image banner
Điều tra Nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ 01/7/2020 - Kết quả chủ yếu

Cuộc điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 tiến hành vào thời điểm 01/7/2020 theo Quyết định số 1695/QĐ-TCTK ngày 31/12/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Đây là cuộc điều tra chọn mẫu quy mô lớn trên phạm vi cả nước với mục đích: Thu thập thông tin tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu về nông thôn, nông nghiệp trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; Cung cấp thêm thông tin thống kê phục vụ việc đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển nông thôn, nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời đáp ứng các nhu cầu khác về thông tin thống kê phân tích, dự báo tình hình nông thôn, nông nghiệp và nông dân; Cập nhật cơ sở dữ liệu thống kê về nông thôn, nông nghiệp và xây dựng dàn mẫu cho một số cuộc điều tra mẫu trong lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp.

Sau đây là một số kết quả chủ yếu từ cuộc điều tra trên địa bàn tỉnh.

Số hộ và số nhân khẩu khu vực nông thôn theo xu hướng tăng, số lượng xã, ấp thu hẹp

Theo kết quả điều tra, tại thời điểm 01/7/2020, toàn tỉnh có 161 xã với 833 ấp, giảm 5 xã và 51 ấp so năm 2016. Sự biến động số xã là kết quả thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn ban hành trong những năm 2016 - 2020.  Khu vực nông thôn có trên 369 ngàn hộ, tăng hơn 40,6 ngàn hộ (tăng 12,37 điểm %) với số nhân khẩu trên 1,384 triệu người, tăng gần 172 ngàn người (tăng 14,2 điểm %) so năm 2016. Tính ra, trong 5 năm (2016  2020), khu vực nông thôn tăng 12,4% về số hộ và tăng 14,2% về số nhân khẩu. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng cư dân nông thôn. Đối với số hộ, có sự chia tách hộ; đồng thời quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa nông thôn, nhất là địa bàn nông thôn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, dịch vụ đã thu hút ngày càng nhiều lao động và theo đó là hộ dân cư từ khu vực thành thị trở về quê hương lập nghiệp hoặc đến định cư. Đối với số nhân khẩu, ngoài những nguyên nhân chủ yếu nêu trên còn có sự gia tăng quy mô hộ gia đình, từ mức bình quân 3,69 người/hộ năm 2016 lên 3,75 người/hộ năm 2020.

Kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới

Mạng lưới cung cấp điện bao phủ hầu khắp khu vực nông thôn, vươn tới địa bàn vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của cư dân. Tính đến 01/7/2020, có 100% xã (161 xã) có điện lưới quốc gia (bằng năm 2016), 100% ấp (833 ấp) có điện, tăng 1,11 điểm % so năm 2016; tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng điện đạt 99,91% (cao hơn tỷ lệ 99,6% của cả nước), tăng 0,26 điểm % so năm 2016. Việc quản lý và phân phối điện khu vực nông thôn đã được nâng cao chất lượng dịch vụ.

Hệ thống giao thông tiếp tục được xây dựng mới và nâng cấp, bảo đảm tính kết nối cao. Đường giao thông được nâng cấp mở rộng, trải nhựa hoặc bê tông theo chuẩn quốc gia về nông thôn mới theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Tại thời điểm 01/7/2020, toàn tỉnh có 100% xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã; trong đó có 150/161 xã (chiếm 93,17%) có đường trải nhựa hoặc bê tông từ trụ sở UBND xã đến trụ sở UBND huyện, thành phố, thị xã; 94,24% đường giao thông xe ô tô có thể đi được đến ấp, tăng 4,24 điểm % so với năm 2016.

Hệ thống thủy nông được đầu tư kiên cố hóa, nâng cao năng lực tưới tiêu. Tại thời điểm 01/7/2020, có 218 trạm bơm phục vụ sản xuất NLTS, tăng 60 trạm so năm 2016, bình quân 1,35 trạm/xã. Mạng lưới khuyến nông, lâm, ngư, thú y được củng cố, phat huy hiệu quả trong việc chuyển giao công nghệ và phòng, chống dịch bệnh với 98,76% xã có cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tăng 0,57 điểm % và 95% xã có cán bộ thú y, tăng 0,5 điểm % so năm 2016.

Hệ thống trường học các cấp tiếp tục được đầu tư nâng cấp với trang thiết bị chuẩn quốc gia theo chủ trương xã hội hóa giáo dục. Năm 2020, toàn tỉnh có 161 xã có trường tiểu học, đạt 100% tổng số xã trên địa bàn tỉnh (năm 2016 đạt 99,4%); 126 xã có trường trung học cơ sở, đạt 78,26% (năm 2016 đạt 73,49%); 160 xã có trường mẫu giáo/mầm non, đạt 99,38% (năm 2016 đạt 98,17%). 100% các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học và mầm non đều được kiên cố hóa. Toàn tỉnh có 16/16 trường trung học phổ thông, 123/127 trường trung học cơ sở, 166/181 trường tiểu học, 134/177 trường mầm non/mẫu giáo tại khu vực nông thôn đạt chuẩn quốc gia.

