image banner
Thông cáo báo chí tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020

Kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2020 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu đang chứng kiến tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế; giá dầu thô giảm mạnh do căng thẳng giữa A-rập Xê-út và Liên bang Nga, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Iran, cùng với biến đổi khí hậu và đặc biệt là dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) bùng phát mạnh trên toàn cầu đã tác động tiêu cực đến kinh tế của các quốc gia trên thế giới[1]. Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục cắt giảm lãi suất cho thấy dấu hiệu suy giảm sâu của kinh tế Mỹ, nhiều nước châu Âu đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã đe dọa chuỗi cung ứng và làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, sản phẩm tiêu dùng. Trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao. Bên cạnh đó, thời tiết những tháng đầu năm không thuận lợi, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra sớm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng, dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn.

Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Long An đã chịu sự tác động tiêu cực mạnh mẽ của dịch bệnh Covid-19, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng sản xuất. Covid-19 có thể coi là "cú sốc" với nền kinh tế. Đặc biệt, vào giữa tháng Ba năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là "Đại dịch toàn cầu" thì tình hình phát triển kinh tế - xã hội càng trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp vừa phòng chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe người dân, vừa phòng chống suy giảm kinh tế và giữ vững ổn định xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Tình hình kinh tế - xã hội cụ thể tại Long An trong 6 tháng đầu năm 2020 như sau:

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 1,12% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất của nhiều năm qua[2]. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu lên phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo tính mạng và sức khỏe của nhân dân thì nền kinh tế của tỉnh vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm là thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,75%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,72%, đóng góp 2,26 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ âm 6,95%, lấy đi 1,88 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,59%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,75% đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua[3] là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 2,76%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ 2019 là 3,94%; ngành lâm nghiệp tăng 1,32% (cùng kỳ tăng 1,44%); ngành thủy sản tăng 3,08% (cùng kỳ tăng 6,13%).

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong việc tìm nguồn nguyên liệu sản xuất và thị trường đầu ra, do đó doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc giảm công suất hoạt động nên tăng trưởng chung của Ngành chỉ đạt mức 4,45% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 15,51% của cùng kỳ năm 2018 và 14,37% của cùng kỳ năm 2019, đóng góp 1,99 điểm phần trăm vào tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,26%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ 2019 là 14,31%, đóng góp 1,85 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,63%, cùng kỳ 2019 tăng 16,32%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Ngành xây dựng tăng 8,67%, cao hơn mức tăng 8,18% năm 2019, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng âm và là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2016-2020[4]. Sự suy giảm giá trị tăng thêm của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn của khu vực như: Bán buôn và bán lẻ giảm 11,56% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có mức giảm nhiều nhất, kéo giảm đến 0,80 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 26,40%, kéo giảm 0,76 điểm phần trăm; ngành kinh doanh bất động sản giảm 9,24%, kéo giảm 0,45 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi giảm 7,41%, kéo giảm 0,09 điểm phần trăm;…

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 18,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 49,97%; khu vực dịch vụ chiếm 25,91%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,95% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 17,84%; 48,70%; 27,71%; 5,75%).

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2020 gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát nhưng tốc độ tái đàn chậm; dịch Covid-19 cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt là những nước có quan hệ thương mại lớn với nước ta gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu nông sản của tỉnh.

a. Nông nghiệp               

Tổng diện tích xuống giống (vụ mùa và vụ đông xuân) là 228.986 ha, giảm 2,16% so với cùng kỳ. Đã thu hoạch xong, diện tích thu hoạch đạt 228.180 ha (giảm 2,50% so với cùng kỳ); năng suất thu hoạch đạt 64,9 tạ/ha (tăng 2,69%); sản lượng thu hoạch đạt 1.480.841 tấn (tăng 0,12%).

- Cây chanh: Diện tích ước tính là 11.210,5 ha, tăng 3,56% so cùng kỳ. Diện tích tăng là do trong những năm gần đây trồng chanh có hiệu quả nên người dân đã chuyển đổi từ một số cây trồng không hiệu quả (mía, khoai mỡ, …) và cải tạo vườn tạp để phát triển. Sản lượng ước đạt 78.263,1 tấn, tăng 14,94% so cùng kỳ.

- Cây thanh long: Diện tích ước tính 12.125 ha, tăng 2,39% so cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 167.519,1 tấn, tăng 7,19% so với cùng kỳ (sản lượng tăng do diện tích cho sản phẩm tăng).

