image banner
Thông cáo báo chí quý II và 6 tháng đầu năm 2024

Tình hình kinh tế thế giới giữa tháng 6 năm 2024, được Liên Hợp Quốc nhận định đã cải thiện đáng kể so với đầu năm. Hầu hết các nền kinh tế lớn đã giảm lạm phát mà không làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất cao trong thời gian dài, khó khăn về nợ và rủi ro địa chính trị leo thang sẽ tiếp tục thách thức tăng trưởng bền vững của nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, Liên Hợp Quốc dự báo nền kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng 2,7% năm 2024 (tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2024). Điều chỉnh tăng chủ yếu phản ánh triển vọng được cải thiện ở Hoa Kỳ và một số nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt Ấn Độ và Bra-xin.

Trong nước, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương nỗ lực cố gắng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Các giải pháp đồng bộ đã được triển khai thực hiện đồng hành với sự ủng hộ của Nhân dân cả nước và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, tạo động lực khôi phục, phát triển kinh tế nhanh, bền vững cho từng lĩnh vực và từng địa phương.

Tại Long An, dưới sự điều hành, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Tỉnh ủy, sự quan tâm sâu sắc, giám sát thường xuyên của Hội đồng nhân dân tỉnh, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Ủy ban nhân dân tỉnh và sự nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh; triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực ngay từ đầu năm với tinh thần vượt lên khó khăn, thách thức, kịp thời khắc phục những hạn chế bất cập,… nên tình hình kinh tế - xã hội quý II/2024 và 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục có xu hướng phục hồi và đạt được nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực, cụ thể như sau:

I. Tăng trưởng kinh tế

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính quý II năm 2024 tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,26%[1]. Đạt được mức tăng trưởng trên cho thấy chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An, sự điều hành, chỉ đạo sát sao của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành, sự nổ lực vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả trong điều kiện kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, bất ổn, lạm phát vẫn neo ở mức cao, xung đột địa chính trị và cạnh tranh chiến lược của các nước lớn có khả năng tiếp tục làm gia tăng chi phí của các tuyến vận tải biển, tiềm ẩn nguy cơ gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Với kết quả tăng trưởng trên, Long An đứng thứ 47 của cả nước, đứng thứ 7/8 tỉnh/thành vùng Kinh tế trọng điểm phía nam[2] và đứng thứ 11/13 tỉnh/thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long[3].

Trong mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm của tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,93%, đóng góp 0,48 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,54%, đóng góp 2,78 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,46%, đóng góp 1,74 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,05%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,63% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 49,62%; khu vực dịch vụ chiếm 27,69%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,06% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2023 là: 15,79%; 51,02%; 27,02%; 6,17%).

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp          

Tổng diện tích xuống giống (vụ mùa và vụ đông xuân) là 236.806,58 ha, tăng 4,55% so với cùng kỳ. Đã thu hoạch xong, diện tích thu hoạch đạt 236.806,58 ha, tăng 4,55% so với cùng kỳ; năng suất thu hoạch đạt 65,96 tạ/ha (giảm 2,49%); sản lượng thu hoạch đạt 1.561.885 tấn (tăng 1,95%). Đến thời điểm này lúa hè thu đã gieo sạ 217.083,01 ha, giảm 0,31% so với cùng kỳ, diện tích giảm chủ yếu là do các huyện phía nam của tỉnh bị hạn mặn, thiếu nguồn nước ngọt để gieo sạ.

Một số cây hàng năm khác: Rau các loại trồng được 8.400 ha, giảm 6,77% so cùng kỳ; sản lượng đạt 157.300 tấn (giảm 7,62%). Cây bắp (ngô) trồng được 306,66 ha (giảm 1,20%); sản lượng 1.174,48 tấn (tăng 29,11%). Cây đậu phộng trồng được 141,30 ha (giảm 2,15%); sản lượng đạt 380,06 tấn (tăng 2,50%). Cây mía trồng được 96,36 ha (tăng 47,11%); sản lượng đạt 2.742,03 tấn (tăng 113,13%). Cây khoai mì trồng được 1.013,15 ha (tăng 37,71%); sản lượng đạt 8.405,35 tấn (tăng 59,44%). Cây khoai mỡ trồng được 2.850,12 ha (tăng 8,83%); sản lượng đạt 2.712,21 tấn (tăng 5,66%). Cây khoai lang trồng được 51,03 ha (tăng 62,05%); sản lượng đạt 286,74 tấn (tăng 71,52%).

