image banner
Thông cáo báo chí tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022

Kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu dần được khơi thông. Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và U-crai-na đã cản trở sự phục hồi sau đại dịch, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở châu Âu, đẩy giá lương thực và hàng hóa lên cao, làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát trên toàn cầu. Những bất ổn kinh tế, địa chính trị đang làm giảm niềm tin vào các nhà đầu tư kinh doanh, đồng thời làm suy yếu triển vọng kinh tế ngắn hạn.

Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế để không lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới, đồng thời đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các giải pháp đồng bộ đã được triển khai thực hiện đồng hành với sự ủng hộ của Nhân dân cả nước và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, tạo động lực khôi phục, phát triển kinh tế nhanh, bền vững cho từng lĩnh vực và từng địa phương.

Tại Long An, dưới sự điều hành, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh sớm được kiểm soát, việc triển khai tiêm vắc xin toàn dân kịp thời, giúp tỉnh nhanh chóng thực hiện mục tiêu "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt nhiều kết quả phấn khởi, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được phục hồi và phát triển, đời sống người dân được nâng lên. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022 như sau:

I. Tăng trưởng kinh tế

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính quý II năm 2022 tăng 6,26% so với cùng kỳ năm trước[1]. Đây là mức tăng trưởng đầy triển vọng của tỉnh với tốc độ tăng quý II cao hơn quý I[2]. Tính chung 6 tháng đầu năm, GRDP tỉnh đạt 5,11% (cùng kỳ tăng 5,22%), các khu vực kinh tế đều đạt mức tăng trưởng dương, đứng thứ 6/13 tỉnh/thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long[3] và đứng thứ 5/8 tỉnh/thành trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam[4], cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau khoảng thời gian dài bị tác động nặng nề từ dịch Covid-19.

Trong mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm của tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,01%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,50%, đóng góp 2,66 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,93%, đóng góp 1,89 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,11%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,09% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 50,70%; khu vực dịch vụ chiếm 27,34%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,87% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2021 là: 17,48%; 49,25%; 27,42%; 5,85%).

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

Tổng diện tích xuống giống (vụ mùa và vụ đông xuân) là 227.520,5 ha[5], giảm 0,04% so với cùng kỳ. Đã thu hoạch xong, diện tích thu hoạch đạt 227.520,5 ha, giảm 0,02% so với cùng kỳ; năng suất thu hoạch đạt 64,3 tạ/ha (giảm 2,96%); sản lượng thu hoạch đạt 1.463.233 tấn (giảm 2,99%).

Một số cây hàng năm khác: Rau các loại trồng được 5.950,9 ha, tăng 4,1% so cùng kỳ; sản lượng đạt 131.013,7 tấn (tăng 16,7%). Cây bắp trồng được 227 ha (giảm 12,3%); sản lượng 1.241,4 tấn (tăng 5,2%). Cây đậu phộng trồng được 143,4 ha (giảm 41,1%); sản lượng đạt 438,8 tấn (giảm 42,4%). Cây mía trồng được 15,3 ha (giảm 75,4%); sản lượng đạt 945,1 tấn (giảm 74,2%). Cây sắn trồng được 351,7 ha (giảm 49,7%); sản lượng đạt 3.501,8 tấn (giảm 63,1%). Cây khoai mỡ trồng được 13,7 ha (tăng 389,3%); sản lượng đạt 178,3 tấn (tăng 354,9%). Cây khoai lang trồng được 25 ha (tăng 171,7%); sản lượng đạt 186 tấn (tăng 159,1%).