Tại thời điểm 01/4/2020, đàn trâu có 7.442 con (giảm 0,40% so cùng thời điểm năm trước); đàn bò có 114.642 con (giảm 0,32%), trong đó: bò sữa là 20.142 con (tăng 3,70%); đàn dê có 13.550 con (tăng 0,61%); đàn heo có 59.320 con (giảm 63,92%); đàn gia cầm có 9.200,8 ngàn con (tăng 20,29%), trong đó: gà là 7.062,9 ngàn con (tăng 23,71%).

Ước 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng là 275,5 tấn (giảm 1,08% so cùng kỳ); bò là 2.416,0 tấn (tăng 2,16%); dê là 55,0 tấn (giảm 12,0%); lợn là 8.839,2 tấn (giảm 47,26%); gà là 13.292 tấn (tăng 16,65%); vịt, ngan, ngỗng là 4.567,0 tấn (tăng 21,61%). Sản lượng trứng gà là 155,3 triệu quả (tăng 47,90%); vịt, ngan, ngỗng là 46,4 triệu quả (tăng 29,61%). Sản lượng sữa bò tươi là 17.350 tấn (tăng 0,58%).

b. Lâm nghiệp

Diện tích rừng hiện có của tỉnh là 22.608,88 ha, gồm: rừng sản xuất là 18.596,94 ha, rừng đặc dụng là 1.961,44 ha và rừng phòng hộ là 2.050,50 ha. Rừng của tỉnh chủ yếu là rừng tràm, tràm bông vàng, bạch đàn có thời gian sinh trưởng từ 5 -7 năm cho thu hoạch sản phẩm (cừ xây dựng, gỗ bạch đàn, gỗ tràm bông vàng và gỗ tạp). Trong những năm gần đây trồng rừng tương đối có hiệu quả, nông dân đã khai thác và trồng lại, 6 tháng đầu năm 2020 ước trồng được 745 ha (trồng lại sau khai thác), tăng 1,22% so cùng kỳ. Có 2.439,5 ha rừng được chăm sóc, tăng 0,3% so cùng kỳ. Chủ yếu là chăm sóc trên diện tích mới khai thác và trồng lại trong những năm gần đây (rừng sản xuất là 2.425,0 ha, rừng phòng hộ là 14,0 ha và rừng đặc dụng là 0,5 ha). Tổng lượng gỗ khai thác ước đạt 68.950 m3 (tăng 1,45% so cùng kỳ), củi ước đạt 129.795 ster (tăng 1,49%), tre ước đạt 495 nghìn cây (tăng 0,81%). Công tác phòng chống cháy rừng được tập trung thực hiện; từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy rừng, các vụ cháy do được phát hiện sớm và dập tắt kịp thời nên chỉ có 03 vụ gây thiệt hại 0,188 ha.

c. Thủy sản

Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 32.728,3 tấn, tăng 4,45% so cùng kỳ. Bao gồm: Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 6.341,5 tấn, giảm 5,85% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác biển 6 tháng đầu năm ước đạt 3.574,7 tấn (giảm 11,83%), sản lượng giảm do số lượng tàu khai thác biển giảm, khai thác chủ yếu ven bờ trong khi sản lượng cá, tôm, mực ngày càng khan hiếm; sản lượng khai thác nội địa ước đạt 2.766,8 tấn (tăng 3,19%). Sản lượng thủy sản nuôi trồng nội địa ước đạt 26.386,8 tấn, tăng 7,27% so cùng kỳ. Trong đó: tôm sú sản lượng ước đạt 563,0 tấn (giảm 4,22%); tôm thẻ chân trắng sản lượng ước đạt 6.135,0 tấn (giảm 1,11%); cá tra nuôi công nghiệp sản lượng ước đạt 11.440,0 tấn (tăng 33,96%).

3. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,77% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,55%, công nghiệp điện tăng 7,97% và công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải tăng 9,59%.