Một số cây lâu năm chủ yếu: Cây thanh long diện tích ước đạt 7.681,10 ha (tăng 2,48% so cùng thời điểm năm trước); sản lượng ước đạt 107.700 tấn ( tăng 5,02% so với cùng kỳ. Cây chanh diện tích ước đạt 11.256 ha (giảm 1,03%); sản lượng ước đạt 90.254 tấn (giảm 1,91%). Cây dứa (thơm) diện tích ước có 1.272,80 ha (tăng 32,06%); sản lượng ước đạt 12.928 tấn (tăng 17,98%). Cây dừa diện tích ước có 1.960 ha (tăng 0,36%); sản lượng ước đạt 18.414 tấn (tăng 6,64%).

Ước đến cuối tháng 6/2024, đàn trâu có 5.200 con (giảm 11,62% so cùng thời điểm năm trước); đàn bò 109.800 con (giảm 4,44%), trong đó: bò sữa 12.900 con (giảm 14,63%); đàn dê có 10.600 con (giảm 0,45%); đàn heo 82.000 con (giảm 19,10%); đàn gia cầm 10.121 nghìn con (tăng 3,80%), trong đó: gà 8.475 nghìn con (tăng 1,76%).

Ước 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng là 247 tấn (giảm 5,0% so cùng kỳ); bò 4.900 tấn (giảm 5,81%); dê 43 tấn (giảm 14,0%); lợn 11.335 tấn (giảm 1,15%); gia cầm 27.998,91 tấn (tăng 17,86%), trong đó: gà là 20.860 tấn (tăng 18,01%). Sản lượng trứng gia cầm 365 triệu quả (tăng 10,73%), trong đó: trứng gà 320 triệu quả (tăng 12,13%); sản lượng sữa bò tươi 15.000 tấn (giảm 12,46%).

b. Lâm nghiệp

Diện tích rừng toàn tỉnh hiện nay là 20.992,34 ha, trong đó: Rừng đặc dụng 1.833,79 ha; rừng phòng hộ 2.087,58 ha; rừng sản xuất 17.000,79 ha. Diện tích rừng trồng mới tập trung 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 350 ha diện tích rừng trồng mới (giảm 1,41% so với cùng kỳ); cây trồng phân tán là 750 nghìn cây (giảm 16,67%). Khai thác lâm nghiệp trong 6 tháng đầu năm không có nhiều biến động: gỗ khai thác ước đạt 62,80 nghìn m3 (giảm 3,38%), củi ước đạt 70,60 nghìn ster (giảm 4,59%).

Tình hình cháy rừng: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ cháy, không gây thiệt hại về rừng.

c. Thủy sản

Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 72.761 tấn, tăng 13,91% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 59.562 tấn (tăng 18,03%); tôm đạt 9.876 tấn (giảm 6,70%); thủy sản khác đạt 3.323 tấn (tăng 17,45%).

Sản lượng thủy sản khai thác trong 6 tháng đầu năm ước đạt 3.251 tấn, giảm 0,10% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 2.260 tấn (giảm 0,07%); tôm đạt 418 tấn (giảm 0,10%); thủy sản khác đạt 573 tấn (giảm 0,24%).

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong 6 tháng ước đạt 69.510 tấn, tăng 14,66% so với cùng kỳ năm trước, gồm: Cá đạt 57.302 tấn (tăng 18,88%), trong đó: sản lượng cá tra ước đạt 53.090 tấn (tăng 23,42%); tôm đạt 9.458 tấn (giảm 6,97%), trong đó gồm: tôm sú 770 tấn (tăng 12,41%), tôm thẻ chân trắng 8.667 tấn (giảm 8,39%), tôm càng xanh 21 tấn (bằng với cùng kỳ); thủy sản khác đạt 2.750 tấn (tăng 21,95%);...

3. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý II năm 2024 tăng 10,05% so quý trước và tăng 6,28% so cùng kỳ. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,35% so quý trước và tăng 5,87% so cùng kỳ; công nghiệp điện tăng 8,13% so quý trước và tăng 13,15% so cùng kỳ; công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải giảm 0,75% so quý trước và tăng 6,63% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,67% so với cùng kỳ, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,26%; công nghiệp điện tăng 11,51%; công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải tăng 9,30%.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như: ngành sản xuất thiết bị điện tăng 41,97%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 26,45%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 20,13%; sản  xuất sản phẩm thuốc lá tăng 19,10%; sản xuất đồ uống tăng 15,39%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 13,60%.

Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 45/68 nhóm sản phẩm có tốc độ tăng so cùng kỳ, trong đó: 17/45 nhóm sản phẩm tăng trên 20%; 16/45 nhóm sản phẩm tăng từ 10% - 20%; 12/45 nhóm sản phẩm tăng dưới 10%. Có 23/68 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm so với cùng kỳ, trong đó: 6/23 nhóm sản phẩm giảm trên 20%; 9/23 nhóm sản phẩm giảm từ 10% - 20%; 8/23 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm dưới 10%.

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 giảm 1,71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,75%; ngành công nghiệp điện tăng 0,22%; ngành công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải tăng 0,20%.

4. Hoạt động doanh nghiệp

a. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trong tháng 6  năm 2024, thành lập mới 287 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 2.056 tỷ đồng; so với cùng kỳ tăng 58% về doanh nghiệp mới thành lập và giảm 5% về vốn đăng ký; giải thể 15 doanh nghiệp (giảm 37%); tạm ngừng hoạt động kinh doanh 37 doanh nghiệp (giảm 14%); có 26 doanh nghiệp thông báo tạm dừng hoạt động và hiện nay đã có thông báo hoạt động trở lại (giảm 25%).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, có 1.199 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 42% so với cùng kỳ), tổng số vốn đăng ký 9.986 tỷ đồng (tăng 25%); giải thể 118 doanh nghiệp (tăng 5%); tạm ngừng hoạt động kinh doanh 572 doanh nghiệp (tăng 35%); có 259 doanh nghiệp thông báo tạm dừng hoạt động và hiện nay đã có thông báo hoạt động trở lại (tăng 8%).

b. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

 Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh tại 106 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II năm 2024 cho thấy: Có 38 doanh nghiệp (chiếm 35,85%), đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý trước; 51 doanh nghiệp (chiếm 48,11%), cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 17 doanh nghiệp (chiếm 16,04%), đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý III năm 2024, điều tra 106 doanh nghiệp thì 39 doanh nghiệp (chiếm 36,79%), đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II năm 2024; 51 doanh nghiệp (chiếm 48,12%), cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 16 doanh nghiệp (chiếm 15,09%), dự báo khó khăn hơn.

5. Đầu tư phát triển

Tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện quý II năm 2024 ước đạt 13.636,31 tỷ đồng, tăng 36,58% so quý trước và tăng 13,0% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.712,09 tỷ đồng, tăng 51,55% so quý trước và tăng 11,19% so cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước ước đạt 7.734,09 tỷ đồng, tăng 35,54% so quý trước và tăng 10,70% so cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 3.190,13 tỷ đồng, tăng 28,20% so quý trước và tăng 20,78% so cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 23.620,52 tỷ đồng, tăng 12,98% so cùng kỳ năm trước và chiếm khoảng 26,63% GRDP, bao gồm: vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.501,69 tỷ đồng (tăng 24,23%); vốn ngoài nhà nước ước đạt 13.440,23 tỷ đồng (tăng 9,42%); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 5.678,60 tỷ đồng (tăng 13,59%).