Một số cây lâu năm chủ yếu: Cây chanh diện tích ước có 11.473 ha (tăng 0,4% so cùng thời điểm năm trước); sản lượng ước đạt 99.541 tấn (tăng 18,6% so cùng kỳ). Cây thanh long ước có 10.643,3 ha (giảm 8,7% so cùng thời điểm năm trước); sản lượng ước đạt 135.120 tấn (giảm 16,2% so cùng kỳ). Cây xoài diện tích ước có 533,8 ha (giảm 1,9% so cùng thời điểm năm trước); sản lượng ước đạt 2.239,8 tấn (giảm 0,2% so cùng kỳ). Cây dứa (thơm) diện tích ước có 920,2 ha (tăng 3,4% so cùng thời điểm năm trước); sản lượng ước đạt 8.506,1 tấn (tăng 5,7% so cùng kỳ). Cây dừa diện tích ước có 1.670,6 ha (tăng 19,3% so cùng thời điểm năm trước); sản lượng ước đạt 11.481,3 tấn (tăng 20,4% so cùng kỳ). Cây mai diện tích ước có 1.801,4 ha (bằng với thời điểm năm trước); sản lượng ước đạt 267.168 cây/cành (tăng 3,8% so cùng kỳ). Cây chuối diện tích ước có 760,1 ha (tăng 0,4% so cùng thời điểm năm trước); sản lượng ước đạt 5.137,7 tấn (tăng 38,3% so cùng kỳ). Cây mít diện tích ước có 2.645,4 ha (tăng 8,9% so cùng thời điểm năm trước); sản lượng ước đạt 9.501,8 tấn (tăng 19,8% so cùng kỳ). Cây ổi diện tích ước có 488,8 ha (tăng 6,5% so cùng thời điểm năm trước); sản lượng ước đạt 3.870 tấn (tăng 7,5% so cùng kỳ).

Đến cuối tháng 6/2022, đàn trâu có 6.025 con (giảm 0,03% so cùng thời điểm năm trước); đàn bò có 115.504 con (tăng 2,19%), trong đó: bò sữa là 19.150 con (giảm 92 con); đàn dê có 7.920 con (tăng 1,08%); đàn heo có 90.782 con (tăng 1,44%); đàn gia cầm có 8.724,69 nghìn con (tăng 3,09%), trong đó: gà là 7.261,60 nghìn con (tăng 3,86%).

Ước 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng là 242,7 tấn (giảm 0,9% so cùng kỳ); bò là 2.645 tấn (tăng 9,8%); dê là 43 tấn (giảm 4,6%); lợn là 9.875,6 tấn (tăng 11,5%); gia cầm là 20.814,3 tấn (giảm 0,8%), trong đó gà là 15.939 tấn (giảm 1,3%). Sản lượng trứng gia cầm 277,8 triệu quả (giảm 10%), trong đó trứng gà là 226,5 triệu quả (giảm 12%); sản lượng sữa bò tươi là 19.150 tấn (tăng 3,5%).

b. Lâm nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2022, diện tích trồng rừng trên địa bàn tỉnh khoảng 475 ha (rừng trồng mới và trồng lại sau khai thác), giảm 5,0% so cùng kỳ. Có 2.795 ha rừng được chăm sóc, tăng 1,1% so cùng kỳ, chủ yếu là chăm sóc trên diện tích mới khai thác và trồng lại trong 3 năm gần đây. Tổng lượng gỗ khai thác ước đạt 69,9 nghìn m3 (tăng 0,3% so cùng kỳ), củi ước đạt 132,5 nghìn ster (tăng 2,1%), tre ước đạt 477 nghìn cây (giảm 1,1%).

c. Thủy sản

Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 39.069,4 tấn, tăng 14,5% so cùng kỳ. Bao gồm: sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 3.606,7 tấn, tăng 5,7% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác biển 6 tháng đầu năm ước đạt 1.852,9 tấn (tăng 9,1%) và sản lượng khai thác thủy sản nội địa ước đạt 1.753,8 tấn (tăng 2,3%). Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 35.462,7 tấn, tăng 15,5% so cùng kỳ. Trong đó: sản lượng tôm sú ước đạt 322 tấn (giảm 48,8%); sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 7.596 tấn (tăng 14,4%); sản lượng cá tra nuôi công nghiệp ước đạt 19.875 tấn (tăng 21,4%).

3. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý II năm 2022 tăng 16,02% so quý trước và tăng 5,79% so cùng kỳ. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,45% so quý trước và tăng 6,13% so cùng kỳ; công nghiệp điện tăng 10,42% so quý trước và giảm 0,08% so cùng kỳ; công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải tăng 2,91% so quý trước và tăng 1,29% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tăng 5,46% so với cùng kỳ, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,73%; công nghiệp điện tăng 1,23%; công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải tăng 0,99%.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như: ngành sản xuất trang phục tăng 318,16%; ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 55,72%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 35,07%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 31,77%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 25,93%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 16,85%; sản xuất đồ uống tăng 13,18%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 11,88%.

Lũy kế đến cuối tháng 6 năm 2022 có 34/64 nhóm sản phẩm có tốc độ tăng so cùng kỳ, trong đó: 15/34 nhóm sản phẩm tăng trên 20%, 11/34 nhóm sản phẩm tăng từ 10% - 20%, 8/34 nhóm sản phẩm tăng dưới 10%. Có 30/64 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm so với cùng kỳ, trong đó: 15/30 nhóm sản phẩm giảm trên 20%, có 5/30 nhóm sản phẩm giảm từ 10% - 20% và 10/30 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm dưới 10%.

4. Hoạt động doanh nghiệp

Đầu tư trong nước: Trong 6 tháng đầu năm 2022, thành lập mới 911 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 13.956 tỷ đồng; so với cùng kỳ tăng 6,9% về số lượng doanh nghiệp mới thành lập và tăng 1,0% về vốn đăng ký; giải thể 149 doanh nghiệp (giảm 4,0%); tạm ngừng hoạt động kinh doanh 338 doanh nghiệp (tăng 66%); có 175 doanh nghiệp thông báo tạm dừng hoạt động và hiện nay đã có thông báo hoạt động trở lại (tăng 3,0%). Trong 6 tháng đầu năm, thu hút được 53 dự án (giảm 24 dự án so với cùng kỳ) với số vốn đăng ký 13.496,40 tỷ đồng (tăng 7.940,34 tỷ đồng); điều chỉnh tăng vốn cho 13 dự án (tăng 11 dự án so với cùng kỳ) với số vốn tăng thêm là 972,65 tỷ đồng (tăng 863,56 tỷ đồng).

Đầu tư nước ngoài: Trong 6 tháng đầu năm, thu hút 24 dự án đầu tư mới (giảm 6 dự án so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký là 246,5 triệu USD (giảm 2.983 triệu USD); điều chỉnh tăng vốn cho 34 dự án (tăng 14 dự án so với cùng kỳ) với vốn đầu tư tăng thêm là 160,8 triệu USD (tăng 86,19 triệu USD).

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II năm 2022 cho thấy: Có 40% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý trước; 38,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 21,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý III năm 2022, có 49,5% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II năm 2022; 28,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 21,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 81,8% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm 2022 tốt hơn và giữ ổn định so với quý trước; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 50% và 77,2%.

5. Đầu tư phát triển

Tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện quý II năm 2022 ước đạt 11.560,86 tỷ đồng, tăng 39,36% so quý trước và tăng 8,19% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.155,66 tỷ đồng, tăng 6,87% so quý trước và tăng 15,89% so cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước ước đạt 6.974,63 tỷ đồng, tăng 38,48% so quý trước và tăng 5,01% so cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2.430,57 tỷ đồng, tăng 9,63% so quý trước và tăng 11,29% so cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 19.856,45 tỷ đồng, tăng 5,88% so cùng kỳ năm trước và chiếm khoảng 27% GRDP, bao gồm: vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.197,72 tỷ đồng (tăng 13,59%); vốn ngoài nhà nước ước đạt 12.011,18 tỷ đồng (tăng 4,89%); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 4.647,55 tỷ đồng, tăng 3,58%.