Lũy kế đến cuối tháng 6 năm 2020 có 41/75 nhóm sản phẩm có tốc độ tăng so cùng kỳ, trong đó: 7 nhóm sản phẩm tăng trên 20% như sợi se từ các loại sợi tự nhiên (tăng 60,80%); dược phẩm chứa hoocmon nhưng không có kháng sinh dạng viên (tăng 22,85%); sản phẩm gia dụng và sản phẩm phục vụ vệ sinh khác bằng plastic (tăng 37,08%); gạch và gạch khối xây dựng (tăng 25,66%); sắt, thép không hợp kim cán phẳng (tăng 49,33%), hương cây (tăng 22,0%),… Số nhóm sản phẩm có tốc độ giảm là 34/75 nhóm, tập trung chủ yếu là bia đóng chai (giảm 16,17%); thức ăn cho gia súc (giảm 4,60%); vải dệt thoi từ sợi tơ tổng hợp (giảm 35,96%); áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc (giảm 64,22%); túi xách (giảm 36,83%); ...

4. Hoạt động doanh nghiệp

Đầu tư trong nước: Trong 6 tháng đầu năm 2020, thành lập mới 591 doanh nghiệp, với tổng số vốn 8.036 tỷ đồng; so với cùng kỳ giảm 15,8% về số lượng doanh nghiệp mới thành lập, giảm 24,1% về vốn đăng ký; giải thể 96 doanh nghiệp, tăng 22% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh 186 doanh nghiệp, tăng 39% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm, cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 57 dự án (giảm 50,4% so cùng kỳ), với số vốn đăng ký 7.102 tỷ đồng (giảm 17,5%); 11 dự án tăng vốn 2.341 tỷ đồng, tổng vốn cấp mới và tăng thêm 9.443 tỷ đồng. Đến nay có 1.966 dự án đầu tư trong nước được cấp phép với số vốn đăng ký 230.651 tỷ đồng.

Đầu tư nước ngoài: Trong 6 tháng đầu năm, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 49 dự án, tổng vốn đăng ký là 269,3 triệu USD, giảm 15,5% số dự án và tăng 29,1% số vốn đầu tư so với cùng kỳ. Đến nay tổng số dự án đăng ký trên địa bàn tỉnh là 1.066 dự án, vốn đăng ký là 6.504 triệu USD; trong đó có 585 dự án đi vào hoạt động, chiếm 54,8% tổng số dự án đăng ký, với tổng vốn thực hiện khoảng 3.624 triệu USD, đạt 55,7% tổng vốn đăng ký.

5. Đầu tư phát triển

Tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 18.255,06 tỷ đồng, tăng 6,64% so cùng kỳ năm trước và chiếm 30,63% GRDP, bao gồm: Vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.721,82 tỷ đồng, tăng 13,68%; Vốn ngoài nhà nước ước đạt 11.160,91 tỷ đồng, giảm 1,22%; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 4.372,33 tỷ đồng, tăng 27,67%.

6. Thương mại, giá cả

a. Nội thương

Ước 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 42.990,48 tỷ đồng, giảm 3,13% so cùng kỳ (cùng kỳ năm trước tăng 15,43%). Trong đó: bán lẻ hàng hóa ước đạt 37.225,37 tỷ đồng, tăng 0,77%; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 3.564,94 tỷ đồng, giảm 26,13%; dịch vụ khác ước đạt 2.200,17 tỷ đồng, giảm 15,78%.

b. Giá cả

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 4,72% so với cùng kỳ năm trước. Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, trong đó: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 11,47%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,02%; nhóm giáo dục tăng 3,00%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,80%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,32%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,78%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,68%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,48%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,30%. Nhóm giao thông giảm 9,41%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,36%.

7. Vận tải, du lịch

Vận tải: Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1.216,79  tỷ đồng, giảm 7,41% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách là 325,24 tỷ đồng, giảm 20,52%; vận tải hàng hóa là 717,49 tỷ đồng, giảm 0,48%. Khối lượng vận chuyển hành khách là 24.357,7 nghìn lượt người, giảm 25,18% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hành khách là 866.782,5 nghìn người.km, giảm 32,01%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa là 12.054,9 nghìn tấn, giảm 0,58% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hàng hóa là 594.633,5 nghìn tấn.km, giảm 1,49%.

Du lịch: Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh bị tác động nặng nề từ dịch Covid-19, lượng khách du lịch sụt giảm nghiêm trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, khách du lịch đến Long An ước đạt 325.000 lượt khách, giảm 74% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế ước đạt 1.300 lượt khách, giảm 96% so với cùng kỳ; doanh thu ước đạt 147 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 496 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó 55 khách sạn và 441 nhà nghỉ; 27 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 1 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành được cấp phép kinh doanh lữ hành nội địa.