6. Thương mại, giá cả

6.1. Nội thương

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tháng 6 năm 2024 ước đạt 8.998,30 tỷ đồng, tăng 4,24% so tháng trước và tăng 30,80% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 5.750,66 tỷ đồng, tăng 2,05% so với tháng trước và tăng 36,79% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 912,41 tỷ đồng, tăng 6,54% so với tháng 5/2024 và tăng 25,87% so với tháng 6/2023; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 2.335,23 tỷ đồng, tăng 9,08% so với tháng trước và tăng 19,72% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II năm 2024 ước đạt 25.907,85 tỷ đồng, tăng 4,71% so quý trước và tăng 22,49% so cùng kỳ. Trong đó: bán lẻ hàng hóa ước đạt 16.739,14 tỷ đồng, tăng 6,20% so quý trước và tăng 30,59% so cùng kỳ; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 2.626,94 tỷ đồng, tăng 4,64% so quý trước và tăng 17,13% so cùng kỳ; dịch vụ khác ước đạt 6.541,77 tỷ đồng, tăng 1,10% so quý trước và tăng 7,40% so cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 50.650,36 tỷ đồng, tăng 17,98% so cùng kỳ. Trong đó: bán lẻ hàng hóa ước đạt 32.500,42 tỷ đồng (tăng 22,22%); dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 5.137,36 tỷ đồng (tăng 14,85%); dịch vụ khác ước đạt 13.012,58 tỷ đồng (tăng 9,65%).

6.2. Giá cả

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2024 tăng 0,26% so với tháng trước và tăng 3,23% so cùng kỳ. Có 8/11 nhóm có CPI tăng so với tháng trước, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 0,95%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,45%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,34%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,11%; nhóm giáo dục tăng 0,08%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,06%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,01%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giá không đổi so với tháng 5 năm 2024. Riêng nhóm giao thông giảm 2,65% so với tháng trước.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý II năm 2024 tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước. Có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ trong rổ hàng hóa có CPI tăng so với cùng kỳ, trong đó: nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh nhất 9,59%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 8,06%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,11%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,79%; nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình và nhóm giao thông đều tăng 3,24%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,95%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,92%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,32%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,37%. Riêng nhóm giáo dục có chỉ số giá giảm 15,86% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 3,95% so với cùng kỳ năm trước. Có 11/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, trong đó: nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh nhất 9,59%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 7,67%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,51%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,38%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,22%; nhóm giáo dục tăng 2,42%; nhóm giao thông tăng 2,17%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 2,05%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,83%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,09%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,43%.

Chỉ số giá vàng tháng 6/2024 giảm 0,54% so với tháng trước và tăng 33,20% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2024 giảm 0,01% so với tháng trước và tăng 7,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý II năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 31,64% so cùng kỳ; chỉ số giá đô la Mỹ tăng 7,21%. Bình quân 6 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 24,88% so cùng kỳ; chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,52%.

7. Vận tải, du lịch

a. Vận tải

 Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi tháng 6 năm 2024 ước đạt 585,29 tỷ đồng, tăng 2,95% so tháng trước và tăng 21,34% so cùng kỳ. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 71,71 tỷ đồng, tăng 7,71% so tháng trước và tăng 21,20% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 277,25 tỷ đồng, tăng 2,13% so tháng trước và tăng 26,69% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hành khách ước 2.098,88 nghìn lượt người, tăng 6,66% so tháng trước và tăng 12,61% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 48.846,03 nghìn lượt người.km, tăng 6,47% so tháng trước và tăng 10,60% so cùng kỳ. Khối lượng vận tải hàng hóa ước đạt 1.550,15 nghìn tấn, tăng 1,78% so tháng trước và tăng 8,56% so cùng kỳ; luân chuyển được 57.273,32 nghìn tấn.km, tăng 0,94% so tháng trước và tăng 6,47% so cùng kỳ.

Doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi quý II năm 2024 ước đạt 1.696,48 tỷ đồng, tăng 5,97% so quý trước và tăng 20,85% so cùng kỳ. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 207,39 tỷ đồng, tăng 8,71% so quý trước và tăng 26,84% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 802,99 tỷ đồng, tăng 7,10% so quý trước và tăng 19,16% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hành khách ước 6.109,64 nghìn lượt người, giảm 4,27% so quý trước và tăng 18,95% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 141.744,37 nghìn lượt người.km, giảm 1,58% so quý trước và tăng 14,93% so cùng kỳ. Khối lượng vận tải hàng hóa ước đạt 4.653,10 nghìn tấn, giảm 11,31% so quý trước và tăng 2,44% so cùng kỳ; luân chuyển được 173.641,46 nghìn tấn.km, giảm 16,18% so quý trước và tăng 1,61% so cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi ước đạt 3.297,38 tỷ đồng, tăng 21,19% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách 398,17 tỷ đồng, tăng 36,13%; vận tải hàng hóa là 1.552,78 tỷ đồng, tăng 15,17%. Khối lượng vận chuyển hành khách là 12.491,58 nghìn lượt người, tăng 23,86% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hành khách là 285.762,82 nghìn người.km, tăng 23,66%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa là 9.899,51 nghìn tấn, tăng 3,92% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hàng hóa là 380.794,22 nghìn tấn.km, tăng 2,39%.