6. Thương mại, giá cả

a. Nội thương

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II năm 2022 ước đạt 28.116,4 tỷ đồng, tăng 5,0% so quý trước và tăng 17,3% so cùng kỳ. Trong đó: bán lẻ hàng hóa ước đạt 18.663,9 tỷ đồng, tăng 6,0% so quý trước và tăng 15,9% so cùng kỳ; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 1.563,5 tỷ đồng, tăng 4,2% so quý trước và tăng 8,3% so cùng kỳ; dịch vụ khác ước đạt 7.889 tỷ đồng, tăng 2,8% so quý trước và tăng 23,1% so cùng kỳ.

Ước 6 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 54.898,9 tỷ đồng, tăng 10,1% so cùng kỳ. Trong đó: bán lẻ hàng hóa ước đạt 36.270,1 tỷ đồng (tăng 8,3%); dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 3.064,7 tỷ đồng (giảm 5,3%); dịch vụ khác ước đạt 15.564,1 tỷ đồng (tăng 18,6%).

b. Giá cả

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý II năm 2022 tăng 4,07% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ trong rổ hàng hóa đều có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, trong đó: nhóm giao thông tăng mạnh nhất 23,20%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 7,12%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,91%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 3,04%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,88%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,41%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,24%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,68%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,44%; nhóm giáo dục tăng 0,25%; nhóm bưu chính viễn thông có mức tăng thấp nhất 0,11%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,54% so với cùng kỳ năm trước. Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, trong đó: nhóm giao thông tăng 21,91%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,14%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,42%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 3,02%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,40%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,23%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,08%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,85%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,44%. Có 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ, gồm nhóm giáo dục giảm 1,10%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%.

7. Vận tải, du lịch

a. Vận tải

Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi quý II năm 2022 ước đạt 751,29 tỷ đồng, tăng 0,9% so quý trước và tăng 10,75% so cùng kỳ. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 137,86 tỷ đồng, tăng 10,45% so quý trước và giảm 4,03% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 393,32 tỷ đồng, giảm 0,61% so quý trước và tăng 14,24% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hành khách ước 7.449 nghìn lượt người, tăng 23,89% so quý trước và giảm 13,58% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 165.384,64 nghìn lượt người.km, tăng 3,18% so quý trước và giảm 13,58% so cùng kỳ. Khối lượng vận tải hàng hóa ước đạt 5.436,62 nghìn tấn, giảm 6,29% so quý trước và tăng 8,99% so cùng kỳ; luân chuyển được 263.862,64 nghìn tấn.km, giảm 8,0% so quý trước và tăng 13,10% so cùng kỳ.

Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.495,92  tỷ đồng, tăng 5,47% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách là 262,67 tỷ đồng, giảm 16,55%; vận tải hàng hóa là 789,07 tỷ đồng, tăng 8,87%. Khối lượng vận chuyển hành khách là 13.461,43 nghìn lượt người, giảm 24,47% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hành khách là 325.676,23 nghìn người.km, giảm 25,11%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa là 11.238,10 nghìn tấn, tăng 5,15% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hàng hóa là 550.654,30 nghìn tấn.km, tăng 6,40%.

b. Du lịch

Là ngành bị tác động nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, để có thể thu hút khách du lịch trở lại sau khoảng thời gian dài bị tạm dừng, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm kích cầu du lịch sau đại dịch. Từ đó, ngành du lịch đã đạt được những tín hiệu phục hồi khả quan như: lượt khách đến Long An ước đạt 235.000 lượt người, đạt 56% so với kế hoạch, không có khách quốc tế; doanh thu ước đạt 120 tỷ đồng, đạt 53% so với kế hoạch.