8. Tài chính, tiền tệ

Tài chính: Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 8.150,95 tỷ đồng, giảm 13,57% so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa đạt 6.848,79 tỷ đồng, chiếm 84,02% trong tổng thu và giảm 9,88% so cùng kỳ (thu xổ số kiến thiết 860,0 tỷ đồng, chiếm 10,55% trong tổng thu và giảm 19,21% so cùng kỳ); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.302,15 tỷ đồng, chiếm 15,98% trong tổng thu và giảm 28,88% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 8.532,59 tỷ đồng, tăng 14,84% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 4.132,06 tỷ đồng, chiếm 48,43% trong tổng thu và tăng 23,57% so cùng kỳ; chi thường xuyên là 4.396,04 tỷ đồng, chiếm 51,52% trong tổng thu và tăng 7,71% so cùng kỳ.

Tiền tệ: Ước đến 30/6/2020, Tổng nguồn vốn hoạt động đạt 120.042 tỷ đồng, tăng 9,67% so với đầu năm và tăng 17,42% so cùng kỳ. Vốn huy động đạt 69.150 tỷ đồng, tăng 1,17% so với đầu năm và tăng 8,13% so cùng kỳ; trong đó, Vốn huy động ngắn hạn đạt 50.479 tỷ đồng, tăng 1,17% so với đầu năm và tăng 8,13% so cùng kỳ; Vốn huy động trung, dài hạn đạt 18.671 tỷ đồng, tăng 1,17% so với đầu năm và tăng 8,12% so cùng kỳ. Tổng dư nợ cho vay đạt 72.610 tỷ đồng, tăng 4,02% so với đầu năm và tăng 8,95% so cùng kỳ; trong đó, Cho vay ngắn hạn đạt 43.813 tỷ đồng, tăng 3,27% so với đầu năm và tăng 13,34% so cùng kỳ; Cho vay trung, dài hạn đạt 28.797 tỷ đồng, tăng 5,16% so với đầu năm và tăng 2,89% so cùng kỳ. Nợ xấu 681 tỷ đồng (tăng 64,10% so với đầu năm và tăng 73,72% so cùng kỳ).

9. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Trong 6 tháng đầu năm 2020, chính sách người có công và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời. Trên địa bàn tỉnh không phát sinh hộ đói. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định.

10. Giáo dục

Trong 6 tháng đầu năm 2020, quy mô giáo dục trong tỉnh tiếp tục được sắp xếp, củng cố về mạng lưới trường, lớp và nâng cao về chất lượng hoạt động. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường, từng bước đáp ứng nhu cầu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới, từng bước đáp ứng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ngoại ngữ, tin học và mở rộng thực hiện lớp 2 buổi/ngày, lớp bán trú ở những nơi có điều kiện.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong 6 tháng đầu năm 2020, học sinh trên địa bàn tỉnh được nghỉ học gần 03 tháng. Đến ngày 27/4/2020, học sinh lớp 9 và lớp 12 mới trở lại trường; cấp học THCS (lớp 6,7,8) và cấp học THPT (lớp 10,11) trở lại trường vào ngày 04/5; học sinh cấp học Mầm non, Tiểu học trở lại trường vào ngày 11/5.

11. Y tế

Tính đến thời điểm 19/6/2020, trên địa bàn tỉnh chưa có ca nhiễm Covid-19. Tổng số người cách ly là 2.479 người, trong đó: Số người cách ly tại cơ sở cách ly tập trung là: 642 người (06 người hiện đang cách ly và 636 người đã hoàn thành cách ly 14 ngày). Số người cách ly tại nhà, nơi lưu trú là: 1.837 người (5 người đang theo dõi cách ly và 1.832 người đã hoàn thành cách ly 14 ngày).

Một số bệnh truyền nhiễm khác được ghi nhận đến cuối tháng 5 năm 2020 như: Bệnh sốt xuất huyết 633 ca (giảm 55,8% so với cùng kỳ); bệnh tay chân miệng 224 ca (giảm 64,5%); bệnh tiêu chảy 1.272 ca (giảm 36,2%); bệnh thủy đậu 144 ca (giảm 26,1%); bệnh lao phổi 289 ca (tăng 13,7%); bệnh viêm gan siêu vi B 604 ca (tăng 57,7%); bệnh cúm 4.937 ca (giảm 25,2%). Tổng số ca nhiễm HIV được phát hiện từ đầu năm đến cuối tháng 5 năm 2020 là 116 ca, tăng 31 ca so với cùng kỳ. Số bệnh nhân còn sống đang được quản lý là 2.165 người. Trong 5 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

12. Lao động việc làm

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm luôn được tỉnh chú trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, đã giải quyết việc làm cho 8.541 lao động, đạt 28,47%. Thực hiện cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài: cấp mới 82 lao động, cấp lại 147 lao động; thẩm định thỏa ước lao động tập thể 71 doanh nghiệp, nội quy 64 doanh nghiệp.