b. Du lịch

Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượt khách du lịch đến Long An ước khoảng 800.000 lượt người, tăng 2 lần so với cùng kỳ (có khoảng 18.500 lượt khách quốc tế), doanh thu ước đạt 410 tỷ đồng, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

8. Tài chính, tiền tệ

a. Tài chính

Tổng thu ngân sách nhà nước đến ngày 19/6/2024 đạt 13.718,18 tỷ đồng, bằng 64,44% dự toán giao và tăng 45,23% so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa đạt 11.820,66 tỷ đồng, bằng 66,79% dự toán giao và tăng 48,84% so cùng kỳ (thu xổ số kiến thiết 1.117,45 tỷ đồng, bằng 59,12% dự toán giao và tăng 9,82% so cùng kỳ); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.897,52 tỷ đồng, bằng 52,86% dự toán giao và tăng 26,16% so cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương đạt 9.858,01 tỷ đồng, bằng 51,64% dự toán giao và tăng 0,88% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 5.435,42 tỷ đồng, bằng 84,13% dự toán giao và giảm 10,72% so cùng kỳ; chi thường xuyên là 4.421,81 tỷ đồng, bằng 44,26% dự toán giao và tăng 20,09% so cùng kỳ.

b. Tiền tệ

Tổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 6/2024 ước đạt 107.450 tỷ đồng, tăng 3,09% so với đầu năm và tăng 8,98% so cùng thời điểm năm trước; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 139.876 tỷ đồng, tăng 5,09% so với đầu năm và tăng 12,76% so cùng thời điểm năm trước; nợ xấu 2.341 tỷ đồng, tăng 42,48% so với đầu năm và tăng 57,33% so với cùng thời điểm năm trước.

II. Một số vấn đề xã hội

 1. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Trong 6 tháng đầu năm 2024, chính sách người có công và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, không phát sinh hộ đói; công tác chăm lo, nuôi dưỡng các đối tượng khó khăn, cơ nhỡ được quan tâm thực hiện.

 2. Giáo dục

Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành Giáo dục đã tổ chức nhiều hoạt động như: tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia trung học phổ thông năm học 2023-2024 với 65 thí sinh dự thi (kết quả có 26 thí sinh dự thi đạt giải). Tổ chức Kỳ thi học sinh giỏi giải Toán trên máy tính cầm tay tỉnh Long An năm học 2023-2024 cho 414 học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông (kết quả có 140 thí sinh đạt giải). Phối hợp Tỉnh đoàn tổ chức Hội thi Tin học trẻ lần 26 (có 43 thí sinh đạt giải). Tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” lần thứ 16 (có 61 nhà giáo được trao tặng).

Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia vào cuối tháng 6 năm 2024, toàn tỉnh có 1 hội đồng thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 15.804 thí sinh (nhiều hơn năm 2023 là 151 thí sinh). Có 36 điểm thi đặt tại các trường trung học phổ thông hoặc trung học cơ sở trên địa bàn của 15 huyện, thị xã, thành phố.