Hệ thống thiết chế văn hóa được bổ sung hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thụ hưởng văn hóa và cập nhật thông tin của dân cư. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 147 xã có nhà văn hoá, đạt 91,3% tổng số xã (năm 2016 đạt 75,9%); 100% xã có tủ sách pháp luật; 100% xã có hệ thống loa truyền thanh đến ấp. Số ấp được công nhận Ấp văn hóa tăng nhanh, từ 82,24% (năm 2016) tăng lên 98,2% (năm 2020).

Hệ thống y tế được tăng cường cả về cơ sở vật chất và nhân lực, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân nông thôn. Cơ sở y tế xã phát triển cả về số lượng cơ sở y tế tư nhân, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, cơ sở vật chất và các trang thiết bị khám chữa bệnh. Đến ngày 01/7/ 2020, có 152 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo bộ tiêu chí ban hành theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT của Bộ Y tế, chiếm 94,4% tổng số xã, tăng 1,7 lần (tăng 60 xã) so năm 2016. Có 86,79% trạm y tế xã được xây dựng kiên cố (tăng 31,37 điểm % so năm 2016), chỉ còn 13,2% xây dựng bán kiên cố. Số bác sĩ được đưa về trạm y tế xã với 160 bác sĩ, tăng 7 người so năm 2016. Ngoài ra, hệ thống y tế khu vực nông thôn còn có 321 y sỹ; 128 nữ hộ sinh; 119 y tá; 160 dược sỹ và 16 dược tá. Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, có 65 xã, chiếm 40,37% số xã có cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân (tăng 18 xã so năm 2016); có 152 xã, chiếm 94,4% số xã có cửa hàng dược phẩm (tăng 8 xã so năm 2016).

Hạ tầng vệ sinh môi trường nông thôn có những mặt được cải thiện. Năm 2020, toàn tỉnh có 112 xã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, chiếm 69,57% với 591 công trình cấp nước tập trung; số hộ sử dụng nước máy cũng tăng nhanh, từ 14,16% (năm 2016) tăng lên 56,78% (năm 2020). Toàn tỉnh có 96 xã và 276 ấp đã xây dựng hệ thống thoát nước thải chung, chiếm tỷ lệ 56,78% số xã và 33,13% số ấp. Hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn được quan tâm để phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Các địa phương đã ưu tiên phát triển các ngành kinh tế theo hướng ít ô nhiễm môi trường, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Năm 2020, toàn tỉnh có 151 xã có tổ chức (hoặc thuê) thu gom rác thải, chiếm tỷ lệ 93,79% (năm 2016 có 85,54%); có 542 ấp có tổ chức thu gom rác thải, chiếm tỷ lệ 65,07% (năm 2016 là 56,0%).

Mạng lưới chợ nông thôn, cơ sở kinh doanh vật tư, hàng nông sản được nâng cấp, mở rộng là điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Năm 2020, toàn tỉnh có 83 xã có chợ, chiếm 51,5% số xã; trong đó có 68 xã có chợ được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, chiếm 81,9% (năm 2016 đạt 67,0%). Cùng với mạng lưới chợ, có 155 xã, chiếm 96,27% số xã có cơ sở thu mua, chế biến nông, lâm, thủy sản, thủy sản với 1.852 cơ sở, tăng gấp 3 lần so năm 2016; bình quân 129 cơ sở/xã. Số xã có hợp tác xã (HTX) đang hoạt động tăng nhanh, năm 2020 là 126 xã, tăng 55 xã so năm 2016 với số HTX đang hoạt động là 164 HTX, tăng 99 HTX so năm 2016; 128 xã có tổ hợp tác, tăng 8 xã so năm 2016.

Phong trào xây dựng nông thôn mới được sự đồng thuận cao của nhân dân, đã huy động được nguồn lực lớn đầu tư phát triển nông thôn, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi

Giai đoạn 2010 - 2020, toàn tỉnh đã đầu tư gần 123,3 ngàn tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong đó ngân sách Trung ương gần 1 ngàn tỷ đồng, chiếm 0,8%; ngân sách tỉnh 573 tỷ đồng, chiếm 0,5%; lồng ghép các chương trình, dự án trên 10,8 ngàn tỷ đồng, chiếm 8,8%; vốn tín dụng 103,6 ngàn tỷ đồng, chiếm 84%; còn lại trên 7,2 ngàn tỷ đồng, chiếm 5,8% là nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ và nhân dân đóng góp.