Có 15.403 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, trong đó xét duyệt 12.071 người; chi trợ cấp thất nghiệp 201,3 tỷ đồng; 113 người được hỗ trợ học nghề; 46.499 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Tuyển sinh đào tạo 7.370 lao động, đạt 29,14% kế hoạch (2.126 sơ cấp, 5.244 dạy nghề dưới 3 tháng).

13. Văn hóa - thể thao

Văn hóa: Ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp hầu như tạm dừng hoặc hoãn tổ chức theo chỉ đạo của tỉnh, 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh chỉ tổ chức được 11 suất biểu diễn doanh thu các chương trình văn nghệ, xiếc và nghệ thuật cải lương, doanh thu 278 triệu đồng.

Thể thao: Do dịch Covid-19 kéo dài, toàn bộ công tác tổ chức thi đấu các giải thể thao trên địa bàn tỉnh trong quý II/2020 phải tạm dừng để tập trung tuyên truyền và phòng, chống dịch. Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh chỉ tổ chức được 19 giải thể thao với các môn quần vợt, cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, cờ tướng và việt dã...

14. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường

Cháy nổ: Trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy (giảm 25,0% so cùng kỳ năm trước); không có người chết và bị thương; tổng giá trị thiệt hại của 5 vụ là 11.735 triệu đồng.

Bảo vệ môi trường: Trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử phạt 23 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường (tăng 76,9% so với cùng kỳ năm trước); tổng số tiền phạt là 3.967 triệu đồng (tăng 146,6%). 

15. Tai nạn giao thông

Trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 79 vụ tai nạn giao thông (giảm 20,2% so cùng kỳ năm trước); làm chết 50 người (giảm 19,4%); bị thương 45 người (giảm 50,6%).

CỤC THỐNG KÊ LONG AN

Infographic tinh hinh kinh te - xa hoi 6 thang dau nam 2020

[1] Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm 3% trong năm 2020, xấu hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra hai kịch bản, theo đó trong kịch bản xấu nếu dịch COVID-19 bùng phát lần 2, GDP toàn cầu giảm 7,6% trong năm 2020. Với kịch bản có thể tránh được COVID-19 bùng phát lần 2, GDP thế giới sẽ tăng trưởng -6,0% trong năm 2020. Liên hợp quốc (UN) cho rằng GDP toàn cầu sẽ giảm 4,9% trong năm 2020. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2020 giảm 5,2%, suy thoái lớn nhất trong gần 80 năm qua. Trung Quốc, quốc gia được coi là công xưởng của thế giới, gần rơi vào suy thoái với tăng trưởng đạt 1%, mức thấp nhất trong hơn bốn thập kỷ qua. Năm 2020, dự báo tăng trưởng của Hoa Kỳ giảm 6,1%, khu vực đồng Euro giảm 9,1%, Nhật Bản giảm 6,1%, Ma-lai-xi-a giảm 3,1%, Thái Lan giảm 5,0%, Phi-li-pin giảm 1,9%. Biến động tiêu cực trên thị trường thương mại và tài chính, tăng trưởng tại nhiều nền kinh tế phát triển và mới nổi giảm mạnh với không ít rủi ro đặt ra nhiều thách thức cho các chính phủ trên toàn cầu.

[2]   Tốc độ tăng GRDP 6 tháng đầu năm lần lượt là: Năm 2016 tăng 8,11%; năm 2017 tăng 8,86%; năm 2018 tăng 10,22%; năm 2019 tăng 9,33%; năm 2020 tăng 1,12%.

[3] Tốc độ tăng/giảm giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm lần lượt là: Năm 2016 giảm 2,69%, năm 2017 tăng 0,31%, năm 2018 tăng 4,82%, năm 2019 tăng 4,00%, năm 2020 tăng 2,75%.

[4] Tốc độ tăng/giảm giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2016 - 2020 lần lượt là: Năm 2016 tăng 6,27%; năm 2017 tăng 6,57%; năm 2018 tăng 7,42%; năm 2019 tăng 6,32%; năm 2020 giảm 6,95%.


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1