134 thí sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông, đạt tỷ lệ 99,69% tăng so với năm 2022 (99,63%). Điểm trung bình của tỉnh đạt 6,473 điểm, tăng 0,025 điểm so với năm 2022, xếp thứ 8 trong 13 tỉnh/thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 30 so với cả nước. Phối hợp tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2022 – 2023, kết quả có 9 em đạt giải (3 giải III và 6 giải khuyến khích).

Khai giảng năm học 2023 – 2024, toàn tỉnh có 588 cơ sở giáo dục từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông với 342.225 học sinh (214 cơ sở giáo dục mầm non với 53.386 học sinh; 181 cơ sở giáo dục tiểu học với 133.258 học sinh; 148 cơ sở giáo dục trung học cơ sở với 106.757 học sinh; 45 cơ sở giáo dục trung học phổ thông với 48.824 học sinh).

11. Y tế

Một số bệnh trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 cụ thể như sau: Bệnh sốt xuất huyết 3.090 ca (giảm 79,53% so cùng kỳ), trong đó có 4 ca tử vong (giảm 63,64%); bệnh tay chân miệng 5.461 ca (tăng 269,24%); bệnh quai bị 17 ca (giảm 34,62%); bệnh thủy đậu 143 ca (tăng 37,50%); bệnh tiêu chảy 1.343 ca (giảm 24,38%); bệnh cảm cúm 6.751 ca (tăng 18,36%); bệnh lao phổi 409 ca (tăng 25,46%).

Tổng số ca nhiễm HIV được phát hiện trong năm là 435 ca, tăng 1 ca (tăng 0,23%) so với cùng kỳ. Số bệnh nhân còn sống đang được quản lý là 4.145 ca, trong đó 3.343 ca nội tỉnh và 846 ca ngoại tỉnh. Trong năm, trên địa bàn tỉnh Long An không xảy ra ngộ độc thực phẩm.  

12. Dân số, lao động và việc làm

Dân số trung bình của tỉnh năm 2023 ước đạt 1.743.430 người, tăng 0,53% so cùng kỳ. Trong đó, dân số trung bình nam đạt 870.582 người (tăng 0,54%), dân số trung bình nữ đạt 872.848 người (tăng 0,52%); dân số trung bình ở thành thị đạt 320.791 người (tăng 0,69%), dân số trung bình ở nông thôn đạt 1.422.639 người (tăng 0,49%).

Dân số trung bình năm 2023

(so với năm 2022)

14.12.23.jpg

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong năm 2023 của tỉnh ước đạt 1.012,01 nghìn người, tăng 1,27% so cùng kỳ. Trong đó, lao động là nam đạt 549,36 nghìn người (giảm 0,07%), lao động nữ đạt 462,65 nghìn người (tăng 2,91%).

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong năm 2023 ước đạt 995,67 nghìn người, tăng 1,39% so cùng kỳ. Trong đó, lao động nam ước đạt 543,39 nghìn người (tăng 0,80%), lao động nữ ước đạt 452,28 nghìn người (tăng 2,11%); lao động ở thành thị ước đạt 154,79 nghìn người (giảm 3,22%), lao động ở nông thôn ước đạt 840,88 nghìn người (tăng 2,29%).

13. Văn hóa, thể thao

a. Văn hóa

 Trong năm 2023, toàn tỉnh đã thực hiện treo 9.800 tấm băng rôn, pa nô; 1.620 lượt xe tuyên truyền lưu động; 60 cuộc triển lãm ảnh; thay đổi khẩu hiệu trên pano điện tử; trang trí cờ các loại và đăng bài tuyên truyền qua trang thông tin điện tử trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố; tuyên truyền mừng Đảng mừng Xuân Quý Mão, các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, của tỉnh và tuyên truyền chuyển đổi số, cải cách hành chính, phòng chống bạo lực gia đình, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, phòng chống tội phạm, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh đậu mùa khỉ, bệnh tay chân miệng… Hệ thống thư viện từ tỉnh đến huyện tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu 2.125 bản sách mới và 2.449 bản sách chuyên đề; cấp 29 thẻ thư viện mới; phục vụ 4.204 lượt bạn đọc với 16.433 lượt tài liệu; 231.708 lượt truy cập thư viện điện tử; nhập biểu ghi sách mới và điều chỉnh dữ liệu 6.587 biểu ghi; nhập kho 6.748 tờ báo, 358 quyển tạp chí các loại. Thực hiện 647 bài, tin trên bản tin thư viện với chủ đề chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước.

b. Thể thao

Trong năm 2023, Long An được chọn là địa phương đăng cai, đã tổ chức thành công Giải Quần vợt vô địch trẻ toàn quốc, Giải Quần vợt vô địch quốc gia - Cúp Nam Long năm 2023 và Giải Golf "Nam A Bank Vietnam Masters 2023, Giải Gôn Cặp golfer Hoàn hảo năm 2023, Giải "Marathon Long An lần thứ 2 năm 2023.