 3. Y tế

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 cơ bản ổn định, các bệnh truyền nhiễm được kiểm soát tốt, công tác chăm lo sức khỏe của người dân được quan tâm. Một số bệnh truyền nhiễm được ghi nhận đến cuối tháng 5 năm 2024 như: Bệnh sốt xuất huyết 506 ca (giảm 67,7% so với cùng kỳ); bệnh tay chân miệng 849 ca (tăng 4 lần so cùng kỳ); bệnh thủy đậu 80 ca (giảm 4,7%); bệnh lao phổi 251 ca (tăng 10,5%); bệnh quai bị 4 ca (giảm 50%); bệnh tiêu chảy 672 ca (tăng 1,8%); bệnh viêm gan B có 1.392 ca (tăng 2%); bệnh sởi lâm sàn 4 ca (tăng 4 lần so cùng kỳ); bệnh do vi rút adeno 278 ca (tăng 14,4%). Tổng số ca nhiễm HIV được phát hiện từ đầu năm đến cuối tháng 5 năm 2024 là 134 ca, giảm 51 ca so với cùng kỳ. Số bệnh nhân còn sống đang được quản lý là 3.413 nội tỉnh và 896 ca ngoại tỉnh. Trong 5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực.

 4. Lao động và việc làm

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 255 lao động sang nước ngoài làm việc chủ yếu tại Nhật Bản và Đài Loan; cấp 1.238 giấy phép cho người lao động nước ngoài; thẩm định nội quy 90 doanh nghiệp; xác nhận khai báo kiểm định 95 doanh nghiệp với tổng số 616 thiết bị. Có 18.008 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp; trong đó xét duyệt 14.159 người; chi trợ cấp thất nghiệp 288,6 tỷ đồng; 378 người được hỗ trợ học nghề, 95.844 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh tuyển sinh đào tạo được 12.871 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,63%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33,70%.5.   Văn hóa - thể thao

a. Văn hóa: Trong 6 tháng đầu năm 2024, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí đã được tỉnh tổ chức nhằm chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và giúp nâng cao tinh thần, cuộc sống cho người dân.

b. Thể thao: Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 4 giải thể thao cấp tỉnh như giải bóng chuyền hơi nữ, bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng, bơi lội các nhóm tuổi và Giải Đua xuồng ba lá tỉnh Long An năm 2024. Tính đến hiện tại, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên là 595.317 người; số hộ gia đình thể thao là 125.862 hộ; 100% số học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể.

 6.   Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường

a. Cháy, nổ: Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy (tăng 2 vụ so cùng kỳ năm trước); không có người chết và bị thương; tổng giá trị thiệt hại là 1.307,68 triệu đồng (giảm 3.072,32 triệu đồng).

b. Bảo vệ môi trường: Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử phạt 15 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường (tăng 10 vụ so với cùng kỳ năm trước); tổng số tiền phạt là 670,49 triệu đồng (tăng 158,77 triệu đồng). 

 7. Tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông, trong 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 154 vụ tai nạn giao thông (giảm 41 vụ so cùng kỳ năm trước); làm chết 86 người (giảm 45 người); bị thương 95 người (tăng 16 người)./.



[1] Theo công văn 1049/TCTK-TKQG ngày 29/5/2024 của Tổng cục Thống kê: Quý I tăng 5,08%, quý II tăng 5,46%, 6 tháng tăng 5,26%.

[2] Tốc độ tăng/giảm GRDP 6 tháng đầu năm 2024 của các tỉnh/thành Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam: 1. Tây Ninh (tăng 7,90%); 2. Bình Phước (tăng 7,76%); 3. Đồng Nai (tăng 6,80%); 4. Tp. HCM (tăng 6,46%); 5. Bình Dương (tăng 6,19%); 6. Tiền Giang (tăng 5,56%); 7. Long An (tăng 5,26%); 8. Bà Rịa Vũng Tàu (giảm 1,42%).

[3] Tốc độ tăng GRDP 6 tháng đầu năm 2024 các tỉnh/thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long: 1. Trà Vinh (tăng 10,27%); 2. Hậu Giang (tăng 8,04%); 3. Cà Mau (tăng 6,96%); 4. Kiên Giang (tăng 6,84%); 5. An Giang (tăng 6,60%); 6. Sóc Trăng (tăng 6,54%); 7. Đồng Tháp (tăng 5,93%); 8. Bạc Liêu (tăng 5,74%); 9. TP Cần Thơ (tăng 5,73%); 10. Tiền Giang (tăng 5,56%); 11. Long An (tăng 5,26%); 12. Bến Tre (tăng 4,96%); 13. Vĩnh Long (tăng 4,77%).

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1