8. Tài chính, tiền tệ

a. Tài chính

Thu ngân sách nhà nước đến ngày 23/6/2022 đã đạt nhiều kết quả khả quan đạt 11.805,08 tỷ đồng, bằng 68,02% dự toán giao và tăng 11,13% so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa đạt 9.660,04 tỷ đồng, bằng 71,06% dự toán giao và tăng 15,87% so cùng kỳ (thu xổ số kiến thiết 826,34 tỷ đồng, bằng 55,09% dự toán giao và giảm 13,01% so cùng kỳ); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 2.145,04 tỷ đồng, bằng 57,05% dự toán giao và giảm 6,17% so cùng kỳ. Chi ngân sách được tập trung thực hiện, tiết kiệm bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 7.178,18 tỷ đồng, bằng 46,30% dự toán giao và tăng 17,45% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 3.469,19 tỷ đồng, bằng 66,94% dự toán giao và tăng 23,50% so cùng kỳ; chi thường xuyên là 3.707,58 tỷ đồng, bằng 44,04% dự toán giao và tăng 12,28% so cùng kỳ.

b. Tiền tệ

Tổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 6/2022 ước đạt 92.222 tỷ đồng, tăng 8,54% so với đầu năm và tăng 14,47% so cùng thời điểm năm trước; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 109.748 tỷ đồng, tăng 12,79% so với đầu năm và tăng 19,38% so cùng thời điểm năm trước, trong đó: nợ xấu 358 tỷ đồng, tăng 11,18% so với đầu năm và giảm 32,83% so với cùng thời điểm năm trước.

II. Một số vấn đề xã hội

1. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Trong 6 tháng đầu năm 2022, chính sách người có công và an sinh xã hội được tỉnh quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, không phát sinh hộ đói. Công tác chăm lo, nuôi dưỡng các đối tượng khó khăn, cơ nhỡ được quan tâm. Hoạt động cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc cho nhu cầu sinh hoạt người dân trên địa bàn tỉnh được đảm bảo.

2. Giáo dục

Trong 6 tháng đầu năm 2022, quy mô giáo dục trong tỉnh tiếp tục được sắp xếp, củng cố về mạng lưới trường, lớp và nâng cao về chất lượng hoạt động. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường, từng bước đáp ứng nhu cầu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới, từng bước đáp ứng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ngoại ngữ, tin học và mở rộng thực hiện lớp 2 buổi/ngày, lớp bán trú ở những nơi có điều kiện.

3. Y tế

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 cơ bản ổn định, các bệnh truyền nhiễm được kiểm soát tốt, công tác chăm lo sức khỏe của người dân được quan tâm. Một số bệnh truyền nhiễm được ghi nhận đến cuối tháng 5 năm 2022 như: Bệnh sốt xuất huyết 1.986 ca (tăng 202,24% so với cùng kỳ); bệnh tay chân miệng 341 ca (giảm 80,87%); bệnh thủy đậu 16 ca (giảm 92,4%); bệnh lao phổi 125 ca (giảm 50,79%); bệnh quai bị 7 ca (giảm 53,33%); bệnh tiêu chảy 582 ca (giảm 49,13%); bệnh viêm gan B có 1.318 ca (giảm 26,4%); bệnh sởi lâm sàn 1 ca (giảm 87,50%); bệnh do vi rút adeno 133 ca (giảm 51,64%). Tổng số ca nhiễm HIV được phát hiện từ đầu năm đến cuối tháng 5 năm 2022 là 89 ca, giảm 32 ca so với cùng kỳ. Số bệnh nhân còn sống đang được quản lý là 3.262 nội tỉnh và 611 ca ngoại tỉnh. Trong 5 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

4. Lao động và việc làm

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, có 200 lao động sang nước ngoài làm việc chủ yếu tại Nhật Bản và Đài Loan; cấp 803 giấy phép cho người lao động nước ngoài; thẩm định nội quy 374 doanh nghiệp; xác nhận khai báo kiểm định 85 doanh nghiệp với tổng số 1.266 thiết bị.