Tính đến cuối năm 2023, số người tập luyện Thể dục thể thao thường xuyên là 577.367 người, đạt 100% so với kế hoạch; số hộ gia đình thể thao là 125.458 hộ, đạt 100% so với kế hoạch; 100% số học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể, công trình giáo dục thể chất, đạt 100% so với kế hoạch. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức 547 giải thể thao và 105 lớp đào tạo năng khiếu thể thao, số câu lạc bộ thể thao tiếp tục được duy trì. Trong đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 12 giải thể thao cấp tỉnh với sự tham gia của hơn với 2.152 vận động viên.

14. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường

a. Cháy, nổ: Trong quý IV năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy, nổ (tăng 2 vụ so quý trước và tăng 2 vụ so cùng kỳ), không thiệt hại về người, giá trị thiệt hại 1.950 triệu đồng (tăng 950 triệu đồng so với quý III/2023 và giảm 5.050 triệu đồng so với cùng kỳ). Lũy kế đến ngày 14/12/2023 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ cháy (tăng 3 vụ so cùng kỳ năm trước); có 1 người chết (bằng so cùng kỳ); tổng giá trị thiệt hại là 7.960 triệu đồng (giảm 4.240 triệu đồng so cùng kỳ).

Tình hình cháy, nổ năm 2023

(so với năm 2022)

15.12.23.jpg

b. Bảo vệ môi trường: Trong quý IV năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 4 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường (tăng 4 vụ so quý trước và tăng 3 vụ so với quý cùng kỳ); tổng số tiền phạt là 1.689,82 triệu đồng (giảm 1.369,82 triệu đồng so với cùng kỳ). Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử phạt 9 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường (tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm trước); tổng số tiền phạt là 2.201,54 triệu đồng (giảm 1.472,84 triệu đồng so cùng kỳ).

15. Tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong quý IV năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 81 vụ tai nạn giao thông (tăng 6 vụ so quý trước và tăng 43 vụ so cùng kỳ); làm chết 53 người (giảm 6 người so quý trước và tăng 30 người so cùng kỳ); bị thương 47 người (tăng 3 người so quý trước và tăng 26 người so cùng kỳ).

An toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Long An năm 2023

(so với năm 2022)

16.12.23.png

Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 211 vụ tai nạn giao thông, tăng 79 vụ so cùng kỳ năm trước; làm chết 145 người (tăng 65 người); bị thương 113 người (tăng 43 người).

CỤC THỐNG KÊ LONG AN



[1] Theo công văn số 2152/TCTK-TKQG ngày 25/11/2023 của Tổng cục Thống kê: Quý I/2023: tăng 3,85%; quý II tăng 2,99%; 6 tháng đầu năm tăng 3,46%; quý III tăng 7,88%; 9 tháng tăng 4,97%; quý IV tăng 8,22%; cả năm 2023 tăng 5,77%.

[2] Sơ bộ năm 2022 tăng 8,31%; trong đó, khu vực I (nông, lâm, thủy sản) tăng 1,30%; khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng 10,66%; khu vực III (thương mại, dịch vụ) tăng 9,23%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,16%.

[3] Đồng bằng sông Cửu Long: 1. Hậu Giang (12,27%); 2. Trà Vinh (8,25%); 3. Cà Mau (7,83%); 4. An Giang (7,34%); 5. Bạc Liêu (7,24%); 6. Kiên Giang (6,79%); 7. Long An (5,77%); 8. Sóc Trăng (5,77%); 9. TP Cần Thơ (5,75%); 10. Tiền Giang (5,72%); 11. Đồng Tháp (5,66%); 12. Bến Tre (5,16%); 13. Vĩnh Long (2,01%).

[4] Vùng kinh tế trọng điểm phía nam: 1. Bình Phước (8,34%); 2. Tây Ninh (6,12%); 3. Bình Dương (5,97%); 4. Tp. HCM (5,81%); 5. Long An (5,77%); 6. Tiền Giang (5,72%) 7. Đồng Nai (5,30%); 8. Bà Rịa Vũng Tàu (-1,02%).

[5] Lúa mùa 2022-2023: Diện tích gieo cấy đạt 1.321 ha, giảm 17,15% so với cùng kỳ; năng suất đạt 40,83 tạ/ha (giảm 1,46%); sản lượng đạt 5.393 tấn (giảm 18,36%). Lúa đông xuân 2022-2023: Diện tích gieo cấy đạt 225.170,81 ha, giảm 0,33% so cùng kỳ; năng suất đạt 67,80 tạ/ha (tăng 5,15%); sản lượng đạt 1.526.558 tấn (tăng 4,80%).  Lúa hè thu và thu đông 2023: Diện tích gieo sạ đạt 289.807,81 ha, tăng 2,94% so với cùng kỳ; năng suất ước đạt 53,13 tạ/ha (tăng 7,0%); sản lượng thu hoạch ước đạt 1.539.757 tấn (tăng 10,15%).

 


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1