Đến hết năm 2020, có 103/161 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 64%; trong đó 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 7,8%; huyện Châu Thành về đích nông thôn mới và thành phố Tân An hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Tân Trụ và thị xã Kiến Tường đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, đang lập hồ sơ trình Trung ương xét công nhận. Sau 10 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn tỉnh đã có nhiều thay đổi và có những chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế nông thôn tăng trưởng khá, chuyển dịch theo hướng tăng sản xuất công nghiệp, dịch vụ, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống người dân từng bước được nâng lên.

Trang thiết bị, điều kiện làm việc, hạ tầng công nghệ thông tin tại trụ sở UBND xã được cải thiện, phục vụ tốt hơn yêu cầu cải cách thủ tục hành chính

Năm 2020, có 96,89% trụ sở làm việc của UBND xã được xây dựng kiên cố, tăng 5,93 điểm % so năm 20116; chỉ còn 3,11% trụ sở UBND xã xây dựng bán kiên cố. 100% trụ sở làm việc của UBND xã có máy vi tính kết nối Internet, tăng15,39 điểm % so năm 2016. Số máy vi tính trang bị cho cán bộ, công chức xã sử dụng bình quân 22 máy/ xã, tăng 6 máy/xã so năm 2016, trong đó có 20 máy kết nối mạng internet.

Cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn có sự chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao dần tỷ trọng của khu vực phi nông nghiệp

Toàn tỉnh có 186.876 hộ hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (NLTS), trong đó khu vực nông thôn chiếm 94,1%, khu vực thành thị chiếm 5,9%. Tại khu vực nông thôn, có 175.869 hộ hoạt động trong lĩnh vực NLTS nhưng nguồn thu nhập lớn nhất từ NLTS chỉ chiếm 60,45% tổng số hộ, còn lại là thu nhập từ công nghiệp - xây dựng (CNXD) chiếm 24,54%, dịch vụ là 9,64%. Tổng số lao động của hộ NLTS phân theo việc làm chủ yếu là 262,24 ngàn lao động; trong đó, lao động làm việc chủ yếu trong ngành NLTS chiếm 80,14%, ngành CNXD chiếm 12% và dịch vụ chiếm 7,8%. Điều này cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành nghề trong hộ NLTS đã đa dạng hơn, không chỉ bó hẹp trong hoạt động NLTS mà đã tập trung vào ngành nghề phi NLTS để đáp ứng nhu cầu của xã hội và tăng thêm thu nhập của người dân.

Kinh tế trang trại tiếp tục phát huy hiệu quả

Tính đến 01/7/2020 toàn tỉnh có 621 trang trại (theo tiêu chí Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT), giảm 469 trang trại (giảm 43%) so với năm 2016 (do thay đổi về tiêu chí). Tất cả 15 huyện, thị, thành phố đều có trang trại, nhưng tập trung nhiều nhất tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Phần lớn là trang trại trồng trọt, chiếm  74,24% tổng số trang trại. Các trang trại đã sử dụng gần 7.500 ha đất sản xuất NLTS, bình quân 12 ha/trang trại, tăng 3 ha so năm 2016; sử dụng thường xuyên trên 2.500 lao động, bình quân 4 lao động/trang trại, giảm nhẹ so năm 2016 do nhiều khâu sản xuất đã được cơ giới hóa. Tổng giá trị sản xuất NLTS theo giá hiện hành thu được đạt 1.633,5 tỷ đồng, bình quân 2,63 tỷ đồng/trang trại, tăng 833 triệu đồng/trang trại so năm 2016. Các trang trại đã đầu tư thiết bị, công nghệ, mở rộng diện tích theo hướng sản xuất hàng hóa nên tuy giảm về số lượng nhưng quy mô và hiệu quả kinh tế trang trại đều tăng so năm 2016.

Kết quả từ điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ đã cung cấp một bức tranh tổng quát về thực trạng và xu hướng phát triển nông thôn, nông nghiệp của tỉnh trong 5 năm qua là khá toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số điểm hạn chế: Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch chậm và không đồng đều giữa các huyện trong tỉnh. Trong nội bộ ngành NLTS, số lượng hộ và lao động trong ngành lâm nghiệp và thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ. Quy mô trang trại còn nhỏ, còn khó khăn do thiếu vốn, thiếu khoa học kỹ thuật, thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm, sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Kết cấu hạ tầng ở một số địa phương, cơ sở vẫn yếu kém; tỷ lệ chợ nông thôn đạt tiêu chuẩn còn thấp; tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt, hệ thống thoát nước thải tập trung còn thấp, v.v… Trong thời gian tới, cần có hệ thống các giải pháp đồng bộ và hiệu quả để đưa nông thôn, nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại và bền vững./.

Hữu Thinh


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1