Có 17.585 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp; trong đó xét duyệt 16.772 người; chi trợ cấp thất nghiệp 349,4 tỷ đồng; 66.772 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm; 192 người được hỗ trợ học nghề. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh tuyển sinh đào tạo được 10.320 lao động, đạt 44,87% kế hoạch (220 cao đẳng, 100 trung cấp, 4.671 sơ cấp, 5.329 dạy nghề dưới 3 tháng).

5. Văn hóa - thể thao

a. Văn hóa: Trong 6 tháng đầu năm 2022, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí đã được tỉnh tổ chức nhằm chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và giúp nâng cao tinh thần, cuộc sống cho người dân sau khoảng thời gian dài phải tạm ngưng để phòng chống dịch.

b. Thể thao: Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh tổ chức được 58 giải thi đấu thể thao phong trào. Trong đó, có Đại hội thể dục thể thao tỉnh lần thứ IX và các giải thi đấu thể thao trong chương trình Đại hội thể dục thể thao cấp huyện. Tính đến hiện tại, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 33,5%; số hộ gia đình thể thao đạt 25,7%; 100% số học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể.

6. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường

a. Cháy, nổ: Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ cháy (giảm 1 vụ so cùng kỳ năm trước); không có người chết và bị thương; tổng giá trị thiệt hại là 3.000 triệu đồng (tăng 1.170 triệu đồng).

b. Bảo vệ môi trường: Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử phạt 4 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường (giảm 13 vụ so với cùng kỳ năm trước); tổng số tiền phạt là 409 triệu đồng (giảm 2.591 triệu đồng). 

7. Tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông, 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 70 vụ tai nạn giao thông (giảm 2 vụ so cùng kỳ năm trước); làm chết 45 người (tăng 2 người); bị thương 34 người (giảm 8 người)./.

INFOGRAPHIC 6T.2022.pdf

[1] Theo công văn 753/TCTK-TKQG ngày 30/5/2022 của Tổng cục Thống kê.

[2] Quý I/2022 đạt 4,12% so cùng kỳ năm trước.

[3] Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2022 các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long: Hậu Giang tăng 11,0%; Cần Thơ tăng 8,04%; Bạc Liêu tăng 7,45%; Vĩnh Long tăng 6,69%; Sóc Trăng tăng 6,46%; Long An tăng 5,11%; An Giang tăng 4,98%; Kiên Giang tăng 4,42%; Cà Mau tăng 4,23%; Tiền Giang tăng 4,10%; Bến Tre và Đồng Tháp cùng tăng 3,83%; Trà Vinh giảm 2,37%.

[4] Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2022 các tỉnh Kinh tế trọng điểm phía Nam: Đồng Nai tăng 7,06%; Bình Phước tăng 6,91%; Bình Dương tăng 6,84%; Tây Ninh tăng 5,22%; Long An tăng 5,11%; Tiền Giang tăng 4,10%; Tp. Hồ Chí Minh tăng 3,82%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 3,41%.

[5] Lúa mùa 2021-2022: Diện tích gieo cấy đạt 1.594,5 ha, giảm 8,2% so với cùng kỳ. Diện tích thu hoạch đạt 1.594,5 ha, giảm 6,7% so với cùng kỳ; năng suất thu hoạch đạt 41,4 tạ/ha (tăng 20,5%); sản lượng đạt 6.606 tấn (tăng 12,4%). Lúa đông xuân 2021-2022: Diện tích gieo cấy đạt 225.926 ha, tăng 0,03% so cùng kỳ. Diện tích thu hoạch đạt 225.926 ha, tăng 0,03% so cùng kỳ; năng suất thu hoạch đạt 64,5 tạ/ha (giảm 3,0%); sản lượng đạt 1.456.627 tấn (giảm 3,1%).

 

 


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1